Thứ 4, 27/11/2024, 13:46[GMT+7]

Giảm nghèo cho đối tượng yếu thế: Cần những chính sách phù hợp (Kỳ 1)

Thứ 2, 10/09/2018 | 08:20:16
2,614 lượt xem
Theo tiêu chí nghèo đa chiều, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,61%, năm 2017 còn 4,01%. Song theo đánh giá, việc tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo sẽ ngày càng khó khăn bởi số hộ nghèo còn lại chủ yếu tập trung vào những đối tượng yếu thế, khó có khả năng thoát nghèo. Vì vậy, việc giảm nghèo cho đối tượng yếu thế đang cần những chính sách phù hợp hơn.

Nhiều người khuyết tật được dạy nghề, tạo việc làm với thu nhập ổn định.

Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2011 đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm từ 8,12% xuống còn 2,9% (theo tiêu chí nghèo đơn chiều). Theo tiêu chí nghèo đa chiều, năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 4,61%, năm 2017 còn 4,01%. Song theo đánh giá, việc tiếp tục giảm tỷ lệ hộ nghèo sẽ ngày càng khó khăn bởi số hộ nghèo còn lại chủ yếu tập trung vào những đối tượng yếu thế, khó có khả năng thoát nghèo. Vì vậy, việc giảm nghèo cho đối tượng yếu thế đang cần những chính sách phù hợp hơn.

Kỳ 1: Những người khuyết tật thoát nghèo, làm giàu

Làm kinh tế xuất phát điểm từ hai bàn tay trắng với người bình thường đã khó, với những người khuyết tật thì lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng, với nghị lực phi thường, nhiều người khuyết tật đã không chỉ vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu.

Kể về nỗ lực vượt khó, vươn lên thoát nghèo, làm giàu bằng chính sức lao động của vợ chồng anh Trương Văn Tám và chị Lã Thị Hoài Thu, tổ 23, phường Lê Hồng Phong (thành phố Thái Bình) không ai không cảm phục bởi chị Thu bị khiếm thị còn anh Tám lại bị khuyết tật vận động. 

Chị Thu chia sẻ: Khi quyết tâm đến với nhau để xây dựng một gia đình, vợ chồng tôi gặp phải sự phản đối kịch liệt từ những người thân, bởi gia đình hai bên đều lo lắng, sợ chúng tôi sẽ không thể gánh vác được cuộc sống gia đình. Khi chúng tôi về sống với nhau, nhiều khó khăn đã xuất hiện và khó khăn lớn nhất vẫn là sự eo hẹp về kinh tế đặc biệt khi hai vợ chồng có thêm thành viên mới. 

Do anh Tám bị khuyết tật vận động, sức khỏe yếu nên cuộc sống của hai vợ chồng chỉ trông chờ vào thu nhập của chị Thu nhờ nghề tẩm quất. Để giải quyết bài toán kinh tế gia đình, anh chị quyết định mở dịch vụ tẩm quất ngay tại nhà bởi nếu chị làm việc tại nhà thì anh cũng có thể hỗ trợ chị trông con và đỡ đần chị những việc nhỏ. Cơ sở ở trong ngõ sâu, ban đầu chỉ có khách quen, biết tay nghề của chị mà đến. Chị không ngừng trau dồi kỹ năng, tay nghề, khách hàng đến cơ sở mỗi ngày một tăng, kinh tế gia đình anh chị cũng vì thế dần ổn định. Nhận thấy nghề tẩm quất ngày càng thu hút được khách hàng, trong khi nhiều người khiếm thị cũng đang cần có việc làm, anh chị quyết định vay mượn tiền, xây thêm tầng hai ngôi nhà, vừa mở rộng cơ sở thu hút khách, vừa tạo việc làm cho người cùng cảnh. Từ đó, chị Thu đã nhận nhiều người khiếm thị vào học nghề và làm việc. Đến nay, cơ sở tẩm quất của chị Thu có 4 giường tẩm quất, đón trung bình 6 - 8 khách hàng mỗi ngày. Sau hành trình hơn 10 năm, giờ đây, anh chị đã có một cháu trai kháu khỉnh, ngôi nhà hai tầng khang trang, cơ sở tẩm quất không chỉ cho gia đình chị thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm thường xuyên cho 2 người khiếm thị.

Hàng ngày anh Lẫm vẫn tham gia vào việc cắt may tại cơ sở của gia đình.

Không giống anh Tám, chị Thu, anh Trần Văn Lẫm và chị Phạm Thị Hoàn (xã Tân Hòa, Vũ Thư) đều là người khuyết tật vận động. Những tưởng cuộc sống của đôi vợ chồng khuyết tật sẽ suốt đời nghèo khó nhưng giờ đây, vợ chồng anh Lẫm, chị Hoàn đã có một cơ ngơi mà nhiều người lành lặn, khỏe mạnh cũng phải mơ ước. Kể lại thì đơn giản song hành trình thoát nghèo, làm giàu của anh Lẫm, chị Hoàn cũng vô cùng gian nan. 

