Thứ 4, 27/11/2024, 07:37[GMT+7]

Ghi nhận từ tháng hành động vì an toàn thực phẩm

Thứ 2, 11/06/2018 | 09:31:03
1,791 lượt xem
Thực hiện tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2018, với chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm”, ngành Y tế đã tích cực phối hợp với các ngành liên quan vào cuộc truyền thông và đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra góp phần nâng cao ý thức của các hộ sản xuất, kinh doanh và người dân trong bảo đảm ATTP.

Chế biến thực phẩm tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp Nguyễn Đức Cảnh.

Theo đồng chí Phan Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Y tế: Những năm qua, ngành Y tế đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh các hoạt động nhằm bảo đảm ATTP trên địa bàn. Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tình trạng vi phạm các quy định về ATTP ở một số nơi, một số lĩnh vực vẫn còn xảy ra, làm giảm niềm tin của người tiêu dùng. Tháng hành động vì ATTP năm 2018, chủ đề “Tăng cường trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm” là một trong những điểm nhấn thực hiện công tác bảo đảm ATTP trong năm. 

Triển khai tháng hành động, ngành Y tế đã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh truyền thông, giáo dục, nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATTP tới các tổ chức, cá nhân từ đó phát huy vai trò quản lý nhà nước về ATTP của các địa phương, đơn vị; các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP. 

Các nội dung truyền thông trong tháng hành động tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, làm rõ trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng trong việc bảo đảm ATTP theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cách sản xuất, sơ chế, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm bảo đảm an toàn; nói không với sử dụng hóa chất, chất cấm; thực hiện tốt các quy định về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, hóa chất, phụ gia, các điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ sơ chế, chế biến rau, thịt, thủy sản tươi sống; vệ sinh cá nhân trong việc phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức về trách nhiệm của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là sản xuất, kinh doanh rượu, rau, thịt, thủy sản tươi sống. Từ đó nâng cao nhận thức của nhà sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng, chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc, đặc biệt là các vụ ngộ độc tập thể và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Đồng chí Lê Văn Diện, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Trong tháng hành động, toàn tỉnh đã tổ chức 313 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành và chuyên ngành kiểm tra công tác bảo đảm ATTP ở tuyến tỉnh, huyện, xã. Kết quả, đã kiểm tra 4.370/11.161 cơ sở sản xuất, kinh doanh, sơ chế và chế biến thực phẩm. Có 3.213 cơ sở (73,5%) đạt các điều kiện về ATTP. Các đoàn đã phát hiện 663 cơ sở có vi phạm các điều kiện về bảo đảm ATTP. Có 63 cơ sở vi phạm bị xử lý, 60 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền phạt 80.300.000 đồng. 

Các nội dung vi phạm chủ yếu là điều kiện về trang thiết bị, dụng cụ chế biến thực phẩm, điều kiện về con người, về công bố sản phẩm và ghi nhãn thực phẩm... Trong đó vi phạm về điều kiện trang thiết bị dụng cụ có 1.200 cơ sở trên tổng số 1.920 cơ sở được thanh kiểm tra, chiếm 62,5%; điều kiện về con người có 2.310 cơ sở vi phạm trên tổng số 2.802 cơ sở kiểm tra, chiếm tỷ lệ 82,4%. Trong tháng hành động vì ATTP, không có số vụ ngộ độc thực phẩm, không có trường hợp phải nhập viện và không có tử vong vì ngộ độc thực phẩm.

Mặc dù đạt nhiều kết quả song theo đồng chí Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn như: một số văn bản quản lý nhà nước mới thay đổi nên việc thực hiện theo quy định mới của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm còn chưa kịp thời, đúng theo quy định, đặc biệt đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh; đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ mang tính chất gia đình, việc sản xuất, chế biến còn mang tính chất thủ công nên vẫn còn một số vi phạm về điều kiện bảo đảm ATTP; công tác quản lý nhà nước của cấp xã về ATTP còn hạn chế; các cơ sở vi phạm về ATTP tuyến xã chủ yếu mới chỉ dừng lại ở nhắc nhở mà chưa có hình thức xử phạt cao hơn như phạt hành chính, tiêu hủy sản phẩm; trang thiết bị, phương tiện, nguồn lực phục vụ cho công tác kiểm tra, giám sát chất lượng, ATTP còn nhiều hạn chế.

Để tiếp tục duy trì tốt kết quả của tháng hành động vì ATTP và thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm ATTP trong thời gian tới, Chi cục đề nghị tỉnh tăng cường hỗ trợ kinh phí cho công tác thanh tra, kiểm tra về ATTP. Chỉ đạo các địa phương tập trung công tác thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý vi phạm về ATTP. Nâng cao hơn nữa vai trò của UBND huyện, thành phố, tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp thực hiện công tác bảo đảm ATTP tại địa phương. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về công tác bảo đảm ATTP của cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo thẩm quyền.

Hà Dung