Thứ 4, 27/11/2024, 11:42[GMT+7]

Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em

Thứ 2, 06/08/2018 | 14:12:01
1,589 lượt xem
Sáng ngày 6/8, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em, giải pháp phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em.

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thái Bình.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em; lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan. 

Tại điểm cầu Thái Bình, các đồng chí: Nguyễn Thị Lĩnh, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Phạm Văn Tuân, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan dự hội nghị.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 2 nghìn trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. Theo kết quả phân tích từ đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em và tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại tình dục bởi người thân trong gia đình là 21,3%; giáo viên, nhân viên nhà trường 6,2%; người quen, hàng xóm 59,9%; các đối tượng khác 12,6%.

Thời gian qua, mặc dù công tác xây dựng hệ thống văn bản pháp luật, chính sách và chỉ đạo điều hành thực hiện pháp luật, chính sách về bảo vệ trẻ em luôn được quan tâm và chỉ đạo sâu sát; công tác truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em có nhiều đổi mới, tuy nhiên số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện giảm không nhiều. Năm 2016 giảm 4,4% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3% so với năm 2016. Tính chất vụ bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội…

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em những năm qua luôn nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng và cộng đồng xã hội. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn và tham gia các công ước quốc tế về quyền trẻ em. Tuy nhiên, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em tại nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần khắc phục. 

Để giảm số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các bộ, ban, ngành, tổ chức xã hội và cộng đồng ở địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ đồng bộ; xác lập cơ chế phối hợp phòng ngừa, xử lý vụ việc xâm hại trẻ em tại địa phương; tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em và hỗ trợ tư vấn pháp lý khi cần thiết; xử lý nghiêm các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, cá nhân che giấu, không thông báo, không tố cáo vụ việc, hành vi xâm hại trẻ em…

Trên cơ sở các nguyên nhân, kiến nghị, giải pháp được các đại biểu nêu ra tại hội nghị để giảm số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp các ý kiến để làm cơ sở cho việc triển khai công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong thời gian tới ngày một tốt hơn.

Nguyễn Cường