Chủ nhật, 24/11/2024, 20:36[GMT+7]

15 năm đối phó với HIV/AIDS, hướng đến mục tiêu không còn người nhiễm mới

Thứ 6, 18/11/2011 | 16:11:51
1,386 lượt xem
Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thái Bình đã xác định phòng chống HIV/AIDS là một công việc phức tạp, muốn giải quyết tốt cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể cũng như sự vào cuộc của toàn xã hội với quyết tâm sớm đạt mục tiêu “không còn người nhiễm mới HIV” để tiến tới mục tiêu “không còn sự kỳ thị, không còn tử vong do AIDS”.

Năm 1996, Thái Bình phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên. Song công tác phòng chống HIV/AIDS đã được khởi động từ trước đó và được đánh dấu bởi sự thành lập Ban chỉ đạo phòng chống HIV/AIDS tỉnh năm 1995 do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, đồng chí Giám đốc Sở y tế làm Phó ban thường trực và lãnh đạo các ban, ngành làm uỷ viên. Tuy nhiên, giai đoạn đầu, công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh gặp nhiều khó khăn bởi bộ máy làm công tác phòng chống HIV/AIDS chưa được thiết lập đồng bộ, chủ yếu là cán bộ y tế dự phòng kiêm nhiệm trong khi người dân còn hiểu biết rất mơ hồ về HIV/AIDS. Bên cạnh đó, HIV/AIDS xuất hiện đúng thời điểm đất nước đang trong thời kỳ đổi mới, tình trạng di dân tự do diễn ra khá phổ biến, đây chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lây nhiễm HIV/AIDS tăng nhanh trong những năm đầu 2000.

Trước tình hình này, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã xác định phòng chống HIV/AIDS là một công việc phức tạp, muốn giải quyết tốt cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp tích cực của các ban ngành, đoàn thể cũng như sự vào cuộc của toàn xã hội. Sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh được thể hiện qua những dấu mốc quan trọng: Năm 2000, Thành lập Ban Chỉ đạo Phòng chống tệ tạn xã hội, ma tuý, mại dâm và phòng chống HIV/AIDS, Văn phòng Thường trực Phòng chống AIDS đặt tại Sở Y tế. Năm 2004, Tỉnh uỷ ban hành Nghị quyết 10 về phòng chống ma túy, lây nhiễm HIV/AIDS, UBND tỉnh ban hành Quyết định 52 về công tác phòng lây nhiễm HIV/AIDS tỉnh Thái Bình giai đoạn 2004-2010. Cũng trong năm 2004, UBND tỉnh ra Quyết định 65 về việc thành lập Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đã đánh dấu sự phát triển về bộ máy tổ chức làm công tác phòng chống HIV/AIDS, đưa công tác này bước sang giai đoạn mới.

Từ đó đến nay, hệ thống làm công tác phòng chống HIV/AIDS từ tỉnh đến xã không ngừng được kiện toàn và ngày càng đi vào hoạt động có nền nếp. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, các ban, ngành, địa phương trong tỉnh tích cực vào cuộc. Công tác phòng chống HIV/AIDS cũng nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước và sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Trong 15 năm, đã có hơn 10 dự án quốc tế, tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước hỗ trợ cho Thái Bình trong công tác phòng chống HIV/AIDS. Vì vậy, công tác phòng chống HIV/AIDS của Thái Bình đạt được kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Các chương trình mục tiêu như thông tin, giáo dục truyền thông, can thiệp giảm tác hại, chăm sóc hỗ trợ người nhiễm, tiếp cận điều trị, dự phòng lây nhiễm từ mẹ sang con... được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao.

Từ chỗ người dân có hiểu biết rất mơ hồ về HIV/AIDS, đến nay đại bộ phần các tầng lớp nhân dân đã có hiểu biết đúng về lĩnh vực này. Sự kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm giảm. Sự lây nhiễm HIV bước đầu được kiểm soát... Thái Bình được đánh giá là tỉnh có nhiều mô hình hay về công tác phòng chống HIV/AIDS như: mô hình “Câu lạc bộ nghệ thuật của người nhiễm HIV/AIDS”, mô hình “Câu lạc bộ tự giúp của người nhiễm”, mô hình “Chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS”... Thái Bình cũng là tỉnh đầu tiên thành lập website chuyên đề phòng chống HIV/AIDS, có hệ thống máy móc, trang thiết bị đủ để xét nghiệm khẳng định HIV, có máy đếm tế bào CD4 phục vụ công tác chẩn đoán và điều trị.

