Thứ 5, 28/11/2024, 18:29[GMT+7]

Hỗ trợ nạn nhân bị buôn bán trở về tái hòa nhập cộng đồng

Thứ 2, 01/07/2019 | 09:25:51
3,146 lượt xem
Những năm qua, tại một số địa phương trong tỉnh đã xuất hiện tình trạng phụ nữ bị buôn bán. Nhiều phụ nữ đã may mắn trốn thoát trở về. Để giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, việc chia sẻ, động viên của các tổ chức, đoàn thể và chính quyền địa phương là rất cần thiết.

Chị Phạm Thị Q, xã Minh Khai (Hưng Hà) được người dân địa phương đến thăm hỏi, động viên sau khi trở về.

15 tuổi bị lừa bán sang Trung Quốc, với chị Phạm Thị Q, sinh năm 1975, thôn Hiến Nạp, xã Minh Khai (Hưng Hà) là cả một hành trình đầy tủi nhục, chịu nhiều cực khổ mà chị không bao giờ muốn nhắc tới. Chỉ vì những lời dụ dỗ ngon ngọt của những người lạ mà chị không hề quen biết với nhiều viễn cảnh được vẽ ra: công việc nhàn, lương cao, đi thời gian ngắn rồi về... mà gần 30 năm chị phải xa quê hương, xa người thân mà không nghĩ sẽ có ngày được gặp lại. Theo lời kể của chị: Khi bị bán sang Trung Quốc, bọn buôn người bán chị hết cho người này đến người khác, phải làm vợ của nhiều người, cuộc sống không có lối thoát, hàng ngày phải đi kiếm củi, trồng khoai, trồng sắn trên đồi để kiếm sống, không được nghỉ ngơi, nhiều lần chạy trốn cũng không thoát. May mắn là tháng 5/2017 chị trốn được về địa phương trong niềm vui của gia đình, bạn bè và người dân địa phương.

Em Vũ Thu T, sinh năm 2000, quê xã Thái Thượng (Thái Thụy) là nạn nhân của một vụ mua bán người sang Trung Quốc được Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình giải cứu thành công sau gần 2 tháng lưu lạc nơi xứ người. Theo lời kể của T, em bị bán sang Trung Quốc do chính người bạn thân gài bẫy. T kể: Đầu tháng 11/2017, em có quen một người phụ nữ ở xã Đồng Tiến (Quỳnh Phụ) trên mạng xã hội qua sự giới thiệu của người bạn thân. Sau một thời gian làm quen, ngày 14/11/2017, người phụ nữ hẹn gặp và rủ T lên Hà Nội chơi rồi lừa bán sang Trung Quốc. Gần 2 tháng lưu lạc, bị chuyển hết nơi này đến nơi khác, đến ngày 12/1/2018, được sự giúp đỡ của lực lượng chức năng Trung Quốc, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lạng Sơn và Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình, T đã được trao trả về địa phương và trở lại đi học bình thường.

Chị Q và em T chỉ là 2 trong những trường hợp bị buôn bán trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua may mắn được trở về với gia đình. Theo thống kê, rà soát của Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội), đến nay, toàn tỉnh có 6 người bị buôn bán, tập trung chủ yếu ở hai huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Phần lớn các vụ mua bán người đều do các tổ chức đường dây tội phạm thực hiện, có sự liên kết chặt chẽ giữa các đối tượng trong nước và ngoài nước với nhiều thủ đoạn tinh vi như: hứa hẹn việc làm, môi giới hôn nhân, cho nhận con nuôi... Chúng thường lên mạng làm quen rồi dụ dỗ các bé gái và phụ nữ ở nông thôn có nhu cầu tìm việc làm với mức thu nhập hấp dẫn. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn trốn được về quê như chị Q hay được giải cứu như em T, thậm chí có người phải bỏ mạng nơi xứ người.

Để giúp những phụ nữ và các em gái sớm hòa nhập cộng đồng, chính quyền địa phương và các cấp, các ngành trong tỉnh có nhiều hình thức trợ giúp. Bà Đinh Thị Nương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Minh Khai (Hưng Hà) chia sẻ: Khi chị Q trở về địa phương, tinh thần hoảng loạn, nhìn thấy mọi người chị rất ngại, cấp ủy, chính quyền cùng các đoàn thể trong xã, trong thôn đã đến thăm hỏi, động viên, gần gũi chia sẻ, từ đó chị bớt mặc cảm và thân thiện với mọi người hơn. Trở về quê, không có nhà ở, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Hưng Hà đã hỗ trợ chị 30 triệu đồng cùng nguồn hỗ trợ của xã, của người thân và sự giúp đỡ ngày công của bà con trong xóm giúp chị xây dựng được căn nhà kiên cố. Nhiều tổ chức, cá nhân còn tặng đồ dùng sinh hoạt để chị sớm ổn định cuộc sống. Với T, khi trở về địa phương, em được gia đình, nhà trường và bạn bè động viên, hỗ trợ vật chất và tinh thần để tiếp tục đến trường.

Theo bà Trịnh Thị Tuyết Nhung, Trưởng phòng Phòng, chống mại dâm (Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội), những phụ nữ bị buôn bán trở về hầu hết đều bị tổn thương nặng nề cả thể chất lẫn tinh thần. Sức khỏe giảm sút do bị ép buộc lao động quá sức, bị đánh đập, tra tấn, bị giam giữ, bị bóc lột tình dục. Không chỉ nạn nhân mà ngay cả gia đình, người thân cũng chịu nhiều hậu quả của tội phạm mua bán người. Để các nạn nhân nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán trở về cần được triển khai phù hợp với nguyện vọng và được cấp ủy, chính quyền ủng hộ, giúp nạn nhân ổn định cuộc sống. Hội liên hiệp phụ nữ các cấp là nòng cốt trong việc tìm kiếm, vận động các nguồn lực để hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, trong đó hội phụ nữ cơ sở chính là những người gần gũi, chia sẻ, nắm bắt tình hình đời sống của chị em và là sợi dây kết nối với các cơ sở hỗ trợ khi nạn nhân tiếp tục cần sự trợ giúp, từ đó góp phần hỗ trợ chị em tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Đồng thời, chủ động, tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, vận động các nguồn lực từ các tổ chức trong và ngoài nước để hỗ trợ hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mua bán người cho hội viên, phụ nữ và người dân, hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập cộng đồng.

Nguyễn Cường