Chủ nhật, 24/11/2024, 18:38[GMT+7]

Tuổi trẻ và khát vọng mùa xuân

Thứ 4, 18/01/2012 | 10:00:59
2,399 lượt xem
Người ta nói, tuổi trẻ có nhiều khát vọng. Nhưng khát vọng vươn lên để được cống hiến nhiều hơn cho xã hội, cho con người là những giá trị cần được trân trọng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, cũng xuất hiện ngày càng nhiều bạn trẻ đang nỗ lực phấn đấu hết mình để cống hiến tài năng, trí tuệ cho đất nước.

Đoàn viên thanh niên Phạm Hữu Khương đang hướng dẫn công nhân may

 Họ là những học sinh, sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, tấm gương vượt khó, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên đạt thành tích cao. Họ còn là những thanh niên nông thôn cần cù, chịu khó, không cam chịu đói nghèo, nhiều khát vọng vươn lên làm giàu và đi đầu trong các hoạt động tình nguyện, nhân đạo, từ thiện…

“Dịu dàng nhưng không kém phần sôi nổi và đầy “máu phong trào” là những cảm nhận đầu tiên khi lần đầu tôi gặp Điều dưỡng trưởng Khoa Nội, Bí thư Chi đoàn, Chủ nhiệm câu lạc bộ Thầy thuốc trẻ Bệnh viện Đa khoa huyện Đông Hưng- Phí Thị Ngọc Anh. Không những làm tốt công tác chuyên môn, nữ điều dưỡng tuổi 34 này còn rất xông xáo, sáng tạo trong công tác Đoàn ở bệnh viện. Những ngày tham gia chiến dịch “Mùa hè xanh tình nguyện” của thời sinh viên đã lưu lại trong chị biết bao kỷ niệm khó quên. Đó là những hành trang giúp chị càng gắn bó với công tác Đoàn.

Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Y năm 1999, nữ điều dưỡng Phí Thị Ngọc Anh về Bệnh viên Đa khoa huyện Đông Hưng làm việc. Sau 2 năm, được bầu làm Phó Bí thư Chi đoàn và năm 2005 là Bí thư Chi đoàn. Tuy đã từng có kinh nghiệm trong các hoạt động Đoàn thời sinh viên nhưng khi nhận nhiệm vụ mới, chị không khỏi băn khoăn và đôi chút lo lắng. Là đơn vị hoạt động có đặc thù riêng, thời gian sinh hoạt không thống nhất, phải tùy thuộc vào các ca trực nên việc tổ chức sinh hoạt Đoàn trong bệnh viện như thế nào cho hợp lý, hiệu quả là trăn trở của chị. Được cấp uỷ chi bộ động viên và đồng nghiệp khuyến khích, người thủ lĩnh thanh niên này đã có thêm bản lĩnh trong hoạt động đoàn. Đó là những chuyến đi khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho gia đình chính sách, người dân có hoàn cảnh khó khăn được Chi đoàn tích cực triển khai. Với chị, niềm vui lớn nhất sau mỗi chuyến đi tình nguyện là bà con luôn thể hiện niềm yêu mến và trân trọng với những đóng góp của các thầy thuốc.

Trong năm 2011, Chi đoàn đã tổ chức 2 đợt khám bệnh, phát thuốc miễn phí và tặng quà cho gần 500 đối tượng chính sách, hộ nghèo, cựu thanh niên xung phong cô đơn tại 2 xã Đông Động và Hồng Giang. Ngoài các chuyến đi tình nguyện, Chi đoàn bệnh viện còn tham gia các hoạt động hiến máu tình nguyện do Huyện đoàn tổ chức... Nhưng có lẽ vui nhất, gần gũi nhất là những ngày hội mà anh em cán bộ Đoàn tổ chức tại cơ sở. Tết thiếu nhi, Trung thu, do điều kiện phải ở lại bệnh viện nên rất nhiều em nhỏ không thể có ngày hội trọn vẹn. Vì thế, đoàn viên đã cùng nhau tổ chức đêm hội nhỏ để tặng quà cho con em cán bộ công chức bệnh viện và các bệnh nhi, nhằm động viên, khích lệ tinh thần cho các em. Chị còn kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp có tấm lòng hảo tâm cùng ủng hộ. Tham gia, tổ chức nhiều hoạt động Đoàn, nhưng Ngọc Anh vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ tại cơ sở. Chị tâm sự: Người thầy thuốc phải rèn đức, hướng tâm, hướng thiện, hết lòng tận tuỵ với người bệnh để hiểu được nỗi đau của họ. Với những thành tích đó, năm 2011 chị được Trung ương Đoàn tặng bằng khen, Huyện đoàn Đông Hưng tuyên dương gương thanh niên tiên tiến tiêu biểu làm theo lời Bác nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đoàn.  