Năm 2003, toàn tỉnh chỉ có 1 cơ sở khám và chữa bệnh cho người nhiễm tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh; đến nay, đã mở 9 điểm điều trị miễn phí cho bệnh nhân HIV/AIDS, nâng số người được điều trị ARV từ 30 người năm 2005 lên 996 người năm 2011, làm giảm số người tử vong do AIDS. Mỗi năm có trên 3000 nghìn lượt trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS trong tỉnh được thăm hỏi tặng quà, đang có hơn 400 trẻ em bị ảnh hưởng được hỗ trợ các nhu cầu về ăn, ở, học tập, y tế...

Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS ở Thái Bình cũng đang đứng trước những khó khăn, thách thức: Tình hình dịch còn tiềm ẩn nhiều yếu tố nguy cơ, dịch đã không chỉ còn tập trung trong những nhóm đối tượng nguy cơ cao mà đang có xu hướng lây nhanh trong cộng đồng dân cư. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại, chăm sóc, điều trị, dự phòng lây nhiễm HIV độ bao phủ chưa rộng, kinh phí cho các hoạt động can thiệp chủ yếu từ các dự án Quốc tế tài trợ. Đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS còn thiếu trong khi số bệnh nhân HIV/AIDS tăng làm cho hoạt động giám sát, hỗ trợ điều trị HIV/AIDS tại cộng đồng gặp nhiều khó khăn. Sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn xảy ra tại cộng đồng, công tác truyền thông thay đổi hành vi chưa thực sự đạt hiệu quả...

Những khó khăn và thách thức trong công tác phòng chống HIV/AIDS ở Thái Bình cũng là những khó khăn và thách thức của công tác phòng chống HIV/AIDS ở Việt Nam. Tháng 6 năm 2011, Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS đã chính thức chọn chủ đề cho các chiến dịch phòng chống HIV/AIDS giai đoạn 2011-2015 là “Hướng đến mục tiêu ba không: không còn người nhiễm mới HIV, không có tử vong do AIDS, không còn kỳ thị phân biệt, đối xử liên quan đến HIV/AIDS”. Việt Nam chọn chủ đề cho tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS năm 2011 là: “Hướng tới không còn người nhiễm mới HIV”. Đây là chủ đề quan trọng và sát với tình hình thực tế công tác phòng chống HIV/AIDS hiện nay. Dựa trên những kết quả, kinh nghiệm đạt được sau hơn 15 năm đối phó với đại dịch, để thực hiện mục tiêu trên, công tác phòng chống HIV/AIDS trong tỉnh thời gian tới cần tập trung vào các nhiệm vụ:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác phòng chống HIV/AIDS, làm sâu sắc hơn nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền, ban, ngành trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

2. Đẩy mạnh công tác truyền thông nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về công tác phòng chống HIV/AIDS nhằm giảm sự phân biệt, kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS. Huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng vào hoạt động chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, can thiệp giảm tác hại nhằm xóa bỏ sự kỳ thị và rào cản với người nhiễm HIV/AIDS.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các hoạt động phòng chống HIV/AIDS tại các tuyến, trong đó chú trọng đến sự phối hợp giữa các ban, ngành là thành viên Ban chỉ đạo trong việc chỉ đạo, giám sát hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh. Từng bước củng cố, hoàn thiện và nâng chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống HIV/AIDS từ cấp tỉnh đến xã, phường, thị trấn đáp ứng cơ bản công tác phòng chống HIV/AIDS trong tình hình mới.

4. Nâng cao chất lượng các hoạt động chuyên môn trong chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, an toàn trong phòng lây nhiễm HIV/AIDS trong các dịch vụ y tế. Tăng cường các hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS, lây nhiễm từ mẹ sang con...

5. Tăng cường các nguồn lực, triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước trong phòng chống HIV/AIDS.

Với sự chỉ đạo, vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tầng lớp nhân dân, công tác phòng chống HIV/AIDS chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái những thành công, Thái Bình sẽ sớm đạt mục tiêu “không còn người nhiễm mới HIV” để tiến tới mục tiêu “không còn sự kỳ thị, không còn tử vong do AIDS”.

Cao Thị Hải

(Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình)

 

  • Từ khóa