Con bò sinh kế ở Tiền Hải (Kỳ 2)
Kỳ 2: Để chính sách giảm nghèo không bị trục lợi
Trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Phạm Văn Hào, Chủ tịch UBND xã Đông Hải thừa nhận với phóng viên khi xảy ra việc một số người dân bán bò hỗ trợ sinh kế, xã đã không báo cáo với Ban Quản lý dự án của huyện mà muốn giải quyết nội bộ, tuyên truyền, vận động, yêu cầu các hộ nhận bò hỗ trợ sinh kế ký cam kết không được bán bò nhưng không hiệu quả.
Còn ông Trần Minh Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải, Trưởng ban Quản lý dự án phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn huyện Tiền Hải giai đoạn 2018 - 2020 cho biết: Năm 2018, huyện Tiền Hải có xã Đông Hải tham gia dự án nuôi bò phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và 2 xã Đông Long, Nam Chính tham gia dự án nhân rộng mô hình nuôi bò giảm nghèo với tổng số 63 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò giống sinh kế.
Ông Tiến cũng khẳng định, hiện nay những con bò hỗ trợ sinh kế cho người dân 2 xã Đông Long và Nam Chính được quản lý, chăn nuôi và phát triển tốt, chỉ có xã Đông Hải người dân tự ý bán bò hỗ trợ. Ngay sau khi nắm bắt sự việc, Ban Quản lý dự án đã xuống kiểm tra; yêu cầu UBND xã kiểm điểm về việc quản lý, giám sát để các hộ tham gia dự án tự ý bán bò, đồng thời yêu cầu các hộ đã bán bò dự án phải mua (hoặc chuộc lại) bò thay thế. Nếu các hộ không chấp hành thì UBND xã phải có trách nhiệm thu hồi kinh phí dự án đã cấp về cho ngân sách huyện.
Trao đổi với phóng viên và cán bộ xã, các hộ được hỗ trợ bò sinh kế ở xã Đông Hải có rất nhiều lý do để bao biện cho việc bán bò của mình, tuy nhiên đây là hành vi không thể chấp nhận được, thể hiện sự thiếu ý thức của chính những người được thụ hưởng chính sách về giảm nghèo của Nhà nước. Đối với người nghèo, con bò là cả một tài sản có giá trị rất lớn và nó càng có giá trị lớn hơn khi đây là đồng tiền chính sách. Vì vậy, để xảy ra sự việc này, trách nhiệm thuộc về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - đơn vị triển khai dự án đã thiếu kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện dự án ở cơ sở. Trách nhiệm chính thuộc về chính quyền xã Đông Hải và Ban Quản lý dự án của huyện Tiền Hải đã buông lỏng quản lý, chưa làm hết trách nhiệm, không có biện pháp ngăn chặn kịp thời việc người dân tự ý bán bò hỗ trợ sinh kế, làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
Xung quanh câu chuyện hỗ trợ bò sinh kế
Trong số 63 hộ dân của 3 xã Đông Hải, Đông Long, Nam Chính được hỗ trợ bò sinh kế thì chỉ có 25 hộ nghèo được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò giống trị giá 15 triệu đồng, 38 hộ cận nghèo được hỗ trợ mỗi hộ 1 con bò giống trị giá 12 triệu đồng. Câu hỏi đặt ra là trên địa bàn huyện Tiền Hải, xã nào cũng có hộ nghèo, vậy tại sao dự án chỉ hỗ trợ cho 3 xã nêu trên? Còn rất nhiều hộ nghèo có nhu cầu hỗ trợ sinh kế để vươn lên thoát nghèo nhưng số hộ cận nghèo được hỗ trợ bò sinh kế thuộc dự án này là 38/63 hộ, chiếm tới 60,3%. Việc bình xét, phân bổ đối tượng được hỗ trợ bò giống sinh kế ở Đông Hải cũng còn nhiều bất cập. Thực tế, một số hộ được hỗ trợ bò của xã Đông Hải đều tuổi cao, sức yếu, bệnh tật, gia đình neo người và không có khả năng chăn nuôi bò nhưng vẫn được xét hỗ trợ bò. Một số hộ thì không có ý thức sản xuất, không tự nỗ lực vươn lên, vừa nhận bò đã có tư tưởng bán bò; một số hộ thiếu hẳn những kiến thức cơ bản về chăn nuôi, phòng bệnh cho bò.
Bà Trần Thị Quẹt ở thôn Tân Hải chia sẻ với phóng viên: Gia đình tôi nhận bò hỗ trợ từ dự án ban đầu rất khỏe mạnh nhưng nuôi một thời gian, do không hợp khí hậu nên bò bị bạc da, tiêu chảy chữa mãi không khỏi nên bán đi bù tiền mua con bò khác. Hiện bò mới mua đang có chửa, sắp sinh bê con.
