Thứ 5, 28/11/2024, 19:42[GMT+7]

Các địa phương, đơn vị tích cực ứng phó với bão số 2

Thứ 4, 03/07/2019 | 14:54:35
1,957 lượt xem
Để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, các địa phương, đơn vị trong tỉnh đang tích cực, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2.

Trạm bơm Sa Lung hoạt động tiêu thoát úng. Ảnh: Minh Nguyệt

* Thành phố:

Sáng ngày 3/7, UBND thành phố Thái Bình họp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2.

Để chủ động ứng phó với bão số 2, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão gây ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, các phòng, đơn vị  thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến của bão; tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức với cấp độ cao trên hệ thống đài truyền thanh từ thành phố đến phường xã, thôn tổ dân phố kết hợp với tuyên truyền lưu động. 

Các đại biểu dự họp. Ảnh: Minh Nguyệt

Khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống bão theo phương châm "4 tại chỗ", trong đó chú trọng bảo đảm tuyệt  đối an toàn  công trình đê  điều, nhất là các trọng điểm đê kè xung yếu. Rà soát nhà yếu trong khu vực dân cư, sơ tán nhân dân ở những nơi không an toàn như nhà tạm, nhà tầng xuống cấp đến nơi an toàn. Chủ động các phương án tiêu úng bảo vệ lúa mùa mới cấy và diện tích cây màu, các khu vực thấp trũng, khu dân cư, đô thị, hạn chế ngập úng xảy ra; tổ chức chằng chống, bảo vệ an toàn các công trình đang thi công; bảo vệ sản xuất trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp, hoàn thành trước 16h ngày 3/7. Sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời triển khai ứng cứu khi có yêu cầu.

Tàu, thuyền của huyện Tiền Hải đã neo đậu an toàn tại bến cá Cửa Lân. Ảnh: Mạnh Thắng

* Tiền Hải

Qua rà soát, huyện Tiền Hải hiện có 568 phương tiện tàu, thuyền với 1.230 lao động đánh bắt thủy hải sản; 928 hộ nuôi ngao, 1.060 chòi canh ngao, 358 nhà yếu với 757 người và 229 hộ dân sống ngoài đê biển… Để chủ động phòng chống cơn bão số 2 huyện Tiền Hải đã chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát tàu thuyền trên địa bàn, kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi tránh trú bão an toàn. Kiểm tra toàn bộ hệ thống đê sông, đê biển, các trọng điểm xung yếu trên hai tuyến đê 5 và 6, hệ thống phai các cống dưới đê. Yêu cầu các xã ven biển tuyên truyền đến các chủ hộ nuôi trồng thủy sản thực hiện nghiêm không để các lao động ở lại trông coi tại các chòi canh ngao, đầm nuôi trồng thủy hải sản trước khi bão gây ảnh hưởng vào khu vực. Xí nghiệp KTCTTL huyện tổ chức khơi thông dòng chảy, giải phóng vật cản, đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu, vùng nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, các ngành, địa phương bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc nhằm đáp ứng nhiệm vụ phòng chống cơn bão số 2. Yêu cầu Đài PTTH huyện, truyền thanh các xã, thị trấn tuyên truyền thường xuyên, kịp thời về hướng đi của cơn bão để nhân dân chủ động có phương án phòng tránh.

Tính đến thời điểm 9 giờ ngày 3/7, toàn bộ số phương tiện tàu thuyền của huyện Tiền Hải đã vào neo đậu, trong đó có 39 phương tiện với 91 lao động đang hoạt động ở tỉnh ngoài đã vào vị trí neo đậu an toàn tại Hải Phòng, Nam Định.