Anh chị Lẫm, Hoàn chia sẻ: Khi được 1 tuổi, sau một trận ốm nặng, chân trái của chị bị teo nhỏ, còn anh sau lần sốt cao bị biến chứng dẫn tới cong vẹo cột sống. Cuộc sống với những ốm đau, bệnh tật cùng mặc cảm về hình thể cứ trôi cho đến khi hai anh chị gặp nhau ở câu lạc bộ thanh niên khuyết tật tỉnh. Tình yêu nảy nở, sau hai năm tìm hiểu anh chị đã đến với nhau. Cùng nhau xây dựng cuộc sống với một đôi vợ chồng đều bị khuyết tật là điều không đơn giản song cả hai đều quyết tâm vươn lên thoát nghèo. Vốn có nghề may trong tay, chị đến nhiều nơi tìm việc và nhận hàng về nhà may thuê còn anh làm thuê cho một cửa hàng chế tác vàng bạc. Lăn lộn nhiều mà cuộc sống cũng chỉ đủ ăn, đặc biệt sau thời gian làm việc nhiều nơi, nhận thấy việc tìm việc làm với người khuyết tật luôn là một khó khăn, anh chị quyết tâm mở một xưởng may nhỏ vừa để có thể chủ động hơn trong việc làm và có thể giúp được nhiều người khuyết tật có việc làm. Anh chị quyết định dùng số vốn ít ỏi tích cóp được đồng thời đi vay mượn thêm của họ hàng, bạn bè và mượn đất của bố mẹ xây dựng một xưởng may. Anh chị cũng đi nhiều nơi, nghe bất cứ đâu có thể có đơn hàng nhận may gia công là tìm tới. Nhìn thấy sự tâm huyết, lặn lội của đôi vợ chồng khuyết tật, nhiều người tin tưởng giao hàng. Ban đầu, anh chị đầu tư hơn 10 máy may, chủ yếu nhận may gia công. Người khuyết tật đến cơ sở của anh chị xin làm việc ngày càng tăng, anh chị quyết định mở xưởng rộng hơn để dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Ai tìm đến anh chị cũng tiếp nhận, dạy đến khi thạo việc, có thể tự mở được cửa hàng riêng. 

Chị Hoàn tâm sự: Những năm trước khi mở xưởng, tôi cũng phải đi tìm việc làm, thấy được khó khăn trong quá trình tìm việc đối với người khuyết tật nên tôi rất cảm thông với họ. Vì vậy, những người đến với xưởng may của gia đình tôi tôi sẽ tận tình hướng dẫn để họ làm được việc, từ đó có thu nhập duy trì cuộc sống.

Để duy trì việc làm và thu nhập ổn định từ 1,5 - 2 triệu đồng cho hơn 10 lao động, anh Lẫm, chị Hoàn chủ động tìm kiếm đối tác và làm các sản phẩm phù hợp với khả năng của người khuyết tật như may khẩu trang, cạp bao tay xuất khẩu, đồng phục học sinh... Ngoài ra, để tiết kiệm chi phí và nâng cao thu nhập cho người lao động, anh Lẫm thường tự làm mọi việc, từ bốc xếp hàng hóa đến vận chuyển, kiêm luôn kỹ thuật máy cắt và phụ trách hoạt động giao dịch còn chị Hoàn phụ trách dạy nghề và quản lý cửa hàng. Mỗi người một việc, tấm lưng cong và đôi chân khuyết tật không thể cản trở anh chị tạo dựng tương lai cho bản thân mình và những người cùng cảnh ngộ. “Vợ chồng tôi là người khuyết tật, mở xưởng may để tạo việc làm cho những người cùng cảnh. Chúng tôi nghĩ rằng đây là những người anh em chứ không nghĩ họ là công nhân đến làm nên chúng tôi rất thông cảm và chia sẻ với những khó khăn với mọi người” - anh Lẫm tâm sự.

Không chỉ có vợ chồng anh Tám, chị Thu hay vợ chồng anh Lẫm, chị Hoàn, trên địa bàn tỉnh còn không ít cặp vợ chồng, người khuyết tật đã và đang vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Lại Văn Điệp cũng là cái tên quen thuộc với nhiều người bởi là một thanh niên khuyết tật, không thể đến trường để học hết THPT song Điệp đã vượt khó, lập thân, lập nghiệp xây dựng được một công ty sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ tạo việc làm thường xuyên cho 30 người, trong đó thường xuyên có hơn 10 người khuyết tật. Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở in của người khuyết tật huyện Vũ Thư. Bị tai nạn giao thông năm 15 tuổi đã khiến cô học trò nhỏ Nguyễn Thị Nga trở thành người khuyết tật. Đã từng chán chường, thất vọng, bi quan nhưng những năm tháng bi quan nhanh chóng đi vào quá khứ nhường chỗ cho hành trình mới, hành trình đi tìm tương lai tươi sáng. Chị Nga bắt đầu học nghề, cứ thấy nghề nào phù hợp với điều kiện sức khỏe là chị đăng ký tham gia từ gia công vàng bạc đến may mặc, đan lát, in giấy tờ. Quyết tâm gắn bó với nghề in và được tin tưởng giao quản lý cơ sở in, từ một cơ sở phải đối mặt với những khó khăn, thách thức khi phải cạnh tranh với các cơ sở in trên thị trường nhưng giờ đây sau những năm tháng vượt khó, cơ sở in của chị Nga đã có đủ những trang thiết bị hiện đại phục vụ cho việc in ấn. Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho 10 lao động, trong đó có 6 người khuyết tật với thu nhập trung bình từ 120.000 - 200.000 đồng/người/ngày.

Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 100.000 người khuyết tật, trong đó có hàng nghìn hộ có người khuyết tật hoàn cảnh rất khó khăn, thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Còn theo báo cáo của Hội Người mù tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo trong hội viên hội người mù còn 19,8%, giảm 4% so với năm 2014. Những năm qua, nhiều người khuyết tật, người khiếm thị nói riêng, các đối tượng yếu thế nói chung với nỗ lực của bản thân cùng sự hỗ trợ từ các chính sách của Nhà nước, của các tổ chức, cá nhân đã vươn lên thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh.

(còn nữa)
Nhóm phóng viên