Trên lĩnh vực lập thân lập nghiệp, phải kể đến thanh niên Phạm Hữu Khương (30 tuổi), Phó Bí thư Chi đoàn thôn Nam, xã Đông Phương (Đông Hưng). Sinh ra trong một gia đình nghèo, bố là người khuyết tật, từ nhỏ Khương đã thấu hiểu những khó khăn, vất vả và sự thiệt thòi của người khuyết tật rất cần có một nghề để kiếm sống, Khương đã quyết định thành lập cơ sở may của riêng mình sau khi đã tích lũy được 4 năm kinh nghiệm tại công ty may Đại Đồng, để dạy nghề cho thanh niên địa phương, đặc biệt là người khuyết tật. Buổi đầu dựng nghiệp vừa thiếu kinh nghiệm, vừa thiếu vốn, lại chưa có nhiều khách hàng, chủ yếu may gia công cho một cơ sở may ở Thái Thụy nên không chủ động được nguồn hàng.

Năm 2004, nhận thấy hầu hết thanh niên địa phương có nhu cầu tìm việc làm tại các công ty may trong tỉnh nhưng chưa được đào tạo nghề, anh đã mở các lớp dạy nghề may cho người lành lặn và dạy miễn phí cho những người khuyết tật, trẻ mồ côi. Qua nghiên cứu thị trường thấy: Nhu cầu may đồng phục học sinh của các trường phổ thông ngày một lớn, anh lại lặn lội đi chào hàng và tìm kiếm thị trường trong và ngoài tỉnh. Do giữ chữ tín với khách hàng mà cơ sở dạy nghề và may đồng phục học sinh của Khương được nhiều người tìm đến, kể cả các tỉnh Sơn La, Lai Châu, thành phố Hải Phòng... Với hơn 300 m2 nhà xưởng và trên 30 đầu máy khâu công nghiệp, máy chuyên dụng, đến nay anh Phạm Hữu Khương đã có trên 8 năm thâm niên dạy nghề và tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn, người khuyết tật, trẻ em nghèo. Trong tổng số 30 công nhân đang làm việc tại doanh nghiệp thì có tới 16 người khuyết tật. Thu nhập ổn định từ 2- 2,5 triệu đồng/người/tháng. Những lao động có nguyện vọng làm việc lâu dài tại doanh nghiệp đều được tham gia đóng BHXH, BHYT. Doanh thu năm 2011 đạt trên 5 tỷ đồng, lợi nhuận gần 600 triệu đồng. Không những tạo việc làm ổn định, anh còn nuôi ăn, nuôi ở miễn phí hoàn toàn cho những lao động là người khuyết tật ở xa.

Tuy là chủ, nhưng Khương luôn gần gũi, đồng cảm và sinh hoạt chan hoà với công nhân lao động. Những người thợ mới luôn được anh ân cần hướng dẫn từng động tác nhỏ. Chính vì vậy, có những công nhân đã làm việc gắn bó với doanh nghiệp của anh suốt từ khi thành lập đến nay. Sự cố gắng, nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của Khương không những đưa gia đình thoát nghèo, mà còn góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho nhiều lao động tại địa phương. Với thành tích đó, Khương xứng đáng là Người tình nguyện viên tiêu biểu mà Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh tuyên dương nhân kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Hội LHTN Việt Nam.

Mỗi điển hình làm theo lời Bác đều có những việc làm thiết thực gắn với từng nhiệm vụ của mình. Điều quan trọng hơn cả chính là sau mỗi ngày làm theo lời Bác, mỗi người đều thấy cuộc sống thật sự ý nghĩa và luôn cố gắng học tập, làm theo lời Bác dạy để hoàn thiện nhân cách, lối sống của mình.

Đức Dũng

 

  • Từ khóa