Thứ 5, 28/11/2024, 04:37[GMT+7]

Nữ phóng viên Báo Thái Bình vượt khó đạt nhiều giải thưởng báo chí

Thứ 6, 08/03/2019 | 09:09:09
2,965 lượt xem
Nhắc đến “phái yếu” làm nghề báo, không ít ý kiến đều nhất trí rằng, phụ nữ chọn nghề báo đã là sự đánh đổi phi thường bởi họ gánh lên vai những nặng nhọc gấp đôi, gấp ba nam giới.

Phóng viên Báo Thái Bình thực hiện phỏng vấn. Ảnh: Thanh Thưởng

Trong thời đại bùng nổ thông tin, báo chí đóng vai trò quan trọng, yêu cầu của xã hội ngày càng cao và những sức ép cho người làm báo, nhất là nữ phóng viên cũng ngày càng lớn. Người phụ nữ bước vào nghề báo đòi hỏi phải có niềm đam mê. Khác với nam giới, khi làm báo, người phụ nữ phải vượt qua nhiều khó khăn mới hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Nhắc đến “phái yếu” làm nghề báo, không ít ý kiến đều nhất trí rằng, phụ nữ chọn nghề báo đã là sự đánh đổi phi thường bởi họ gánh lên vai những nặng nhọc gấp đôi, gấp ba nam giới.

Trải qua hơn 10 năm trong nghề, tôi hiểu rằng, người làm báo, nhất là phụ nữ, đều biết được thuận lợi vất vả, khó khăn và nguy hiểm của nghề, như trong những chuyến đi thâm nhập thực tế viết tin bài phản ánh mặt trái của xã hội, phản ánh bão lũ, dịch bệnh, tai nạn, cháy nổ; hoặc theo sát những chuyến thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; những sự kiện quan trọng của tỉnh như Đại hội Đảng, bầu cử, kỳ họp HĐND tỉnh…phải nắm bắt, phản ánh thông tin nhanh, kịp thời, chính xác. Với nhiệm vụ thường xuyên trên cả 2 loại hình: báo in, báo điện tử, lượng công việc mà mỗi phóng viên phải đảm nhiệm ngày càng nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao. Bình quân 1 tháng mỗi phóng viên phải viết 6-8 bài, 9 tin và 01 video, clip trở lên đăng trên báo in và báo điện tử; bên cạnh đó còn phải xây dựng kịch bản, tổ chức thực hiện các buổi tọa đàm, giao lưu trên báo điện tử; viết phóng sự, làm các chuyên trang, chuyên mục theo dòng sự kiện của tỉnh, của các ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp…. 

Nhiều năm nay, tôi cũng như một số phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên nữ của Báo Thái Bình không được đón giao thừa cùng gia đình vì phải bám cơ sở phản ánh không khí đón giao thừa tại các địa phương. Khi hoàn thành xong tin bài cũng đã đến lúc bắt tay vào làm mâm cơm cúng tổ tiên sáng mồng một Tết. Hoặc trong khi mọi người ở trong nhà trú bão thì chúng tôi lại phải đối mặt với mưa to, với gió lớn, với nước dâng cao tràn mặt đê, ngập mặt ruộng… để theo sát các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện, ngành, phản ánh kịp thời sự chỉ đạo công tác phòng chống, khắc phục thiệt hại do bão lũ gây ra trên khắp địa bàn tỉnh. Tài sản phục vụ tác nghiệp như máy ảnh, máy vi tính đã nhiều lần bị hỏng do tác nghiệp dưới trời mưa, hay bị sóng biển đánh trào vào tầu, xuồng khi đến với Trường Sa thân yêu…. Khi phản ánh mặt trái của xã hội, đã có những phóng viên bị vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm và không chỉ có phóng viên mà cả người thân của chúng tôi cũng đã bị một số đối tượng dọa nạt, xúc phạm, ảnh hưởng đến công việc, tinh thần.

