Thứ 5, 28/11/2024, 10:53[GMT+7]

Xác định mức độ khuyết tật - nhiều điểm mới người khuyết tật cần biết

Thứ 6, 24/05/2019 | 08:50:46
5,036 lượt xem
Ngày 2/1/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định việc xác định mức độ khuyết tật (MĐKT) do hội đồng xác định MĐKT thực hiện, thay thế Thông tư liên tịch số 37/2012/TTLT-BLĐTBXH-BYT-BTC-BGDĐT do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 28/12/2012. Để hiểu rõ về Thông tư số 01, phóng viên Báo Thái Bình có cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Huân, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.

Dạy nghề cho người khuyết tật tại xã Thụy Dũng (Thái Thụy).

Phóng viên: Thưa ông, việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 01 xuất phát từ tình hình thực tế hiện nay vẫn còn nhiều bất cập trong việc xác định dạng tật và MĐKT. Ông có thể cho biết những điểm mới và khác biệt cơ bản của Thông tư số 01 so với Thông tư liên tịch số 37?
Ông Bùi Văn Huân: Thông tư liên tịch số 37 ban hành ngày 28/12/2012 đã hỗ trợ rất nhiều cho người khuyết tật (NKT). Đến nay, qua 6 năm thực hiện có những bất cập nhất định trong việc xác định dạng tật và MĐKT do hội đồng xác định MĐKT cấp xã thực hiện. Vì vậy, ngày 2/1/2019, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 01 quy định về việc xác định MĐKT do hội đồng xác định MĐKT thực hiện, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2019. Thông tư số 01 có những điểm thay đổi cơ bản so với Thông tư liên tịch số 37, cụ thể:

- Về phương pháp xác định dạng tật và MĐKT: bỏ quy định thẩm quyền của hội đồng xác định MĐKT cấp xã chỉ xác định dạng tật và MĐKT cho trẻ em dưới 6 tuổi với 3 dạng: khuyết tật vận động, khuyết tật nhìn, khuyết tật thần kinh tâm thần.

- Về trách nhiệm của thành viên hội đồng xác định MĐKT: bổ sung trách nhiệm của công chức cấp xã phụ trách công tác lao động - thương binh và xã hội phải tham khảo ý kiến của cơ sở giáo dục về thông tin của NKT được xác định MĐKT nếu người đó đang đi học, mời đại diện cơ sở giáo dục nơi NKT học tập dự họp xác định MĐKT (nếu cần thiết).

- Về thực hiện thủ tục cấp lại giấy xác nhận khuyết tật: quy định rõ những trường hợp có sự kiện làm thay đổi dạng tật và MĐKT; trẻ em dưới 6 tuổi được xác định MĐKT khi từ đủ 6 tuổi phải xác định lại MĐKT và cấp lại giấy xác nhận khuyết tật trừ 5 trường hợp trẻ em dưới 6 tuổi được xác định MĐKT đặc biệt nặng: mềm nhẽo hoặc co cứng toàn thân hoặc liệt toàn thân; thiếu 2 tay; mù 2 mắt hoặc thiếu 2 mắt; liệt hoàn toàn 2 tay hoặc liệt nửa người; có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên mắc một hoặc nhiều loại bệnh: bệnh bại não, não úng thủy, tâm thần phân liệt.

- Phiếu xác định dạng tật và MĐKT:
+ Người đề nghị xác định dạng tật, MĐKT ngoài việc phải điền các thông tin cá nhân như họ tên, địa chỉ... thì còn phải hoàn thiện thông tin về dạng tật và MĐKT.
+ Phiếu xác định dạng tật và MĐKT được nhập thành 1 mẫu phiếu chung, do công chức lao động - thương binh và xã hội điền phiếu trên cơ sở kết luận của hội đồng.
+ Một trong các dấu hiệu xác định dạng tật: có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên; bổ sung rối loạn phổ tự kỷ và các bệnh hiếm thuộc dạng khuyết tật khác.
+ Phiếu xác định MĐKT đối với trẻ em dưới 6 tuổi: quy định rõ dấu hiệu xác định MĐKT đặc biệt nặng, MĐKT nặng, còn lại là mức độ nhẹ; không được áp dụng bộ câu hỏi dựa trên các tiêu chí phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân để đánh giá MĐKT cho trẻ em dưới 6 tuổi.
+ Phiếu xác định MĐKT đối với người từ đủ 6 tuổi trở lên: quy định dấu hiệu xác định MĐKT đặc biệt nặng, MĐKT nặng. Trường hợp không thuộc các dấu hiệu đã quy định thì sử dụng bộ câu hỏi dựa trên các tiêu chí phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân; tổng số điểm càng cao MĐKT càng nặng.

