Thứ 5, 28/11/2024, 04:47[GMT+7]

Công tác xã hội - vì sự phát triển bền vững của cộng đồng

Thứ 2, 25/03/2019 | 09:29:30
2,832 lượt xem
Nghề công tác xã hội (CTXH) hiện nay đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là giúp đỡ các nhóm đối tượng yếu thế, tạo điều kiện để họ có thể hòa nhập cộng đồng, góp phần tích cực vào sự ổn định và phát triển của xã hội.

Các cán bộ Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Thái Bình tư vấn, hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân.

Ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1791 lấy ngày 25/3 hàng năm là “Ngày Công tác xã hội Việt Nam”. Đây là dấu mốc quan trọng nhằm tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề CTXH Hiện nay, nghề CTXH đã được nhìn nhận như một ngành nghề mang tính chuyên môn với những chức năng cơ bản là ngăn ngừa và khắc phục những vấn đề xã hội, tập trung vào những mối quan tâm và nhu cầu của con người, đồng thời giúp họ vượt qua khó khăn và phát huy tối đa khả năng của bản thân. CTXH tập trung vào ba nhóm hoạt động chính bao gồm CTXH với cá nhân, với nhóm và với cộng đồng. 

Theo thống kê, ở Việt Nam số người cần tiếp cận, sử dụng các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 28% dân số, trong đó có 8,6 triệu người cao tuổi, 6,7 triệu người khuyết tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hơn 180.000 người nhiễm HIV, gần 170.000 người nghiện ma túy, 22% gia đình có bạo lực và 21,1% phụ nữ bị bạo hành ở các cấp độ khác nhau.

Tại Thái Bình, hiện nay số đối tượng bảo trợ xã hội cần sự trợ giúp tại các địa phương trong tỉnh lên đến hơn 110.000 người, tập trung ở các đối tượng là người khuyết tật, người cao tuổi, người đơn thân, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn... 

Thực hiện Quyết định số 446 ngày 29/3/2011 của UBND tỉnh về việc phê duyệt “Đề án phát triển nghề công tác xã hội tỉnh Thái Bình giai đoạn 2011 - 2020”, những năm qua Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với đơn vị, tổ chức và các địa phương tổ chức nhiều hoạt động trong đó tập trung vào các hoạt động truyền thông, tập huấn, bồi dưỡng và đào tạo. Trong năm 2018, Sở đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn về chính sách trợ giúp xã hội; tổ chức tập huấn về nâng cao năng lực cho 130 cán bộ, nhân viên các cơ sở trợ giúp xã hội; tổ chức nói chuyện chuyên đề, đối thoại về chính sách trợ giúp xã hội cho hơn 1.200 đối tượng và người dân trong tỉnh... Đến nay nhận thức, hiểu biết về nghề CTXH của đội ngũ cán bộ thuộc ngành Lao động - Thương binh và Xã hội và một số hội, đoàn thể đã có bước chuyển biến rõ rệt. Tiêu biểu ngành Y tế, hầu hết các bệnh viện trong ngành đã thành lập phòng CTXH và tổ CTXH thực hiện việc hỗ trợ, tư vấn giải quyết các vấn đề về CTXH cho người bệnh và người nhà người bệnh trong quá trình khám chữa bệnh. 

Tại Bệnh viện Nhi Thái Bình, mặc dù Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện mới thành lập được hơn 2 năm nhưng đã mang lại nhiều tín hiệu tích cực. 

Bà Bùi Thị Xiêm, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện với 3 nhiệm vụ chính là tư vấn, chăm sóc bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; tổ chức các hoạt động truyền thông và công tác huy động sự hỗ trợ để làm từ thiện, trong đó công tác huy động làm từ thiện hoạt động rất hiệu quả. Trong hơn 2 năm, Bệnh viện đã kêu gọi được rất nhiều nhà hảo tâm, tổ chức, đơn vị chung tay chăm lo cho các bệnh nhi có hoàn cảnh khó khăn điều trị tại Bệnh viện với số tiền và quà trị giá trên 1 tỷ đồng. Ngoài ra, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến khám, điều trị được cán bộ Phòng Công tác xã hội tư vấn tận tình, chu đáo, qua đó tạo dựng được niềm tin của người bệnh đối với Bệnh viện. Với Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) qua từng năm nhiều vụ việc liên quan đến khủng hoảng tâm lý của đối tượng hay các vấn đề xã hội, các hoạt động trợ giúp pháp lý được cán bộ Trung tâm tiếp nhận, can thiệp và hỗ trợ kịp thời.

Tuy nhiên, hiện nay mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH ở tỉnh ta còn thiếu về số lượng. Mạng lưới các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH mới hình thành ở ngành Lao động - Thương binh và Xã hội là chủ yếu, bước đầu được thí điểm ở các ngành Y tế, Giáo dục với phạm vi, quy mô nhỏ, số lượng đối tượng được hưởng dịch vụ rất hạn chế. Đặc biệt, đội ngũ cộng tác viên CTXH tại cộng đồng mới chỉ được bước đầu được hình thành tại một số địa phương. Vì vậy, để nghề CTXH phát triển bền vững cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự nghiệp phát triển nghề CTXH, trong đó một yếu tố quan trọng là bên cạnh sự quan tâm của cả hệ thống chính trị thì cũng cần phải nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội đối với nghề CTXH, đồng thời hình thành đội ngũ cán bộ làm CTXH chuyên sâu cả về chất lượng và số lượng để nghề CTXH phải trở thành một nghề đáp ứng nhu cầu thực tiễn đang đặt ra.

Nguyễn Cường