Thứ 4, 27/11/2024, 11:37[GMT+7]

Nỗi đau da cam

Thứ 6, 10/08/2018 | 09:03:14
1,772 lượt xem
Chiến tranh đã lùi xa nhưng trên cơ thể nhiều người lính năm xưa vẫn còn hằn những vết thương, cả do bom đạn và do chất độc da cam/Điôxin khiến họ cùng gia đình phải chịu nỗi đau đớn tột cùng khi chứng kiến con, cháu mình bị khuyết tật cả về thể xác lẫn tinh thần.

Nạn nhân bị ảnh hưởng gián tiếp bởi chất độc da cam/Điôxin được dạy nghề, tạo việc làm.

Vết thương không rỉ máu

3 năm lái xe chở bộ đội, lương thực, súng đạn trong chiến trường, ông Bùi Quang Giang, thôn Hưng Đạo Tây, xã Đông Quang (Đông Hưng) vẫn nhớ như in những năm tháng lái xe ban đêm qua nhiều đoạn đường đèo lầy lội, những hố bom dày đặc cùng cánh rừng của các tỉnh Quảng Trị, Đắc Nông bị bom đạn, chất độc da cam/Điôxin của Mỹ thả xuống không còn một chiếc lá xanh. Trong những hành trình đã trải qua, ông nhớ nhất một hành trình sinh tử khi đoàn xe chở hàng của trung đoàn bị máy bay địch xuống thấp thả bom phát quang. 

Ông Giang chia sẻ: 20 xe chở hàng bị cháy mất 12 xe, bộ đội may mắn không ai hy sinh. Dù người đen do khói bụi song anh em vẫn sửa xe, san đường đi tiếp. Gian khổ đấy nhưng mọi người anh hùng lắm.

Câu chuyện về những năm tháng nơi chiến trường được ông Giang kể lại với niềm tự hào, xúc động. Thế nhưng, khi được hỏi về cuộc sống hiện tại, giọng người đàn ông đã ở tuổi “thất thập” bỗng trầm lại. Ông nhìn về phía người con trai năm nay đã 40 tuổi, mắt rớm lệ: Tôi phải tự tay quây sắt để nhốt nó lại chứ không nhốt nó lại bỏ nhà đi mất. Có lần vợ chồng tôi phải nhờ cả hàng xóm đi khắp nơi tìm. Nó sang tận xã Đông Động mà không biết đường về. Sinh con ra mà mãi đến sau này tôi mới biết đó là do ảnh hưởng của chất độc da cam/Điôxin.

Tuổi đã cao, bản thân lại bị ung thư đại tràng, trực tràng song giờ đây ông Giang cùng người vợ đã gần 70 tuổi hàng ngày vẫn phải bón từng thìa cơm, lo việc vệ sinh cá nhân cho người con trai khuyết tật. Khoản trợ cấp chất độc da cam/Điôxin của hai bố con cũng chỉ tạm cho cuộc sống hàng ngày chứ không đủ để lo thuốc men chữa bệnh cho ông.

Cách nhà ông Giang không xa là nhà bà Bùi Thị Mậu. Bà Mậu có 4 người con thì cả 4 đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Điôxin. Người con trai lớn mất khi được hơn 1 tuổi, niềm hy vọng đặt vào người con thứ hai nhưng khi sinh ra cũng bị dị tật. Thời ấy bà chưa biết đó là do ảnh hưởng của chất độc da cam/Điôxin từ người chồng tham gia kháng chiến chống Mỹ nên lại sinh thêm 2 con nữa song cả hai đều bị khuyết tật thần kinh. 

Hiện đã 70 tuổi nhưng hàng ngày bà Mậu vẫn phải đi làm thuê để có tiền nuôi con, trang trải cuộc sống. Đôi lúc lên cơn, mất kiểm soát, người con trai 44 tuổi còn đánh cả mẹ. Dù đau xót nhưng để tránh con gây hại, nhiều lần bà phải xích con vào cửa sổ. Người con gái Bùi Thị Nguyệt năm nay 33 tuổi nhưng suy nghĩ cũng chỉ như đứa trẻ lên ba, suốt ngày đi lang thang đến bữa ăn mới về. Kinh tế gia đình eo hẹp, chồng mất, mẹ con bà giờ chỉ biết sống nhờ vào khoản trợ cấp 2,4 triệu đồng/tháng của các con. Chứng kiến cảnh người mẹ già tất bật lo toan, chăm sóc những đứa con ngây dại, ai cũng xót xa.

Chung tay xoa dịu nỗi đau

Ông Giang, bà Mậu chỉ là hai trong hàng nghìn trường hợp có thế hệ thứ hai bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Điôxin. Theo tổng hợp của Hội Nạn nhân chất độc da cam/Điôxin tỉnh, đến tháng 5/2018, toàn tỉnh có trên 24.300 nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp bởi chất độc da cam/Điôxin là hội viên của Hội; số hộ có từ 2 nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Điôxin trở lên là gần 2.150 hộ; 428 nạn nhân thế hệ thứ ba và 15 nạn nhân ở thế hệ thứ tư. 

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, những năm qua, các cấp hội trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: tặng quà, hỗ trợ xây, sửa nhà, dạy nghề, tạo việc làm, tẩy độc... Từ năm 2017 đến nay, các cấp hội đã vận động được trên 43.000 suất quà trao tặng cho các đối tượng; xây, sửa 3 nhà tình nghĩa; hỗ trợ sản xuất cho các đối tượng với số tiền trên 100 triệu đồng; trao 31 sổ tiết kiệm; dạy nghề, tạo việc làm cho hàng chục nạn nhân gián tiếp và tẩy độc, chăm sóc sức khỏe cho hàng trăm lượt nạn nhân bị ảnh hưởng trực tiếp bởi chất độc da cam/Điôxin. 

Sự chung tay của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, địa phương thời gian qua đã phần nào xoa dịu nỗi đau da cam. Tuy nhiên, di chứng của chất độc da cam/Điôxin kéo dài nên cuộc sống của nhiều gia đình vẫn còn vô vàn khó khăn.

Sống bình yên trên đất nước từng một thời mưa bom bão đạn, mỗi người dân càng trân trọng và tự hào bởi sự cống hiến, hy sinh của những người chiến sĩ. Song chúng ta cần chung tay và chia sẻ nhiều hơn nữa với những người lính năm xưa bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/Điôxin. Thứ chất độc quái ác ấy không chỉ gieo bệnh tật, làm suy kiệt thể lực của nhiều người lính trở về từ chiến trường mà còn khiến gia đình họ lâm vào cảnh nghèo khó, bệnh tật, khổ đau... 

Sự quan tâm, chia sẻ của cả cộng đồng về vật chất, tinh thần sẽ là nguồn động viên, khích lệ lớn lao để họ từng bước vượt lên nỗi đau da cam.

Hoàng Lanh