Nhưng khi phóng viên hỏi bò chửa bao lâu thì sinh bê con bà cũng không biết, chỉ biết sáng thả lên bãi cho ăn, tối dắt vào chuồng.
Bò hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo thôn Thành Long, xã Đông Hải (Tiền Hải) khỏe mạnh.
Điều đáng nói nữa là trong các nội dung của dự án, không có quy định cụ thể nếu người dân tự ý bán bò hỗ trợ sinh kế thì phải mua bò trả lại hay trả lại tiền cho Ban Quản lý dự án. Trong biên bản bàn giao bò của UBND xã Đông Hải với các hộ nghèo và cận nghèo có ghi rõ ý kiến của ông Phạm Văn Hào, Chủ tịch UBND xã “Nghiêm cấm tuyệt đối các hộ không được tự ý bán, đổi bò cho nhau nếu chưa có sự đồng ý của cấp có thẩm quyền. Nếu hộ nào không thực hiện đúng các cam kết đã ghi ở trong đơn thì sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật”. Song đối chiếu với quy định của pháp luật cũng chưa quy định cụ thể về nội dung này.
Cần đa dạng hóa hỗ trợ sinh kế cho người nghèo
Về sự việc trên, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể trong xử lý những trường hợp rủi ro, hộ không hoàn thành dự án hoặc không thực hiện đúng cam kết đã đề ra.
Còn ông Phạm Văn Dụng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất: Khi triển khai thực hiện các dự án giảm nghèo, các địa phương cần phải lựa chọn đối tượng có đủ điều kiện để hỗ trợ, nhưng phải có khả năng sản xuất, có ý thức vươn lên, mong muốn thoát nghèo. Thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND tỉnh nghiên cứu mô hình hỗ trợ giảm nghèo cho phù hợp để người nghèo có cơ hội vươn lên thoát nghèo.
Chỉ rõ những mặt được, những hạn chế, yếu kém của việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh, trong đó có dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã yêu cầu cấp ủy, chính quyền các huyện khẩn trương kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại địa phương quản lý; rà soát từng đối tượng được hỗ trợ để chủ động có biện pháp khắc phục những bất cập, hạn chế; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện ở cơ sở, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý những sai phạm (nếu có); chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã để xảy ra sai phạm trong triển khai thực hiện dự án phải tiến hành kiểm điểm và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương nghiên cứu, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh về nội dung, hình thức hỗ trợ sinh kế cho người nghèo và có hướng dẫn cụ thể về đối tượng thụ hưởng bảo đảm thiết thực, hiệu quả; đồng thời tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan về những hạn chế, yếu kém trong triển khai thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thời gian qua, xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có). Các cơ quan truyền thông của tỉnh làm tốt hơn công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân trong tổ chức thực hiện, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện hiệu quả chương trình này. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh phân công trách nhiệm cụ thể cho các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và các thành viên UBND tỉnh có liên quan trong chỉ đạo, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh.
Mô hình sinh kế hỗ trợ bò cho hộ nghèo để phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa gắn với phát triển kinh tế hộ có ý nghĩa thiết thực, mang lại hiệu quả, thực tế đã giúp nhiều hộ nghèo trên địa bàn tỉnh thoát nghèo bền vững. Tuy nhiên, kết quả trái với kỳ vọng, việc hỗ trợ bò ở xã Đông Hải không những không giúp người dân phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống mà còn gây lãng phí tiền của Nhà nước. Vì vậy, ngoài hỗ trợ bò giống sinh kế, các ngành chức năng, các địa phương cần tham mưu cho tỉnh đa dạng hóa hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo bằng những mô hình phù hợp với điều kiện cụ thể, khuyến khích được hộ nghèo đầu tư phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo.
(Còn nữa)
Nguyễn Hình – Phan Lợi
Tin cùng chuyên mục
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Tổ chức chương trình “Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển” 03.08.2024 | 20:28 PM
- LỜI CẢM TẠ 05.06.2024 | 12:40 PM
- Lấy ý kiến nhân dân đối với các tập thể, cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, Huân chương các loại, các hạng 06.03.2024 | 11:06 AM
- Đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm, chúc tết một số địa phương, đơn vị 06.02.2024 | 18:43 PM
- Thăm hỏi, động viên gia đình chiến sĩ công an hy sinh trong khi làm nhiệm vụ 23.09.2023 | 15:05 PM
- Hướng dẫn cách thay ảnh đại diện có kèm avatar frame ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10/2023 21.09.2023 | 16:00 PM
- Chuyển đổi số báo chí, bài học và kinh nghiệm rút ra 09.08.2023 | 22:20 PM
- Ngày đón anh trở về 26.07.2023 | 16:31 PM
- Hội LHPN huyện Vũ Thư: Tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội đối với trẻ tự kỷ 23.07.2023 | 09:50 AM
Xem tin theo ngày
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo