Chủ nhật, 17/11/2024, 15:47[GMT+7]

Ngành Y tế Những bài học kinh nghiệm trong hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân

Thứ 6, 24/02/2012 | 10:47:21
1,547 lượt xem
Thái Bình là một tỉnh đồng bằng, nghề nghiệp chủ yếu của nhân dân là nông nghiệp. Là một tỉnh đất chật, người đông, 95% dân số ở vùng nông thôn, thu nhập người dân mang đặc thù của vùng nông thôn Việt Nam, vì vậy chăm sóc sức khoẻ nhân dân (CSSK) ở Thái Bình thực chất là CSSK cộng đồng lớn, với gần 500.000 hộ gia đình ở nông thôn.

Phẫu thuật Phaco tại Bệnh viện Đa khoa Nam Tiền Hải

Trong những năm qua, đã có nhiều chương trình y tế có mục tiêu do các tổ chức quốc tế và trong nước tài trợ dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, đã triển khai xuống cộng đồng.

Nhiều dự án nhân đạo bằng những biện pháp can thiệp cụ thể huy động sức mạnh của cộng đồng ở Thái Bình đã có những hiệu quả nổi bật, có thể tóm tắt những kết quả sau đây:
1. Sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, sự chỉ đạo quản lý của các cấp chính quyền, sự hợp tác tham gia thực hiện của các ngành, các đoàn thể, để tạo ra phong trào CSSK sâu rộng trong nhân dân là điều tất yếu, quyết định sự thành công của công tác CSSK cộng đồng. Sự lãnh đạo, chỉ đạo và hợp tác tham gia, không chỉ bằng những Nghị quyết, Chỉ thị, kế hoạch, phải thể  hiện bằng những chính sách, những quyết định, đầu tư cụ thể các nguồn lực của xã hội. Xã hội hoá công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo đảm thực hiện kết quả CSSK cộng đồng.

2. Phát hiện, phát huy việc sử dụng tất cả các nguồn lực để tổ chức, thực hiện chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, không chờ đợi, không để lãng phí. Tất cả các hoạt động có liên quan đến sức khoẻ được phát hiện để phát huy. Tất cả các hoạt động có hại cho sức khoẻ được phát  hiện để hạn chế tối đa.

3. Kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ y tế có trình độ chuyên môn chuyên sâu ở từng lĩnh vực thuộc hệ khám chữa bệnh và hệ dự phòng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ, thực hiện vai trò nòng cốt trong các hoạt động CSSK. Cần phải phát triển màng lưới y tế thôn cùng y tế xã CSSK cho khoảng 200 hộ gia đình. Mỗi xã có ít nhất 05 cán bộ y tế, chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Từng bước phát triển và quản lý sử dụng có hiệu quả hệ thống y tế tư nhân. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của y tế theo hướng đa dạng hoá các dịch vụ CSSK và chăm sóc y tế. Đưa các dịch vụ đến tận gia đình. Cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới để đạt chuẩn quốc gia các trạm y tế, với quy mô gọn, nhỏ tổ chức khám bệnh chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân đạt hiệu quả.

4. Cải tiến phương thức hoạt động chăm sóc sức khoẻ tại cơ sở, hoàn thiện về cơ sở vật chất và tổ chức bộ máy của trung tâm y tế huyện. Đây là bước quyết định cho sự thành công của mô hình CSSK cộng đồng. Để đưa được các dịch vụ y tế đến tận gia đình, phải cải tiến hệ thống sổ sách, phương pháp thu thập thông tin. Chỉ đạo cán bộ y tế xã hàng ngày không chỉ thường trực tại trạm y tế xã, mà phải xuống các hộ gia đình nắm bắt các thông tin về sức khoẻ, giải quyết các dịch vụ y tế tại gia đình trong phạm vi cho phép, bao gồm phòng chống bệnh tật, xây dựng phong trào, nếp sống vệ sinh, KHHGĐ, CSSK bà mẹ, phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người cao tuổi, các bệnh không lây nhiễm, các đối tượng ưu tiên, chính sách các bệnh xã hội.