Nhân viên Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Hưng Hà vớt bèo bồng giải phóng dòng chảy. Ảnh: Mai Thư

* Hưng Hà 

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra, huyện Hưng Hà đã ban hành 2 công điện số 04 và 05 - CĐ/BCHPCTT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn huyện khẩn trương kiểm tra, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây lớn, chằng chống cây cối, nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, các lồng, bè, trang trại nuôi trồng thủy sản ở ven sông, chủ động khơi thông dòng chảy, khoanh vùng tiêu úng phòng mưa lớn, gây ngập úng lúa mùa… Kiểm tra các nhà dân, bệnh viện, trường học xung yếu, kiên quyết di chuyển dân đến nơi an toàn, các công việc này phải hoàn thành trước 16giờ ngày 3/7/2019. 

Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để ứng phó với bão theo phương châm “Bốn tại chỗ”. Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Hưng Hà cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị thực hiện ngay phương án bảo vệ công trình đê, kè, cống xung yếu, các công trình đang thi công. Duy trì lực lượng thường trực cứu hộ, cứu nạn. Chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện đóng cửa các cống dưới đê lấy nước, mở cửa các cống tiêu, đồng thời tiêu nước đệm triệt để trên hệ thống sông trục. Huy động lực lượng phối hợp với các địa phương giải phóng dòng chảy, bố trí công nhân thường trực các trạm bơm để sẵn sàng vận hành máy bơm chống úng.  

Điện lực Hưng Hà chủ động kiểm tra hệ thống điện, bảo đảm cấp điện an toàn cho các trạm bơm tiêu trong mọi tình huống. Dừng các cuộc họp và các hoạt động chưa thật cần thiết, tổ chức phân công lực lượng thường trực tại các cơ quan đơn vị để chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác ứng phó với bão số 2. Thường xuyên theo dõi và thông tin về diễn biến cơn bão trên hệ thống thông tin đại chúng để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bão, tránh tình trạng chủ quan lơ là trong công tác ứng phó bão số 2.

Công nhân Trạm bơm Hậu Thượng (Bạch Đằng) kiểm tra hệ thống máy móc để sẵn sàng bơm tiêu úng khi có yêu cầu. Ảnh: Thu Hiền

* Đông Hưng

Sáng ngày 3/7, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đông Hưng tổ chức họp khẩn triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với bão số 2.

Đông Hưng hiện có 982 nhà yếu, 1992 nhân khẩu, 60 hộ với 161 người sinh sống ngoài đê chính cần sơ tán đến nơi an toàn. Toàn huyện đã gieo cấy được 3.500ha lúa mùa, trong đó các vùng dễ bị ngập úng là 474ha. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do bão số 2 gây ra, huyện yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, các đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm các công điện chỉ đạo của ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, huyện. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chỉ đạo các đơn vị liên quan bằng nhiều biện pháp tiêu nước trên các sông trục đề phòng mưa lớn gây ngập úng cho lúa và hoa màu ở các khu thấp trũng. Có phương án di dời dân ở vùng nguy hiểm vào nơi an toàn. Kiểm tra, giám sát, hướng dẫn việc neo đậu của các tàu thuyền bảo đảm an toàn, đúng nơi quy định. Khẩn trương chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc cắt tỉa cành cây lớn, chằng chống nhà cửa, kho tàng, trường học, lồng bè, trang trại nuôi trồng thủy sản ven sông. Triển khai các phương án hộ đê, bảo vệ các công trình đê, kè cống xung yếu, nếu phát hiện thấy công trình nào không bảo đảm an toàn phải chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để xử lý, củng cố ngay. Bố trí lực lượng để hướng dẫn, cảnh báo người dân tại các bến đò ngang. Tăng cường tuyên truyền về cơn bão số 2 để nhân dân biết, chủ động ứng phó kịp thời…

Phương tiện tàu thuyền tại huyện Thái Thụy neo đậu vào khu vực an toàn tránh bão số 2. Ảnh: Trần Tuấn

* Thái Thụy

Huyện Thái Thụy nghiêm cấm tàu thuyền ra khơi từ 8 giờ ngày 3/7, đồng thời đang tiếp tục kêu gọi tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển và sông khẩn trương về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, nhằm tránh bão số 2.

 Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm cứu nạn huyện Thái Thụy, toàn huyện hiện có 576 tàu, thuyền/1.908 lao động khai thác thủy sản. Tính đến 5 giờ sáng ngày 3/7, các đồn biên phòng đóng trên địa bàn huyện đã liên lạc được 100% phương tiện tàu, thuyền về nơi tránh trú bão an toàn. Trong đó số tàu, thuyền đang hoạt động ngoài tỉnh là 56 phương tiện/385 lao động, hoạt động tại ven biển tỉnh Thái Bình là 103 phương tiện/346 lao động, số neo đậu tại các bến 417 phương tiện/1.177 lao động.  

Nhằm chủ động ứng phó với bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm cứu nạn huyện Thái Thụy đã ban hành 3 công điện khẩn chỉ đạo các cấp, ngành huyện thực hiện nghiêm các công điện khẩn của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm cứu nạn tỉnh và huyện. Đồng thời tổ chức họp khẩn giữa Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm cứu nạn huyện với các xã, thị trấn để triển khai thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống bão số 2.

Hiện nay, các địa phương trong huyện đang tích cực tuyên truyền, kêu gọi, di dời toàn bộ số lao động ở các chòi ngao, đầm nuôi trồng thủy sản, các hộ sinh sống ven sông, ven biển, ở các nhà sung yếu và các ngư dân trên tàu, thuyền neo đậu vào nơi an toàn, hoàn thành trước 16 giờ ngày 3/7. Đồng thời, chủ động tiêu thoát nước hệ thống đề phòng mưa lớn gây ngập úng lúa, hoa màu.

* Kiến Xương

Theo báo cáo của UBND huyện, Kiến Xương có 174 tàu thuyền, tất cả các phương tiện đều liên lạc được với gia đình, không có phương tiện nào hoạt động trong vùng nguy hiểm. Toàn huyện có 195 ha nuôi trồng thủy sản, 13 lồng bè trên sông, 1.961 hộ với 6.230 người sinh sống ngoài đê chính, 2.430 hộ với trên 3.925 người sinh sống trong nhà yếu. Đến ngày 2/7, toàn huyện đã gieo cấy 1.200ha lúa mùa, 500ha diện tích cây màu hè, đã gieo 90ha mạ nền cứng và 500ha mạ dược...  

Để ứng phó với bão số 2, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Kiến Xương yêu cầu các cấp, các ngành trong huyện tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo và tổ chức thông tin lưu động khi có tin bão khẩn cấp, tránh tư tưởng chủ quan, bị động khi có sự cố xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng. 

Kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền đang hoạt động trên sông, trên biển khẩn trương về nơi tránh trú an toàn, bố trí, sắp xếp tàu thuyền tại nơi neo đậu, bảo đảm không để vỡ, chìm tàu, không để người ở lại trên tàu. 

Chuẩn bị phương án sơ tán dân tại các khu vực nguy hiểm ven sông, nuôi trồng đánh bắt thủy sản; hướng dẫn người và phương tiện qua lại các bến đò; có phương án chằng chống lồng, bè bảo đảm an toàn cho người và tài sản. Chủ động kiểm tra, rà soát phương án bảo vệ các trọng điểm đê, kè, cống xung yếu, đặc biệt là các công trình đang thi công; công tác chuẩn bị phương tiện, vật tư, nhân lực xử lý ‘‘4 tại chỗ’’; lưu ý những vị trí chống tràn đê cửa sông.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Vũ Thư kiểm tra, đôn đốc các hộ dân nuôi cá lồng trên địa bàn chủ động bảo vệ lồng bè trước cơn bão số 2. Ảnh: Quỳnh Lưu

