Chủ nhật, 24/11/2024, 16:26[GMT+7]

Nét đẹp của phụ nữ Tân Hòa

Thứ 6, 09/03/2012 | 09:26:18
1,610 lượt xem
Ở lứa tuổi nào, người phụ nữ cũng đằm thắm những nét đẹp truyền thống hay lam, hay làm, chịu thương chịu khó. Phụ nữ Tân Hòa (Vũ Thư) không chỉ đảm đang quán xuyết gia đình, làm kinh tế giỏi, còn tham gia gánh vác việc làng, việc xã.

Những cơn mưa phùn rả rích làm tiết trời tháng 3 càng âm u, rét mướt. Trên đường về thôn Tường An, phía cánh đồng, trong mưa lâm thâm chúng tôi bắt gặp hầu hết những lao động nữ cặm cụi chăm bón lúa xuân vừa bén đất, bên ruộng màu, chị em lúi húi làm cỏ ngô. Mùa vụ đến, phụ nữ vẫn là lực lượng chủ chốt, tần tảo, lo toan công việc đồng áng. Cùng chủ tịch hội phụ nữ xã đến thăm những mô hình làm kinh tế giỏi, lại thấy vẫn là các chị, người đang chăm đàn lợn, người đang làm vườn hoặc lo chuẩn bị bữa cơm tối cho chồng con. Ở lứa tuổi nào, người phụ nữ cũng đằm thắm những nét đẹp truyền thống hay lam, hay làm, chịu thương chịu khó. Phụ nữ Tân Hòa (Vũ Thư) không chỉ đảm đang quán xuyết gia đình, làm kinh tế giỏi, còn tham gia gánh vác việc làng, việc xã.

Điều chị em tâm đắc đó là Hội phụ nữ xã, 6 chi hội thôn luôn là điểm tựa tin cậy bảo vệ quyền lợi chính đáng cho 1717 hội viên. Để chị em vươn lên thực sự bình đẳng, làm chủ kinh tế trong gia đình, Hội luôn chăm lo, tổ chức học tập các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước, luật bình đẳng giới, trang bị cho phụ nữ những kiến thức cần thiết về giới tính, sức khỏe sinh sản, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật để chị em áp dụng vào trồng trọt chăn nuôi. Những việc làm thiết thực đó gắn kết chị em nhiệt tình tham gia các phong trào của hội phát động. 

Chị Phan Thị Hiếu chi hội trưởng phụ nữ thôn Nhật Tân là người có khả năng thu hút 100% nữ thanh niên từ 18 tuổi trở lên của thôn tham gia sinh hoạt hội không phải vì món quà trị giá 10 kg thóc mừng đám cưới những hội viên trẻ đi lấy chồng mà chi hội luôn đổi mới nội dung, phương thức hoạt động. Chị em vào hội thấy vui hơn, học hỏi nhau cách thức làm ăn, chăm sóc chồng con. Quyền lợi và nghĩa vụ hội viên được chi hội công bố rõ ràng. Chị Hiếu vận động 356 hội viên gây quỹ hội 3,6 tấn thóc. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, có quỹ hội, hoạt động hội rôm rả hơn nhiều, triển khai việc gì cũng thuận.

Phụ nữ Tân Hòa là điển hình về thục hiện cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương của Bác, chị em thực hành tiết kiệm, tạo thành phong trào cuốn hút đông đảo hội viên tham gia. Tổ phụ nữ tiết kiệm chi hội Nhật Tân ban đầu có 22 chị, nay 36 chị, mỗi thành viên góp 10-20 ngàn đồng, tổng số được 15,16 triệu đồng dành giúp chị em lúc đau ốm, hoạn nạn, mua bảo hiểm y tế, nộp tiền học phí cho con….Nhóm phụ nữ tiết kiệm thôn Đại Đồng có 22 thành viên, giúp 11 chị khó khăn, hoạn nạn 12,4 triệu đồng. Chi hội Tường An giúp 26 ngày công xây nhà tình nghĩa, 49 công gặt cho 2 hội viên, quyên góp 575 ngàn giúp 1 hội viên bị nạn, gần đây, giúp trên 800 ngàn, 7 công xây nhà tình thương cho hộ nghèo. Chi hội Đại Đồng quyên góp 4 triệu đồng, trên 30 ngày công giúp đỡ cụ Chước, cụ An, chị Thìn xây nhà tình thương. Thật đáng trân trọng tấm lòng của bà Lài, bà Hằng vận động các con đi làm ăn xa cùng tham gia ủng hộ hộ nghèo trong thôn.