5. Công tác chăm sóc sức khoẻ đã đạt được hiệu quả nhất định, từng bước khống chế được các bệnh dịch nguy hiểm như dịch SARS, Cúm A H5N1, H1N1, Tả... giảm tỉ lệ mắc và chết trong nhóm bệnh tiêm chủng mở rộng; loại trừ bệnh bại liệt trẻ em, cải thiện môi trường, nếp sống  vệ sinh, nâng cấp trang bị kỹ thuật và đội ngũ cán bộ y tế.

- Đã cơ bản hoàn thiện đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các TTYT, bệnh viện huyện/thành phố. Công nhận nâng hạng I cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hạng II cho 08 bệnh viện và 03 Trung tâm y tế tuyến tỉnh.
- Nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác KCB. Giảm số ngày điều trị bình quân, giảm tỷ lệ nằm ghép và giảm bệnh nhân chuyển tuyến điều trị tại bệnh viện trung ương. Là năm triển khai được nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu tại tỉnh và tiếp nhận được nhiều sự hỗ trợ kỹ thuật của các bệnh viện tuyến trung ương.
- Đã ổn định được hoạt động khám chữa bệnh BHYT, quỹ BHYT của tỉnh đã tự cân đối được thu, chi, một số bệnh viện đã có kết dư quỹ. Quyền lợi của người bệnh có thẻ BHYT khi đi khám bệnh được đảm bảo.

Tuy nhiên những kết quả đạt được chưa đồng đều, chưa thật vững chắc. Qua những biện pháp chủ yếu đã thực hiện, bênh cạnh những ưu điểm, vẫn bộc lộ nhiều mặt hạn chế, cần khắc phục. Do vậy, bài học rút ra từ thực tiễn triển khai là:

Thứ nhất: Công tác truyền thông giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng là yếu tố hết sức quan trọng, phải sử dụng nhiều hình thức, biện pháp tác động để các cấp, các ngành, cán bộ lãnh đạo Đảng và chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của CSSK ban đầu. Trên cơ sở đó, động viên được nhiều người tham gia thực hiện. Muốn vậy, việc tuyên truyền phải hết sức cụ thể, không chung chung, nội dung cô đọng, dễ hiểu, hình thức phong phú, thường xuyên và liên tục đưa ra những gương tốt, việc tốt, những gương mặt điển hình. Đặc biệt, chú ý nội dung phải phù hợp với từng đối tượng, lứa tuổi, phải phát huy cao hệ thống loa truyền thanh của xã, các câu lạc bộ, các nhóm đồng đẳng v.v...

Thứ hai: Việc phối, kết hợp giữa ngành Y tế với các ngành chức năng, các tổ chức chính trị, xã hội là cơ sở cho việc xã hội hoá CSSK nhân dân. Việc kết hợp phải chủ động, đồng đều, thường xuyên, có tổ chức. Đặc biệt là phải đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến cơ sở, tránh chồng chéo, lặp lại.

Thứ ba: Ngành Y tế phải chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy nhận thức, về tổ chức, về nội dung phương thức hoạt động của toàn bộ hệ thống cán bộ công chức trong ngành, theo yêu cầu CSSK chuyên sâu. Sự chuyển đổi này phải sâu sắc, vững chắc, tinh gọn, nhưng phải có hiệu quả. Cơ chế và phong cách làm việc phải thay đổi cho kịp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Phải xác định được đạo đức người thầy thuốc trong nền kinh tế thị trường.

Thứ tư: Khi đã có định hướng về CSSK, phải chọn được mục tiêu phù hợp, khái quát được mô hình cần xây dựng, xác định được những biện pháp sát thực, thấy được những khuyết, nhược điểm cần khắc phục, phát hiện, phát huy được những thế mạnh và những tiền đề đã có. Như vậy thì chắc chắn vấn đề CSSK ở Thái Bình sẽ được triển khai và có khả năng đạt kết quả cao./.

TTUT-BSCKII: Phạm Văn Dịu

 (Tỉnh uỷ viên - Giám đốc sở Y tế Thái Bình)

  • Từ khóa