* Vũ Thư

Toàn huyện Vũ Thư hiện đã gieo cấy được khoảng 6.000 – 6.200 ha lúa mùa, 1.500 ha ao, đầm thả cá, 72 lồng cá trên sông. Huyện Vũ Thư đã chỉ đạo các địa phương bằng mọi biện pháp huy động lực lượng giải tỏa dòng chảy trên các sông trục, sông tiêu. Đến chiều ngày 3/7, cơ bản đã giải tỏa đảm bảo thông thoáng mặt sông; triệt để tiêu nước, đóng các cống tưới, mở các cống tiêu. Huyện chỉ đạo Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện phân công cán bộ kiểm tra máy móc các trạm bơm tiêu úng như Nguyên Tiến Đoài, Cự Lâm, Nguyệt Lãng luôn luôn chủ động ứng trực, sẵn sàng vận hành các trạm bơm này để tiêu rút nước nội đồng khi cần. Các địa phương có vùng chăn nuôi thủy sản, ao đầm, nuôi cá lồng tuyên truyền, vận động, nhắc nhở các hộ dân không chủ quan mà thực hiện khẩn cấp các biện pháp để bảo vệ thủy sản của gia đình. Đối với các công trình đê điều, huyện tổ chức kiểm tra nhân lực, vật tư, trang thiết bị phương tiện bảo đảm xử lý sự cố theo phương châm bốn tại chỗ, kể cả tại các công trình đê điều đang thi công.

Xí nghiệp Khai thác công trình thủy lợi huyện Vũ Thư chỉ đạo cán bộ, công nhân trực sẵn sàng vận hành máy móc để phục vụ công tác tiêu úng. Ảnh: Quỳnh Lưu

Qua khảo sát, huyện Vũ Thư hiện có 12.169 hộ dân với 44.168 khẩu sinh sống ngoài đê; toàn huyện còn 1.232 ngôi nhà yếu, dễ đổ, sập, 2.200 người sống trong các ngôi nhà không bảo đảm. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện và các xã, thị trấn đã huy động các lực lượng, đoàn thể sẵn sàng hỗ trợ người dân di dời khi cần thiết. Huyện nghiêm cấm các đò ngang hoạt động trên sông sau 18 giờ ngày 3/7, thực hiện di dời các hộ làm nghề chài lưới vào bờ tránh trú bão.

* Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh

Theo báo cáo của Bộ CHQS tỉnh, ngay từ sáng ngày 3/7, đơn vị đã có công văn chỉ đạo cho các cơ quan, đơn vị duy trì nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực ban, trực sẵn sàng chiến đấu; đồng thời, duy trì 100% quân số từ chiều ngày 3/7. Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 2, kiểm tra, rà soát các phương án, bổ sung kế hoạch phòng, chống lụt bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện tham gia cơ động, khắc phục, xử lý các tình huống. Phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh tham mưu cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó khi bão số 2 đi vào đất liền.

Ngoài ra, Bộ CHQS tỉnh còn chỉ đạo cơ quan quân sự các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền, thông báo, cảnh báo về thiên tai, nâng cao ý thức tự phòng tránh trong cơ quan, đơn vị. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”, hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn, Bộ CHQS tỉnh còn huy động lực lượng dự bị động viên và dân quân tự vệ và tất cả phương tiện, vật tư kỹ thuật xử lý các tình huống nhằm bảo đảm an toàn tài sản của Nhà nước, quân đội và nhân dân.

Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh giao nhiệm vụ cho lực lượng vũ trang tỉnh tham gia công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ảnh: Thành Đô 

* Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh về việc chủ động thực hiện công tác phòng, chống bão số 2, ngay trong sáng ngày 3/7, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã tổ chức cuộc họp triển khai phương án ứng phó với bão. 

Theo đó, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đồn, hải đội phối hợp chặt chẽ với hai huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải tuyên truyền, kêu gọi ngư dân, tàu thuyền đang hoạt động trên biển vào nơi neo đậu an toàn. Thực hiện nghiêm lệnh cấm biển từ 8 giờ sáng ngày 3/7/2019. Cơ quan Bộ Chỉ huy, các đơn vị cơ sở duy trì trực 100% quân số, sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, vật chất khi có yêu cầu. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh cũng đã phân công các đồng chí lãnh đạo, trưởng, phó các phòng, ban của đơn vị về các đơn vị cơ sở, địa bàn ven biển để trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 2.

