Thứ 4, 27/11/2024, 21:37[GMT+7]

Dân vận khéo để khơi sức dân

Thứ 6, 28/12/2018 | 20:37:32
1,369 lượt xem
“Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, thời gian qua, toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” trên các lĩnh vực. Thông qua phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã khơi được sức dân chung tay góp sức cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Với các đoạn đường có dân cư sinh sống hai bên việc huy động nhân dân đóng góp kinh phí để bê tông hóa theo tiêu chí nông thôn mới (NTM) còn khó. Vậy mà con đường chạy qua cánh đồng nối hai thôn Lệ Bảo và An Vị (Đông Hải, Quỳnh Phụ) với thôn Đại Phú (Đông Phương, Đông Hưng) dài 400m không có dân cư sinh sống nhỏ hẹp, đi lại rất khó khăn song nhờ chị Hoàng Thị Liễu, thôn Lệ Bảo, xã Đông Hải dân vận khéo đã huy động được hàng chục triệu đồng trải nhựa trên 1/3 chiều dài với bề rộng mặt đường 5m. 

Chị Liễu cho biết: Tôi là người dân xã Đông Phương sang làm dâu ở Đông Hải, cũng như tôi còn có 15 chị em nữa nên tôi đã đứng ra vận động chị em ủng hộ mỗi người từ 700.000 đồng đến 1 triệu đồng góp phần cùng thôn làm đoạn đường to đẹp cho mọi người cùng đi. 

Ngoài đóng góp theo quy định của thôn, chị Liễu còn ủng hộ 10 triệu đồng và hàng chục ngày công lao động để làm đường. Việc làm của chị đã khơi dậy, lan tỏa phong trào hiến của, góp công xây dựng NTM ở xã Đông Hải. Cùng với chủ trương đúng, cơ chế hỗ trợ tích cực, kịp thời của tỉnh, của huyện, các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM thời gian qua đã đem lại hiệu quả thiết thực, kịp thời động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân phát huy tiềm năng, lợi thế, huy động mọi nguồn lực để hoàn thành, nâng cao chất lượng các tiêu chí. 

Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Đến nay, toàn tỉnh đã huy động nhân dân, con em xa quê đóng góp được hàng nghìn tỷ đồng cùng cấp ủy, chính quyền các địa phương thực hiện cứng hóa giao thông, thủy lợi nội đồng, giao thông nông thôn, xây dựng các công trình công cộng như nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, chợ, sân thể thao, sửa chữa, nâng cấp, xây mới nhà ở cho người có công, hộ nghèo… Thái Bình trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về xây dựng NTM với 200 xã và 1 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.

Đường hoa phụ nữ ở xã Đông Xá (Đông Hưng).

Thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều kinh phí hỗ trợ các địa phương xây dựng lò đốt rác, thu gom, xử lý rác thải… song ô nhiễm môi trường vẫn là vấn đề bức xúc, không chỉ ở thành thị mà còn ở cả nông thôn. Để bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, giải pháp được các địa phương lựa chọn là làm tốt công tác dân vận để huy động sự vào cuộc của các đoàn thể, các tầng lớp nhân dân thông qua các mô hình: xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, đường hoa phụ nữ, phân loại rác thải tại nguồn, hạn chế sử dụng túi nilon, thu gom bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng… Hiệu quả của các mô hình đã góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM tại các xã và xây dựng đô thị văn minh ở các phường, thị trấn. 

Chị Nguyễn Thị Xoa, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình) cho biết: Hưởng ứng cuộc vận động xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, Hội LHPN phường đã huy động cán bộ, hội viên đồng loạt xuống đường làm vệ sinh vào sáng ngày 23 hàng tháng; phát động chị em tích cực trồng hoa, cây cảnh tại gia đình; phát trên 2.500 làn nhựa miễn phí cho hội viên. Vận động hội viên hạn chế sử dụng túi nilon, phát 15 thùng đựng rác 2 ngăn cho 15 hội viên Chi hội tổ 47 để làm điểm phân loại rác thải tại nguồn. Những việc làm của phụ nữ phường Bồ Xuyên thời gian qua góp phần không nhỏ đưa thành phố Thái Bình sớm đạt chuẩn đô thị loại I.

Dấu ấn nổi bật trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn thể hiện ở việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tích tụ ruộng đất, sản xuất nông nghiệp sạch cho thu nhập cao. Điển hình là mô hình vận động nhân dân tham gia sản xuất các giống lúa BC15, TBR225 trên diện tích 200ha để cung ứng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Giống cây trồng Thái Bình và 15ha lúa giống DT37 của Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc của xã Bình Định (Kiến Xương). 

Ông Bùi Ngọc Trìu, Chủ tịch UBND xã Bình Định cho biết: Việc thực hiện ban đầu gặp khó khăn do nhân dân chưa đồng thuận và băn khoăn bởi yêu cầu về kỹ thuật cũng như tuân thủ chặt chẽ quy trình sản xuất. Xã đã giao cho Hội LHPN xã đến từng nhà tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con tham gia mô hình. Vụ đầu, năng suất đạt trên 70 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, được các công ty thu mua toàn bộ nên vụ sau hàng trăm hộ nông dân trong xã tiếp tục thực hiện liên kết sản xuất lúa cho các công ty.

Hay như mô hình “Hũ gạo tình thương” của Hội LHPN xã Đông Phương (Đông Hưng) vận động hội viên đóng góp, tặng 12 hũ gạo cho 12 hộ hội viên có hoàn cảnh khó khăn, mỗi hộ 10kg gạo/tháng. Chi hội Phụ nữ thôn 5, xã Vũ Hòa (Kiến Xương) xây dựng mô hình “Tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ”. Mô hình “Cặp lá yêu thương” hướng tới học sinh nghèo của cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh vận động cán bộ, chiến sĩ tự nguyện tiết kiệm hàng tháng từ 10.000 - 50.000 đồng đóng góp vào quỹ hỗ trợ học sinh; nhận đỡ đầu 34 cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mỗi tháng 300.000 đồng/cháu… Đây là những mô hình dân vận khéo mang ý nghĩa nhân văn cao cả, đã khơi được nguồn lực trong cán bộ, chiến sĩ, nhân dân, góp phần cùng các cấp, các ngành, các địa phương không để bất cứ người nghèo nào bị bỏ lại phía sau.

Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được hàng nghìn mô hình dân vận khéo, trong đó có gần 150 mô hình mới. Các mô hình ngày càng có sức lan tỏa, đạt hiệu quả thiết thực, khơi dậy được nguồn lực lớn trong dân.

Thu Hiền