Chủ nhật, 24/11/2024, 20:25[GMT+7]

Thái Thụy Hành động vì sự tiến bộ của phụ nữ

Thứ 5, 27/10/2011 | 08:39:54
1,360 lượt xem
Việc thực hiện Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN), công tác VSTBCPN và hoạt động bình đẳng giới trên địa bàn huyện Thái Thụy đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Các chương trình, mục tiêu tăng cường năng lực hoạt động của Ban VSTBCPN được triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Phụ nữ Thái Thụy vẫn là lao động chính trong sản xuất.

10 năm qua, Ban VSTBCPN huyện Thái Thụy đã tập trung chỉ đạo các phòng, ban – nhất là Hội LHPN trước kia, nay là Phòng Lao động – TBXH, tích cực đề xuất, tham mưu với BTV Huyện ủy lãnh đạo, chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh các hoạt động góp phần thực hiện công tác VSTBCPN và hoạt động bình đẳng giới. Nhờ đó, việc thực hiện Chiến lược quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN), công tác VSTBCPN và hoạt động bình đẳng giới trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Các chương trình, mục tiêu tăng cường năng lực hoạt động của Ban VSTBCPN được triển khai đồng bộ, thực hiện hiệu quả đã góp phần vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập, kiện toàn Ban VSTBCPN các cấp, ở Thái Thụy, Ban VSTBCPN huyện được kiện toàn kịp thời theo nhiệm kỳ đại hội Đảng hoặc khi có sự thay đổi về đội ngũ cán bộ. Hiện nay, Ban VSTBCPN huyện do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện làm Trưởng ban, đồng chí Trưởng phòng Lao động – TBXH huyện làm Phó trưởng ban thường trực, Chủ tịch Hội LHPN làm Phó trưởng ban, trưởng và phó trưởng các phòng có liên quan làm ủy viên.

Huyện cũng đồng thời chỉ đạo 48/48 xã, thị trấn tích cực triển khai, hoàn thiện việc kiện toàn Ban VSTBCPN ở cấp mình. Để tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động, Ban VSTBCPN huyện tích cực phối hợp với các ngành và các xã, thị trấn triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình giảm dần khoảng cách bất bình đẳng giới.

Một trong những giải pháp đó là tuyên truyền, giáo dục nhận thức về giới và bình đẳng giới. Ban VSTBCPN huyện thường xuyên quan tâm tổ chức tập huấn, bổ sung kiến thức về giới, kỹ năng lồng ghép giới, các mục tiêu hoạt động của Ủy ban quốc gia VSTBCPN Việt Nam, Công ước chống phân biệt đối xử với phụ nữ… cho đại biểu các ban, ngành, đoàn thể và cán bộ xã, thị trấn. Thông qua tập huấn, nhận thức về trách nhiệm của các cấp lãnh đạo về công tác cán bộ nữ, hoạt động VSTBCPN được nâng lên rõ rệt.

Cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm hơn, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ nữ. Đồng thời, Ban VSTBCPN huyện cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về giới và bình đẳng giới; các nội dung trong chiến lược và kế hoạch hành động VSTBCPN của huyện và cơ sở… Hình thức tuyên truyền được chú ý theo hướng đa dạng, phong phú như thông qua các hội nghị tập huấn, các buổi tọa đàm, các cuộc thi như cuộc thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới… đã phát huy tác dụng tích cực, vừa thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân, vừa thúc đẩy sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến cơ sở trong việc chăm lo cho công tác cán bộ nữ và hoạt động VSTBCPN. Trong cuộc thi tìm hiểu Luật Bình đẳng giới, toàn huyện đã có 3.789 bài dự thi.

Từ sự nỗ lực, cố gắng trên, hoạt động VSTBCPN và bình đẳng giới trên địa bàn huyện Thái Thụy đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu của Chiến lược quốc gia, Kế hoạch hành động VSTBCPN giai đoạn 2001 – 2010. Quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực được bảo đảm. Trong lĩnh vực lao động, việc làm, trung bình mỗi năm trên địa bàn huyện có gần 2.500 phụ nữ được học nghề phù hợp với phụ nữ như may, may tre đan, thêu ren, làm chổi đót, móc sợi, làm hương…

Ở lĩnh vực giáo dục – đào tạo, các cấp, các ngành trong huyện đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi để phụ nữ được học tập, nâng cao trình độ. Nhờ đó chị em có điều kiện và cơ hội thể hiện vai trò, vị trí của mình trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Số lượng cán bộ nữ của Thái Thụy tham gia công tác Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ngày một tăng. Trong nhiệm kỳ 2005 – 2010, cấp ủy huyện có 4 đồng chí nữ tham gia, trong đó có 1 đồng chí tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy. HĐND huyện khóa XVII có 8/49 đại biểu là nữ. HĐND các xã, thị trấn có 233/1.187 đại biểu nữ. Bước vào nhiệm kỳ 2010 – 2015, có 69 phụ nữ Thái Thụy tham gia cấp ủy xã, thị trấn (trong tổng số 778 cấp ủy viên). Ở huyện, con số đó là 4/43.

Tuy đã đạt được một số kết quả nhất định song do nhiều nguyên nhân khác nhau nên hoạt động VSTBCPN ở Thái Thụy vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Ở một số ngành, một số cơ sở của huyện, hoạt động của Ban VSTBCPN chưa rõ nét, kinh phí khó khăn, cán bộ làm công tác VSTBCPN từ huyện đến cơ sở đều kiêm nhiệm đã ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ này. Bên cạnh đó, việc kiểm tra tình hình thực hiện chính sách pháp luật đối với phụ nữ cũng như công tác tham mưu xây dựng pháp luật, chính sách ưu tiên cho nữ giới còn nhiều hạn chế…

Ban VSTBCPN Thái Thụy nhận rõ điều này và đề ra giải pháp khắc phục để hoạt động VSTBCPN và bình đẳng giới trên địa bàn huyện tiếp tục thu được nhiều kết quả cao hơn, góp phần phát huy tiềm năng và vai trò của người phụ nữ quê biển trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Minh Sơn

  • Từ khóa