Nghề nghiệp chính của phụ nữ Tân Hòa là trồng trọt, chăn nuôi. Đầu vụ sản xuất, một số gia đình nuôi con  ăn học gặp khó khăn về chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chị Ngô Thị Hoa, Đỗ Thị Hồi đứng ra làm dịch vụ cung cấp vật tư trả chậm, giúp chị em gieo cấy, chăm bón lúa màu kịp thời vụ.

Hội phụ nữ Tân Hòa là kênh dẫn vốn có uy tín đưa nguồn tín dụng ưu đãi của nhà nước đến đúng địa chỉ. Các tổ nhóm tiết kiệm & vay vốn hoạt động chặt chẽ, đúng quy chế, uy tín của phụ nữ không ngừng nâng lên. Hiện nay, hội được giao quản lý 5 tổ vay vốn gồm 222 thành viên, tổng dư nợ 2,9 tỷ đồng gồm 5 chương trình; cho vay hộ nghèo, cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, vốn vay giải quyết việc làm, cho vay chương trình nước sạch vệ sinh môi trường, cho hộ nghèo vay làm nhà ở. 6/6 chi hội đều làm tốt việc quản lý sử dụng vốn. Chi hội phụ nữ thôn Tường An đang quản lý số vốn trên 850 triệu đồng cho 68 hộ vay. Nhờ nguồn vốn này, gia đình chị Dậu nuôi 3 con, chị Tỵ, chị Quyên… nuôi 2 con ăn học đại học. Hội viên được vay vốn, tham gia tiết kiệm lũy kế đến nay trên 100 triệu đồng.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Xuyên (thôn Thọ Bi). Với 2 lao động, vợ chồng chị cấy 7 sào ruộng, làm dịch vụ xay sát thóc gạo, trong chuồng thường xuyên nuôi 45-60 con lợn thịt, 50 con gà ta. Kinh tế gia đình khá giả, chủ động về vốn không phải vay ngân hàng. Chị Lại Thị Huần điển hình về sử dụng vốn vay có hiệu quả để phát triển chăn nuôi, làm vụ đông. Gia đình chị luôn duy trì 2 con nái, 100 gia cầm. Ngoài 7 sào ruộng cấy lúa,  vụ đông năm nào chị cũng trồng 5 sào trở lên chủ yếu là đậu tương phục vụ chăn nuôi và các loại rau giá trị cao.

Ngoài nghề nông, Tân Hòa có hơn chục gia đình duy trì nghề làm bánh gai truyền thống, tăng thu nhập, tạo việc làm cho gia đình lúc nông nhàn. Đặc biệt, tấm gương vượt khó vươn lên của chị Phạm Thị Hoàn. Hai vợ chồng cùng bị tật nguyền, được Hội phụ nữ bình xét tín chấp với Ngân hàng CSXH vay vốn giải quyết việc làm, từ cửa hàng may thời trang  nhỏ, vợ chồng chị Hoàn mở xưởng dạy nghề cho hàng chục người tàn tật và bảo đảm việc làm cho trên 10 lao động.

Chia tay chị Dự, hội trưởng phụ nữ xã, chúng tôi rất tâm đắc với những chia sẻ của chị: Chỉ khi phụ nữ vươn lên tự chủ về kinh tế, mới thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới, làm nền tảng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Bảo Linh

 


  • Từ khóa