Thứ 5, 28/11/2024, 16:45[GMT+7]

Phóng viên “đa zi năng”

Thứ 4, 19/06/2019 | 09:07:32
1,897 lượt xem
Trước đây, Báo Thái Bình chỉ sản xuất báo in và đăng lại các tác phẩm báo in lên báo in. Tuy nhiên, từ năm 2018, trang điện tử của Báo Thái Bình được nâng cấp thành Báo Thái Bình điện tử. Để đáp ứng với yêu cầu vừa viết tin, bài cho báo in vừa sản xuất các chương trình cho báo điện tử, phóng viên đã từng bước tiếp cận với các loại hình báo chí mới, nhanh chóng trở thành những phóng viên “đa zi năng”.

Phóng viên Báo Thái Bình tác nghiệp.

Năm 2013 là dấu mốc quan trọng của tôi khi bắt đầu làm việc tại Báo Thái Bình. Thời điểm đó, cùng với tôi còn có hơn 10 sinh viên thuộc thế hệ 8X, 9X vừa tốt nghiệp đại học cũng được tiếp nhận về Báo Thái Bình làm việc. Kinh nghiệm không, kỹ năng chưa có, chúng tôi chỉ có tình yêu và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ với nghề báo. Đến nay đã hơn 6 năm đi qua, chúng tôi đã trưởng thành hơn, chững chạc hơn trong nghề nghiệp đồng thời cũng được chứng kiến sự đổi thay không ngừng của Báo Thái Bình thời gian qua. Các tác phẩm báo in chất lượng hơn bởi cách nhận diện và khai thác vấn đề, cách triển khai thực hiện đề tài. Cùng với làm báo in, đội ngũ cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên Báo Thái Bình bước vào một lĩnh vực mới, đó là làm báo điện tử và truyền hình internet. Thuận lợi của phóng viên đó chính là sự năng động, nhiệt tình và khả năng tiếp cận công nghệ thông tin tốt, sẵn sàng thay đổi để đáp ứng yêu cầu làm báo 4.0. Chúng tôi bắt đầu làm quen với thể loại phóng sự truyền hình trên báo điện tử. Nhờ sự quan tâm, động viên, hướng dẫn của các đồng chí lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ cùng đồng nghiệp, mỗi ngày học một ít, sau mỗi tác phẩm, phóng viên thấy sáng ra nhiều điều bởi có những cái tưởng như đơn giản nhưng nếu không ai chỉ bảo thì không biết.

Trước đây, khi viết bài cho báo in, phóng viên đi cơ sở, khai thác thông tin, ghi âm, chụp ảnh là có thể hoàn thành một bài phản ánh. Tuy nhiên, hiện nay, chúng tôi đã học được cách khai thác thông tin hiệu quả để cùng với viết tin, bài cho báo in sẽ làm phóng sự cho truyền hình internet và phóng sự phát thanh. Phóng viên cũng dần thành thạo với các thiết bị mới và quen với công việc như quay phim, dẫn hiện trường, dựng hình. Hiện nay, trước yêu cầu của công việc, đòi hỏi nhiều khi ở một sự kiện hoặc một vấn đề, phóng viên phải tự “tác chiến” độc lập nên mỗi phóng viên phải hội tụ được nhiều yếu tố, kỹ năng để làm tác phẩm báo chí đa phương tiện. Tuy nhiên, để có những tác phẩm đa phương tiện tốt, chất lượng cao thì phóng viên cần có tư duy nhanh nhạy trước các sự kiện để đưa ra phương án nhanh nhất có thể áp dụng loại hình báo chí nào để thể hiện vấn đề. Đặc biệt, một phóng viên “đa zi năng” cần tác nghiệp nhanh mọi lúc, mọi nơi, bởi với báo chí hiện nay, yêu cầu thông tin kịp thời là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu. Kỷ niệm nhớ nhất trong những lần tác nghiệp của tôi đó là lần đầu tiên được Ban Biên tập giao làm một phóng sự truyền hình để dự thi liên hoan phim toàn quốc về an toàn giao thông. Mỗi lần kịch bản bị gạch, sửa nhiều, tôi cũng buồn nhưng tự nhủ “mình đang chân ướt chân ráo, nếu không học hỏi chắc chắn sẽ thất bại dù có đam mê, yêu nghề đến đâu”. Vì vậy, sau mỗi lần sửa kịch bản, tôi và hai kỹ thuật viên bắt đầu đi quay. Đến lúc này, cái khó thực sự mới xuất hiện với một phóng viên quen viết báo in như tôi, đó là dẫn hiện trường. Chỉ vài chục giây hình nhưng phải đến hơn chục lần, tôi mới dẫn thành công. Từ đó, tôi bắt đầu làm quen với ống kính và dần trưởng thành hơn sau mỗi lần “lên hình”.

Gần 2 năm qua, Báo Thái Bình đã tiếp tục mở rộng sản xuất nhiều chương trình, chuyên mục mới trên báo điện tử thu hút đông đảo người xem và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều phía. Đội ngũ phóng viên tiếp tục phải học hỏi để làm chủ các kỹ thuật, có khả năng đáp ứng với các chương trình mới. Cùng với làm phóng sự trên truyền hình internet, lần lượt phóng viên tiếp cận với các thể loại mới như tọa đàm, đối thoại, trực tuyến và sản xuất bản tin phát thanh. Người biết chỉ cho người chưa biết, người đi trước hướng dẫn người đi sau, từ chỗ chỉ một vài phóng viên biết quay phim, dẫn hiện trường, lên hình trường quay, dựng hình, đến nay các phóng viên đã thành thạo các kỹ năng này. Cũng chính vì vậy, số lượng phóng sự truyền hình internet được sản xuất tăng, các chương trình tọa đàm, đối thoại được thực hiện thường xuyên, bản tin phát thanh đã đi vào sản xuất hàng ngày.

Hiện nay, trong thời đại bùng nổ thông tin mạng, việc viết bài, chụp ảnh cho báo in chỉ đáp ứng nhu cầu đọc báo của một bộ phận độc giả. Việc phát triển thêm các loại hình trên báo điện tử cùng với sự tương tác chặt chẽ giữa các cơ quan báo chí buộc phóng viên phải thay đổi cách làm việc. Chính vì vậy, mỗi phóng viên đều đang phấn đấu trở thành những phóng viên “đa zi năng” có khả năng đáp ứng với yêu cầu phát triển của Báo Thái Bình.

Đặng Anh