Chủ nhật, 24/11/2024, 20:46[GMT+7]

Nâng cao “văn hóa nghề” cho người lao động: Cần phát huy vai trò của tổ chức công đoàn

Thứ 6, 28/10/2011 | 09:35:55
1,532 lượt xem
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, số lượng các doanh nghiệp được thành lập mới ở Thái Bình cũng ngày càng tăng về số lượng, đi kèm với sự ra đời của hàng loạt các khu, cụm công nghiệp, khiến số lượng công nhân cũng gia tăng mạnh. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu những lao động có chất lượng, trong đó “văn hóa nghề” chưa được trang bị một cách đầy đủ.

Dây chuyền may của Xí nghiệp may Hưng Nhân (Hưng Hà)

Đa số công nhân hiện nay đều xuất thân từ những vùng nông thôn sản xuất nông nghiệp. Do đó, lối làm việc tự do và ý thức tiểu nông đã ăn sâu vào mỗi người. Bên cạnh đó, việc tuyển dụng mang tính đại trà, không cần bằng cấp và sau khi tuyển dụng, người sử dụng lao động chỉ tổ chức những lớp đào tạo ngắn hạn chủ yếu tập trung vào kỹ năng lao động để nhanh chóng sử dụng sức lao động của công nhân.

Phần lớn chủ doanh nghiệp, mục tiêu của họ là tìm cách đạt lợi nhuận cao, ít quan tâm đến đời sống người lao động (NLĐ). Để tăng thu nhập buộc phải tăng ca nhiều như hiện nay, nên con đường đi học nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn sẽ còn “xa vời”. Thái Bình có nguồn lao động dồi dào, trong đó lao động trẻ chiếm tỷ lệ lớn, đây là lợi thế để thu hút đầu tư vào tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế, những ưu điểm của NLĐ như: tính thông minh, sáng tạo, cần cù, chịu khó, nhanh nhẹn, thích nghi nhanh với môi trường lao động công nghiệp càng phát huy bao nhiêu thì những yếu kém như: tính vô kỷ luật, tùy tiện, cẩu thả trong công việc, quan hệ giao tiếp, nhất là lao động phổ thông càng bộc lộ bấy nhiêu.

Những hạn chế đó là hệ quả của việc không coi trọng văn hóa nghề nghiệp của NLĐ. Chính vì vậy, họ sẵn sàng bỏ việc, nghỉ việc tùy tiện, bất cứ lúc nào, không yên tâm làm việc lâu dài trong doanh nghiệp, luôn có tư tưởng chuyển nghề hoặc chuyển chỗ làm mới. Thậm chí, ngừng việc tập thể, tự động đình công cả trong những trường hợp không cần thiết và không đúng quy định của pháp luật.

Nâng cao văn hóa nghề nghiệp cho NLĐ phải bắt đầu từ quá trình giáo dục và đào tạo, nhưng có sự tiếp nối từ quá trình thực hành nghề nghiệp, làm việc của NLĐ; tạo dựng NLĐ quen dần với môi trường sống mới của xã hội công nghiệp; giáo dục văn hóa dân tộc. Chỉ khi văn hóa ngấm sâu vào nghề nghiệp mới tạo cho người ta niềm tự hào, môi trường chia sẻ tin cậy lẫn nhau, đoàn kết tạo nên sức mạnh, tạo ra những sản phẩm có hàm lượng văn hóa cao... Do vậy, việc xây dựng ý thức kỷ luật, nâng cao văn hóa nghề nghiệp cho công nhân là  một vấn đề rất cần thiết. Các tổ chức chính trị, đoàn thể trong doanh nghiệp, đặc biệt là công đoàn cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong việc giáo dục, bồi dưỡng văn hóa nghề cho công nhân. 

Trong những năm qua, Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh đã không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, tập trung hướng về cơ sở, nhất là hướng về NLĐ trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để tổ chức các hoạt động nhằm không ngừng củng cố, nâng cao ý thức, tác phong công nghiệp, sự hiểu biết pháp luật và nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, góp phần tích cực xây dựng giai cấp công nhân như Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về: “Xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” đã đề ra.

Một trong những hình thức được áp dụng hiệu quả là thông qua việc phát triển và thành lập công đoàn cơ sở (CĐCS) ở doanh nghiệp gắn kết việc tuyên truyền pháp luật cho NLĐ. Nhờ đó, NLĐ có cơ hội tiếp nhận kiến thức pháp luật một cách cơ bản nhất các luật: Lao động, Công đoàn, BHXH, chế độ chính sách đối với lao động nữ...

Năm 2011, LĐLĐ tỉnh tổ chức quyên góp báo, tạp chí để chuyển đến tận tay công nhân các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Mỗi tháng sẽ có 2 đợt chuyển báo và đã có gần 5.000 cuốn báo, tạp chí tới tay NLĐ. Cùng với đó, các cấp công đoàn trong tỉnh đã duy trì tốt việc tổ chức học tập 5 bài giáo dục chính trị cơ bản cho NLĐ trẻ trong các doanh nghiệp với nhiều hình thức như: tổ chức các lớp học tập trung, biên soạn tài liệu dưới dạng hỏi- đáp dễ hiểu, dễ nhớ để phát cho NLĐ tự nghiên cứu học tập trong điều kiện lao động sản xuất theo ca kíp; phát hành hàng nghìn tờ gấp tuyên truyền về các luật: Lao động, BHXH; tuyên truyền về vai trò, vị trí, chức năng công đoàn... Duy trì và thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên từ tỉnh đến cơ sở để truyền đạt cho NLĐ về chủ chương, chính sách, chế độ của Nhà nước.

Đã đến lúc chúng ta cần coi việc trang bị văn hoá nghề cho NLĐ là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng nguồn lao động. Có văn hoá nghề, NLĐ mới không đứng trước nguy cơ mất thị trường lao động, trên chính quê hương mình. Tuy nhiên, để nâng cao trình độ cho NLĐ, đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH- HĐH cần có giải pháp hiệu quả trong việc bồi dưỡng nâng cao trình độ tay nghề, hiểu biết kiến thức xã hội, pháp luật; xây dựng chính sách khuyến khích, đãi ngộ xứng đáng, tạo động lực cho công nhân lao động phát huy khả năng của mình.

        Minh Nguyệt

 

  • Từ khóa