Thứ 4, 27/11/2024, 13:44[GMT+7]

Phòng, tránh bạo lực, xâm hại trẻ em

Thứ 5, 13/09/2018 | 08:17:27
1,507 lượt xem
Tình trạng trẻ em bị bạo lực, xâm hại trên cả nước nói chung và tại Thái Bình nói riêng thời gian qua tuy có giảm nhưng tính chất ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vì vậy, việc chủ động phòng, tránh bạo lực, xâm hại trẻ em cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành và toàn xã hội.

Buổi sinh hoạt ngoại khóa chuyên đề phòng, tránh xâm hại trẻ em tổ chức tại Trường Tiểu học thị trấn Thanh Nê (Kiến Xương).

Theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mỗi năm trung bình tại Việt Nam có khoảng 2.000 trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại được phát hiện và giải quyết, trong đó trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%. 3 năm gần đây, số vụ bạo lực, xâm hại trẻ em được phát hiện và xử lý ở Việt Nam có giảm nhưng tỷ lệ giảm không nhiều (năm 2016 giảm 4,4% so với năm 2015; năm 2017 giảm 3% so với năm 2016). 

Tại Thái Bình, theo thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), trong 3 năm (2015 - 2017), toàn tỉnh có 21 trẻ em bị xâm hại. Số vụ xâm hại có chiều hướng giảm: năm 2015 xảy ra 9 vụ, 2016 xảy ra 7 vụ, năm 2017 xảy ra 5 vụ. 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh không xảy ra vụ xâm hại trẻ em. Số vụ bạo lực, xâm hại giảm, tuy nhiên, tính chất vụ việc ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Nạn nhân bị bạo lực, xâm hại xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt có cả những trẻ em tuổi mầm non. Hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em vi phạm nghiêm trọng chuẩn mực đạo đức. 

Có những vụ việc, người cao tuổi, người thân, thầy cô giáo và người có trách nhiệm chăm sóc trẻ em lại là đối tượng gây ra bạo lực, xâm hại trẻ em. Nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em báo động sự suy đồi đạo đức. 

Điển hình như vụ cháu N., sinh năm 2004, trú tại thôn Phú Lạc, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) bị đối tượng sinh năm 1957 cùng xã giở trò đồi bại vào tháng 4/2017. Ngay sau khi sự việc được tố cáo, đối tượng đã bị tạm giam và vụ việc đã được khởi tố. Điều đáng nói, trường hợp của cháu N. nhiều lần bị đối tượng giở trò đồi bại nhưng gia đình, người thân không biết sự việc. Sự việc chỉ được phát hiện khi cháu N. nói lại với cô giáo, sau đó cô giáo trình báo cơ quan chức năng và đối tượng đã bị đưa ra xử lý theo pháp luật. 

Trên thực tế, nhiều vụ việc trẻ em bị bạo lực, xâm hại nhưng gia đình của nạn nhân không cung cấp thông tin, thông báo, tố giác tới các cơ quan chức năng vì e ngại lộ thông tin, ảnh hưởng đến trẻ em và gia đình; bị thủ phạm đe dọa hoặc dùng tiền để hòa giải nên rất khó khăn cho việc phát hiện và xử lý.

Trước thực trạng trên, để phòng, tránh bạo lực, xâm hại trẻ em, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các phòng chuyên môn và các đơn vị trực thuộc Sở, phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thành phố cùng ngành Giáo dục và Đào tạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về việc phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Từ đầu năm đến nay, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới tổ chức 5 lớp tập huấn cho trên 1.000 cán bộ, cộng tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em và người chăm sóc trẻ; 3 lớp tập huấn cho 600 học sinh THCS tại một số trường trong tỉnh. Nội dung tập trung tuyên truyền về các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em, phát hiện trẻ em bị bạo hành, xâm hại; phòng, chống bạo lực, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. 

Riêng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đã in và cấp phát 30.000 tờ rơi, 450 khẩu hiệu, 30 pa nô tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm, mua bán người và cai nghiện ma túy đến các ban, ngành, đoàn thể và 8 huyện, thành phố và các xã, thị trấn trong tỉnh. Phối hợp với 3 trường THPT tổ chức các buổi tuyên truyền giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức phòng, chống tệ nạn mại dâm, mua bán người cho gần 6.000 giáo viên và học sinh tham gia.

Theo ông Nguyễn Công Bồi, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, việc bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo lực, xâm hại không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình hay một cơ quan, đoàn thể, tổ chức xã hội nào, mà đó là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và của cả xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm. Do đó, gia đình cần phải thường xuyên quan tâm, chăm lo để các em phát triển toàn diện. Bên cạnh đó, cần phải tuyên truyền cho trẻ em biết tội phạm xâm hại trẻ em là như thế nào, để các em biết và tự bảo vệ mình, đồng thời khi phát hiện đối tượng có hành vi biểu hiện xâm hại trẻ em thì phải báo ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Cường