Chủ nhật, 24/11/2024, 21:02[GMT+7]

Phát triển công đoàn ngoài quốc doanh: Cần có cái nhìn đúng hơn từ các doanh nghiệp

Thứ 6, 25/11/2011 | 09:14:31
1,002 lượt xem
Tổ chức công đoàn tỉnh Thái Bình đang hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, chăm lo bảo vệ quyền lợi trực tiếp cho người lao động. Đã đến lúc cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò của tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh kiểm tra hoạt động công đoàn của Xí nghiệp may Hoàng Anh (Quỳnh Phụ)

Tính đến tháng 8/2011, toàn tỉnh có gần 2.230 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, thu hút trên 90 ngàn lao động thuộc các địa phương trong tỉnh và một số tỉnh lân cận; trong đó gần 1.000 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập tổ chức công đoàn. Tuy nhiên, đến nay mới có trên 340 doanh nghiệp ngoài quốc doanh thành lập được tổ chức công đoàn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc phát triển công đoàn ngoài quốc doanh gặp khó khăn; trong đó, nguyên nhân chính vẫn là các chủ doanh nghiệp né tránh việc thành lập. Thiếu tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp, thường dẫn đến những thiệt thòi cho người lao động như: không được ký hợp đồng lao động, đóng BHYT, BHXH, không được nâng bậc, thi tay nghề, không được chăm lo bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp lao động…

Ông Phạm Văn Trịnh, Phó Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Nhiều doanh nghiệp đóng tại khu công nghiệp không muốn thành lập tổ chức công đoàn, bởi theo họ vừa “khỏi phải lo” ký hợp đồng và thực hiện các chế độ cho người lao động, vừa “đỡ bị làm phiền” khi công đoàn cấp trên đến “thăm hỏi”. Đồng thời, muốn "né tránh" các khoản nộp chế độ cho người lao động, trích kinh phí công đoàn trên tổng quỹ lương...vì cho rằng ít nhiều làm tăng chi phí doanh nghiệp. Điều đó đồng nghĩa với việc một số lượng rất lớn người lao động trong các doanh nghiệp đang chịu nhiều thiệt thòi về quyền lợi, chế độ, điều kiện lao động, môi trường làm việc.  Đặc biệt, các doanh nghiệp nước ngoài có nhận thức chưa đúng về tổ chức công đoàn. Với họ, công đoàn thành lập ra sẽ đối lập với doanh nghiệp, chỉ đỏi hỏi quyền lợi cho người lao động.

Hơn nữa, muốn thành lập tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp thì người lao động phải tình nguyện viết đơn gia nhập nhưng đa số công nhân lao động còn trẻ, xuất thân từ vùng nông thôn, chưa qua đào tạo cơ bản, chưa quen tác phong làm việc công nghiệp và cũng chưa hiểu hết được vai trò, chức năng của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho họ. Một số công nhân lao động chưa yên tâm và xác định làm việc lâu dài trong doanh nghiệp, có tư tưởng chuyển nghề hoặc chuyển chỗ làm việc mới nên không thiết tha với việc đóng BHXH, BHYT và cũng chưa “mặn mà” với tổ chức công đoàn.

Hiện nay, tại các khu công nghiệp tỉnh đã có 32 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn, vẫn còn 16 doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập nhưng vẫn chưa có tổ chức công đoàn. Theo Chủ tịch LĐLĐ huyện Tiền Hải – Trương Đại Nghĩa thì việc thành lập công đoàn ngoài quốc doanh đã khó nhưng việc duy trì hoạt động của những doanh nghiệp đã thành lập tổ chức công đoàn cũng đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Cái khó lớn nhất đó là cán bộ công đoàn không phải là chuyên trách; kỹ năng, nghiệp vụ hoạt động còn thiếu, yếu. Hơn nữa, lại ăn lương của chủ doanh nghiệp nên việc phát huy khả năng, vai trò của mình trong việc đòi quyền lợi cho người lao động là rất khó.

Mặt khác, nhiều công ty trên địa bàn Tiền Hải sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, chủ yếu là người thân trong gia đình nắm những vị trí chủ chốt của doanh nghiệp nên hoạt động công đoàn chưa phát huy đúng vai trò là người đại diện bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Hiện nay, Tiền Hải vẫn còn 13 doanh nghiệp đủ điều kiện nhưng chưa thành lập tổ chức công đoàn.

10 tháng qua, toàn tỉnh đã diễn ra 6 cuộc đình công. Tất cả các cuộc đình công đều tự phát, sai luật, không có sự tổ chức của công đoàn. Nguyên nhân chủ yếu là đòi tăng lương vì mức lương hiện tại không đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người lao động, điều kiện làm việc khắc nghiệt (môi trường ô nhiễm, làm thêm giờ, tăng ca quá mức cho phép, áp lực tai nạn lao động luôn rình rập...).

Sau khi có sự vào cuộc của các ngành liên quan, trong đó có tổ chức công đoàn, một số quyền lợi của người lao động đã được chủ sử dụng lao động chấp nhận. Cũng từ đó, nhiều doanh nghiệp đã nhận thức rõ tầm quan trọng của tổ chức công đoàn, với họ công đoàn chính là cầu nối cải thiện quan hệ lao động, giúp chủ doanh nghiệp với người lao động thực hiện đúng chính sách pháp luật. Không những thế, công đoàn còn giúp doanh nghiệp chăm lo tốt hơn đời sống cho người lao động như: tổ chức phát động các phong trào thi đua phục vụ sản xuất kinh doanh; thăm hỏi, tặng quà công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển của doanh nghiệp.

Tổ chức công đoàn đang hướng mạnh các hoạt động về cơ sở, chăm lo bảo vệ quyền lợi trực tiếp cho người lao động. Đã đến lúc cần phải có cái nhìn đúng đắn hơn về vai trò của tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh. Vì vậy, rất cần có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền, sự đồng tình ủng hộ của chủ doanh nghiệp và người lao động, góp phần giúp CĐCS ngoài quốc doanh tham gia tích cực vào việc giải quyết các vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống công nhân, thực hiện tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội. 

      Minh Nguyệt


 

  • Từ khóa