Người khuyết tật huyện Vũ Thư được tạo mọi điều kiện để làm việc.

Phóng viên: Ông có thể cho biết những điểm cần lưu ý khi thực hiện Thông tư số 01?
Ông Bùi Văn Huân: Trước tiên, chúng ta cần biết hội đồng xác định MĐKT thành lập theo quy định của Luật Người khuyết tật và Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10/4/2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người khuyết tật về thành phần, số lượng... UBND cấp xã thường xuyên kiện toàn bổ sung khi hội đồng có thay đổi thành viên.

- Sử dụng đúng các phương pháp, mẫu phiếu xác định dạng tật và MĐKT theo quy định; xác lập và lưu trữ hồ sơ xác định MĐKT tại cấp xã.

- Xác lập biên bản kết luận của hội đồng; các thành viên của hội đồng tham dự họp biểu quyết và cùng ký tên vào biên bản kết luận của hội đồng.

- Kết quả xác định MĐKT của hội đồng xác định MĐKT phải được niêm yết công khai trong thời gian 5 ngày làm việc tại trụ sở UBND cấp xã; nếu có khiếu nại, tố cáo hoặc không đồng ý với kết luận của hội đồng thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, hội đồng xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và trả lời bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo.

- Thông tin do cơ sở giáo dục nơi NKT đang theo học cung cấp theo mẫu phiếu kèm theo Thông tư số 01 phải ghi theo thông tin trong học bạ của học sinh.

- Cấp đầy đủ giấy xác nhận khuyết tật cho NKT đủ điều kiện để làm căn cứ thực hiện các chế độ, chính sách đối với NKT.

- Thường xuyên rà soát, xác định lại MĐKT, cấp lại giấy xác nhận khuyết tật đối với trường hợp: mất giấy xác nhận khuyết tật; thay đổi dạng hoặc MĐKT; NKT từ đủ 6 tuổi trở lên trừ những trường hợp không phải xác định lại và cấp lại giấy xác nhận khuyết tật theo quy định.

Phóng viên: Để thực hiện hiệu quả Thông tư số 01, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội có những giải pháp nào, thưa ông?
Ông Bùi Văn Huân: Để thực hiện hiệu quả Thông tư số 01, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu UBND tỉnh ban hành Công văn số 1440/UBND-KGVX, theo đó, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về NKT nói chung, phương pháp xác định MĐKT theo Thông tư số 01 nói riêng; thực hiện rà soát các đối tượng bảo trợ xã hội trong toàn tỉnh, bao gồm cả rà soát, xác định dạng tật và MĐKT đối với NKT. Chỉ đạo các cơ quan liên quan tham gia giám sát công tác xác định khuyết tật và hướng dẫn cơ quan có liên quan cấp cơ sở tham gia cùng hội đồng xác định MĐKT cấp xã thực hiện đúng quy định.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức hướng dẫn, tập huấn cho gần 1.000 cán bộ là thành viên chủ chốt của hội đồng xác định MĐKT gồm: chủ tịch UBND xã, cán bộ lao động - thương binh và xã hội và trạm trưởng trạm y tế. Qua tập huấn đã thảo luận và giải đáp một số khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Thông tư số 01 cũng như việc thực hiện chính sách đối với đối tượng bảo trợ xã hội tại cơ sở.

Để kịp thời hướng dẫn các địa phương thực hiện Thông tư số 01 cũng như chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở kịp thời ban hành hướng dẫn rà soát đối tượng đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội tại cộng đồng trên địa bàn toàn tỉnh cũng như hướng dẫn thực hiện một số thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội và chỉ đạo phòng lao động - thương binh và xã hội các huyện, thành phố tham mưu UBND cùng cấp ban hành văn bản chỉ đạo UBND cấp xã kiện toàn hội đồng xác định MĐKT và hội đồng trợ giúp xã hội để bảo đảm thực hiện việc xác định MĐKT và thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đúng quy định.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Cường 
(thực hiện)