Chủ nhật, 24/11/2024, 20:31[GMT+7]

Chiến dịch "Tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng khó khăn" tạo đà cho công tác dân số

Thứ 2, 28/11/2011 | 15:43:12
1,140 lượt xem
Đã thành hoạt động thường xuyên, từ năm 2001 đến nay, mỗi năm hai đợt (đợt 1 từ đầu tháng 3 đến hết tháng 5, đợt hai từ tháng 5 đến hết tháng 10), chiến dịch "Tuyên truyền vận động lồng ghép dịch vụ SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân, có mức sinh cao và khó khăn" lại được ngành y tế triển khai thực hiện.

Phát tờ rơi tuyên truyền về sức khỏe sinh sản cho chị em phụ nữ.

Tập trung chủ yếu vào các hoạt động tuyên truyền và cung cấp dịch vụ lưu động đến tận cơ sở, chiến dịch như luồng gió mạnh thổi bùng công tác dân số tại các xã khó khăn, từ đó tạo đà đi lên cho công tác dân số toàn tỉnh.

Nếu so với các năm trước, chiến dịch năm 2011, kinh phí hỗ trợ cho các xã thu hẹp hơn chỉ thực hiện ở 30 xã ở 5 huyện (các năm trước trung bình hỗ trợ thực hiện hơn 100 xã ở 8/8 huyện, thành phố). Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh, đợt hoạt động mạnh vẫn duy trì thực hiện ở 100% xã, phường trong tỉnh trong đó ưu tiên 30 xã khó khăn. Với chỉ đạo này, 8/8 huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị ra quân đợt hoạt động mạnh tới 100% xã, phường, thị trấn.

Riêng các xã khó khăn có tổ chức ra quân triển khai chiến dịch. Nhận được sự quan tâm, đầu tư hỗ trợ kinh phí, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể, sự chỉ đạo, giám sát chặt chẽ trong quá trình triển khai chiến dịch, chiến dịch năm nay tiếp tục tạo ra những đợt tuyên truyền rầm rộ, thu hút sự tham gia hưởng ứng của nhân dân đặc biệt là chị em phụ nữ, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ tại các địa phương.

Theo báo cáo của Chi cục Dân số, KHHGĐ tỉnh, cả hai gói dịch vụ KHHGĐ, phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản đều đạt và đạt vượt mức cao so với kế hoạch đề ra. Đình sản là một trong những biện pháp KHHGĐ khó thực hiện, thường ít hoàn thành kế hoạch, song năm nay, tại ba xã thực hiện chiến dịch đã tư vấn đình sản được 60 ca (đạt 100% kế hoạch). Một số biện pháp KHHGĐ đạt cao như thực hiện đặt dụng cụ tử cung 4420 ca (đạt 113,9% kế hoạch), thuốc tránh thai uống thực hiện hơn 4000 ca (đạt 127,1% kế hoạch). Vì vậy đã đưa tổng các biện pháp tránh thai thực hiện tại 30 xã là hơn 12554 ca (đạt 120,7% kế hoạch). Các huyện đạt cao như Kiến Xương 123,7%; Đông Hưng 120,4%...

Gói phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản nhiều năm nay thực sự là gói dịch vụ được chị em phụ nữ mong chờ. Từ các đợt khám tại cơ sở, nhiều chị em phụ nữ đã được khám, phát hiện bệnh, chuyển tuyến kịp thời. Chiến dịch năm nay đã thực hiện khám cho hơn 30 nghìn lượt chị em (đạt 167% kế hoạch) trong đó có gần 8000 ca được điều trị, 160 mắc các bệnh đường sinh sản nặng được giới thiệu lên tuyến trên tiếp tục điều trị đặc biệt chiến dịch đã phát hiện và tư vấn nạo hút thai con thứ 3 157 ca.

Không chỉ có đội ngũ cán bộ dân số, các cấp uỷ, chính quyền cơ sở mà người dân tại cộng đồng cũng đánh giá cao việc thực hiện chiến dịch CSSKSS, KHHGĐ hằng năm. Chị L.T.H (huyện Đông Hưng) là một trong những phụ nữ khi khám chiến dịch đã được phát hiện bệnh và được giới thiệu chuyển tuyến điều trị. Chị cho biết mình là người rất may mắn vì nếu không có đợt khám chiến dịch, không được phát hiện để điều trị sớm, bệnh rất có thể đã chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Chị Nguyễn Thị Lệ, cán bộ chuyên trách dân số xã An Khê (Quỳnh Phụ) cho biết cả hai ngày khám của đội dịch vụ từ huyện về xã đều thu hút rất đông chị em phụ nữ. Đội lưu động đã phải làm việc tăng tốc đến tận tối mịt mới đáp ứng hết nhu cầu khách hàng.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm thực hiện, một trong những khó khăn đã trở thành "chuyện bình thường của chiến dịch" đó là kinh phí ít và chậm. Chuyện cán bộ chuyên trách thường phải ứng kinh phí gia đình để thực hiện chiến dịch đã không còn là chuyện lạ. Bên cạnh đó là tình trạng thiếu cán bộ, dụng cụ kỹ thuật khi thực hiện dịch vụ lưu động tại cơ sở dẫn đến tình trạng ùn tắc, chờ đợi của khách hàng làm giảm sự thu hút của dịch vụ. Vấn đề thiếu, chậm thuốc điều trị, phương tiện tránh thai (bao cao su, thuốc tránh thai) cũng là một trong những khó khăn nhiều năm nay chưa được khắc phục. Tăng thêm kinh phí đầu tư cho chiến dịch, tăng cường dự án tiếp thị các phương tiện tránh thai, trang bị đủ dụng cụ y tế phục vụ cho hai gói dịch vụ tại trạm y tế xã, triển khai sớm kinh phí để thực hiện chiến dịch đó là những đề nghị chung từ cơ sở đối với chiến dịch các năm tới.

      Trần Thu Hương

  • Từ khóa