Thứ 4, 27/11/2024, 17:32[GMT+7]

Chủ động phòng chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em

Thứ 4, 28/11/2018 | 08:20:26
597 lượt xem
Việc lựa chọn chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” nhằm huy động sự tham gia đồng bộ, vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và nam giới trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, hướng tới xã hội an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Giờ học ngoại khóa về phòng, tránh xâm hại trẻ em tổ chức tại Trường THCS Bình Định (Kiến Xương).

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, từ năm 2015 đến năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 625 vụ bạo lực gia đình (BLGĐ), riêng năm 2016 xảy ra 266 vụ, năm 2015 xảy ra 213 vụ và năm 2017 xảy ra 146 vụ; trong đó, số vụ bạo lực thân thể là 243 vụ, bạo lực tinh thần 309 vụ, bạo lực tình dục 7 vụ. Đối với nạn bạo lực, xâm hại trẻ em, theo thống kê của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), toàn tỉnh có 21 trường hợp trẻ em bị xâm hại (năm 2015 xảy ra 9 vụ, năm 2016 xảy ra 7 vụ, năm 2017 xảy ra 5 vụ).

Từ thực trạng trên, yêu cầu đặt ra cho những người làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới là cần phải có những giải pháp kịp thời, hiệu quả để công tác phòng, chống BLGĐ, xâm hại trẻ em được thực hiện một cách tốt nhất. Một trong những giải pháp hàng đầu là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống BLGĐ, xâm hại trẻ em. 

Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới các địa phương. Từ đầu năm đến nay, Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới đã tổ chức gần 10 lớp tập huấn cho trên 1.000 cán bộ, công tác viên bảo vệ, chăm sóc trẻ em và người chăm sóc trẻ, học sinh THCS tại một số trường trong tỉnh, trong đó tập trung hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ trẻ em, khi phát hiện trẻ em bị bạo hành, xâm hại; tổ chức in và cấp phát tờ rơi, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống tệ nạn mại dâm, mua bán người đến các ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố, các xã, thị trấn trong tỉnh. 

Trong lĩnh vực phòng, chống BLGĐ, triển khai kế hoạch của UBND tỉnh về phòng, chống BLGĐ giai đoạn 2012 - 2016, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo các địa phương thành lập các mô hình phòng, chống BLGĐ. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 700 mô hình phòng, chống BLGĐ được thành lập ở các xã, phường, thị trấn do hội liên hiệp phụ nữ, đoàn thanh niên, hội cựu chiến binh đảm nhiệm. 

Ngoài ra, toàn tỉnh còn có gần 3.000 câu lạc bộ gia đình làm kinh tế giỏi, câu lạc bộ gia đình văn hóa, câu lạc bộ gia đình không sinh con thứ ba... cùng với 449 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Từ các hoạt động tuyên truyền cũng như việc triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình phòng, chống BLGĐ, số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh có chiều hướng giảm (năm 2012 xảy ra 364 vụ, năm 2017 xảy ra 146 vụ).

Năm 2018, hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới (từ ngày 15/11 đến ngày 15/12/2018) với chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em”, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương trong tỉnh triển khai tháng hành động, trong đó tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới; huy động nguồn lực triển khai tháng hành động, hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, mua bán; phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức các diễn đàn đối thoại, tọa đàm, hội thảo, tập huấn các nội dung liên quan. 

Việc lựa chọn chủ đề “Chủ động phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em” nhằm huy động sự tham gia đồng bộ, vào cuộc một cách chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái và nam giới trong việc thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới, hướng tới xã hội an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em.

Nguyễn Cường