Thứ 4, 27/11/2024, 07:39[GMT+7]

Sinh kế cho người khuyết tật

Thứ 4, 13/06/2018 | 08:09:23
1,296 lượt xem
Được triển khai từ năm 2016, chương trình hỗ trợ lợn nái do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm tài trợ đã giúp nhiều phụ nữ khuyết tật, người có hoàn cảnh khó khăn xã An Bình (Kiến Xương) có thêm tư liệu sản xuất, từng bước phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó, cuộc sống của họ dần vơi bớt khó khăn.

Bà Trương Thị Thìn, thôn Bình Trật Bắc, xã An Bình (Kiến Xương) chăm sóc đàn lợn nái.

Bà Nguyễn Thị Nhàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã An Bình cho biết: Từ con lợn nái ban đầu được hỗ trợ trị giá 1,5 triệu đồng/hộ, đến nay, 20 hộ được trao tặng lợn nái đã chăm sóc và phát triển đàn lợn sinh sản tốt, đạt tỷ lệ từ 2 - 4 lứa/lợn nái/hộ nuôi. Lợn nuôi khỏe mạnh, ít dịch bệnh và sinh sản đều nên các hộ được hưởng lợi từ chương trình rất phấn khởi. Thời gian đầu, giá lợn con xuất chuồng cao, nhiều hộ đã sắm được những vật dụng thiết yếu, từng bước cải thiện cuộc sống. Khi giá lợn con xuống thấp, các hộ vẫn tiếp tục duy trì nuôi bởi họ có thể tận dụng nguồn thức ăn sẵn có mà không mất quá nhiều chi phí chăm sóc lợn mẹ. Hiện nay giá lợn đang có xu hướng tăng, người nuôi phấn khởi hơn.

Gia đình bà Trương Thị Thìn, thôn Bình Trật Bắc, xã An Bình là 1 trong 20 hộ được nhận lợn nái của chương trình. Cuộc sống gia đình bà khá vất vả bởi hai người con đều bị khuyết tật. Người con gái lớn 31 tuổi bị khuyết tật bẩm sinh không thể tự chủ sinh hoạt, người con trai bị thiểu năng trí tuệ. Mọi chi tiêu trong gia đình chỉ trông vào thu nhập từ mấy sào ruộng và tiền công làm thợ xây của chồng. Khi được chương trình hỗ trợ lợn nái, gia đình bà vui lắm. 

Bà Thìn chia sẻ: Được sự quan tâm của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh và chính quyền địa phương, gia đình tôi có thêm con lợn nái. Từ khi nuôi đến nay, lợn sinh được 3 lứa. Mỗi lứa lợn đẻ đều trên 10 con. Lấy công làm lãi, mỗi lứa xuất bán sau khi trừ chi phí gia đình cũng có thêm thu nhập.

Cách nhà bà Thìn không xa là gia đình ông Nguyễn Ngọc Huân. Gia đình ông Huân thuộc diện cận nghèo, bản thân ông bị khuyết tật vận động không thể làm được công việc nặng. Ngày được nhận lợn giống hỗ trợ, ông Huân rất vui bởi gia đình có thêm tư liệu sản xuất, điều này đồng nghĩa ông sẽ có việc làm thay vì những tháng ngày rảnh rỗi ở nhà. 

Ông Huân chia sẻ: Sau khi nhận được lợn, tôi cần mẫn chăm sóc nên lợn sinh sản rất tốt, tỷ lệ sinh sản cao hơn những hộ nuôi khác. Hiện lợn chuẩn bị sinh sản lứa thứ năm. Nhìn thấy thành quả lao động của mình hàng ngày tôi cũng vơi bớt đi mặc cảm khuyết tật. Với giá bán cao như những năm đầu nuôi, gia đình tôi đã có tích lũy. Hàng ngày, để chăm sóc lợn, gia đình tôi tận dụng rau cỏ, cơm thừa sẵn có của gia đình nên cũng đỡ chi phí thức ăn cho lợn. Tôi sẽ tiếp tục duy trì lợn giống bởi đó là niềm vui công việc hàng ngày và hơn nữa là món quà từ sự quan tâm của cộng đồng dành tặng.

Cùng với việc hỗ trợ dạy nghề, cho vay vốn, cung cấp tư liệu sản xuất, chương trình hỗ trợ lợn nái do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm tài trợ đã phần nào cải thiện cuộc sống cho người khuyết tật, trẻ mồ côi. 

Tuy nhiên, hiện toàn tỉnh vẫn còn nhiều người khuyết tật, trẻ mồ côi cần trợ giúp. Vì thế, những cánh tay dang rộng của cộng đồng cùng với các chương trình, dự án hỗ trợ giống, vốn, tạo việc làm sẽ là đòn bẩy quan trọng để người khuyết tật, trẻ mồ côi làm chủ cuộc sống, không trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội.

Như Hoàng