Tuy nhiên, những vất vả, gian nan đó không làm cho phóng viên nữ chúng tôi chùn bước, trái lại càng làm chúng tôi thêm hăng hái, bởi muốn có bài viết, phóng sự hay, chất lượng phải dấn thân vào thực tế. Công việc làm báo của chúng tôi có không ít những ngày mất ăn, mất ngủ, nhất là khi có tin, phóng sự cần đưa cấp tốc lên các phương tiện thông tin đại chúng, qua đó đã giúp cho tôi trưởng thành rất nhiều trong nghề nghiệp.

Nữ phóng viên Báo Thái Bình học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Ảnh: Thanh Thưởng

Theo nghề làm báo, chúng tôi hiểu rằng gia đình mình có những thiệt thòi nhất định. Chọn nghề báo, chúng tôi phải giải quyết hài hòa giữa công việc và gia đình. Bản thân chúng tôi luôn trăn trở và cố gắng sắp xếp hài hòa thời gian, công việc để hoàn thành trách nhiệm của người con hiếu thảo, người vợ đảm, người mẹ hiền trong gia đình. Cũng rất cảm ơn người thân trong gia đình, nhất là các đức phu quân đã hiểu, cảm thông, chia sẻ công việc, động viên tinh thần để chúng tôi luôn hoàn thành việc nước, việc nhà.

Với niềm yêu nghề và trách nhiệm với nghề, chúng tôi đã không ngừng học hỏi, tận tâm và đã viết nên nhiều tác phẩm có giá trị, có tầm ảnh hưởng tích cực đối với xã hội, đạt giải thưởng cao của tỉnh, của toàn quốc, như loạt tác phẩm viết về nông thôn mới, nông nghiệp, nông dân, nông thôn, viết về xây dựng Đảng, về học đường, về người nghèo, về nước sạch, xử lý rác thải sinh hoạt, làng nghề… của các nữ phóng viên. 

Đáng chú ý là mấy năm gần đây, nhiều chị em phóng viên Báo Thái Bình hầu như năm nào cũng có tác phẩm đạt giải cao của Trung ương, của tỉnh như Nguyễn Hình 3 năm liền đạt giải Búa liềm vàng; Hà Dung, Thu Hương, Thu Thủy, Lưu Ngần, Mai Thư, Minh Hương, Thu Hiền, Nguyễn Nguyệt, Đào Quyên, Đặng Anh… đã từng đạt Giải Báo chí Quốc gia hoặc Giải Báo chí toàn quốc. Nhưng có lẽ giải thưởng lớn nhất là sản phẩm trí tuệ của các nữ phóng viên chúng tôi đã có ảnh hưởng tích cực đối với xã hội, truyền tải kịp thời, nhanh, chính xác đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với cán bộ, nhân dân, đưa tâm tư, tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân tới cấp ủy, chính quyền các cấp, đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh những năm qua.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp tại hiện trường. Ảnh: Thanh Thưởng

Có được những thành công này, không thể không kể đến sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, của lãnh đạo cơ quan Báo Thái Bình suốt những năm qua. Chị em Báo Thái Bình nói chung, phóng viên nữ Báo Thái Bình nói riêng thường nhắc nhở nhau: Luôn luôn lắng nghe từ đồng nghiệp, học hỏi kinh nghiệm từ các bậc đàn anh, đàn chị đi trước; rèn giũa bản thân, không ngừng tìm tòi, khám phá để bổ sung kiến thức, nâng cao nghiệp vụ báo chí và phẩm chất đạo đức của người làm báo Việt Nam, không vấp ngã trước những cám dỗ của cuộc sống, luôn giữ “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”.

Để phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ngày càng lan tỏa, hiệu quả hơn nữa, chị em Báo Thái Bình mong muốn được cấp ủy, chính quyền tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện, hỗ trợ về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; tổ chức nhiều hoạt động nhân các ngày lễ, tết để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động các cơ quan Tỉnh ủy gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau cùng tiến bộ.

Thu Hiền