Phương tiện của ngư dân Thái Thụy đang neo đậu tại bến cá Vĩnh Trà, thị trấn Diêm Điền. 

Tính đến 16 giờ ngày 3/7, toàn tỉnh đã có 1.213 phương tiện/3.281 vào nơi tránh trú bão an toàn tại các khu neo đậu tàu thuyền trong tỉnh. Số phương tiện của ngư dân Thái Bình neo đậu ở các tỉnh ngoài là 61 phương tiện/341 lao động, còn 5 phương tiện/21 lao động đang vào bờ. Trong đó tất cả đều đã liên lạc được với gia đình và không có phương tiện hoạt động trong vùng nguy hiểm. Ngoài ra, 3.946 lao động/4.034 lao động tại các chòi nuôi trồng thủy sản đã vào bờ an toàn, còn 88 lao động đang vào bờ…

* Công an tỉnh

Phòng Cảnh sát giao thông huy động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện để giải tỏa giao thông đề phòng khi bão vào làm đổ cây cối gây ách tắc giao thông.

Để ứng phó bão số 2, Công an tỉnh đã thành lập trung tâm chỉ huy trực 24/24 giờ, theo dõi cập nhật thường xuyên thông tin về tình hình bão, kịp thời thông báo, cảnh báo, báo động và đề xuất xử lý các tình huống phức tạp các sự cố xảy ra, đồng thời điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp.

Bắt đầu từ chiều ngày 3/7, Công an tỉnh đã trực chiến theo quy định, trong đó huy động lực lượng cảnh sát cơ động với trên 50 cán bộ, chiến sĩ sẵn sàng đợi lệnh lên đường làm nhiệm vụ khi có yêu cầu. Tăng cường quân số cho lực lượng cảnh sát giao thông, các huyện ven biển Thái Thụy và Tiền Hải. 

Phòng Cảnh sát giao thông huy động cán bộ, chiến sĩ và phương tiện như xe cẩu, cưa điện để giải tỏa giao thông đề phòng khi bão vào làm đổ cây cối gây ách tắc giao thông; tăng cường tuần tra liên tục trên các tuyến sông, nghiêm cấm các đò ngang hoạt động trước khi bão vào, cấm tàu thuyền neo đậu tại các cửa sông và khu vực cầu cống. 

Các đơn vị và công an các huyện, thành phố đã bố trí các tổ thường trực tại các điểm xung yếu, bố trí đầu xe gồm chỗ chở quân, xe tải, bán tải phục vụ di dân, xe cứu thương, xe cứu hộ. Tổ chức đủ trang thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn, áo phao, đèn cứu hộ, đèn pin đặc chủng, máy phát điện, nhà bạt cùng cơ số thuốc, lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu phục vụ cho công tác cứu hộ, cứu nạn…

Hiện tại, công an các huyện, thành phố đã bố trí đủ lực lượng, phương tiện, lên phương án cụ thể cho công tác bảo đảm an ninh trật tự, tổ chức di dân tại những vùng nguy hiểm trước khi bão vào bờ.

* Ngành Giao thông Vận tải

Công nhân Công ty Cổ phần Quản lý đường bộ Thái Bình cắt cỏ trên tuyến tránh quốc lộ 10 đoạn qua địa phận xã Minh Quang (Vũ Thư).

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 2, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn ngành Giao thông Vận tải yêu cầu các đơn vị trực thuộc sẵn sàng lực lượng, thiết bị, vật tư phục vụ công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn khi có lệnh điều động.

Các đơn vị quản lý đường bộ tập trung bạt lề, khơi thông cống rãnh để phát huy chức năng thoát nước nhằm chống hư hỏng lề, mặt đường do bị ngập nước. Các doanh nghiệp vận tải được giao nhiệm vụ sẵn sàng phương tiện, nhiên liệu và người điều khiển phương tiện sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của cấp trên.

Đối với các vị trí xung yếu, có khả năng sạt, trượt phải kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền để gia cường, bảo đảm an toàn công trình giao thông. Kiểm tra, chặt tỉa, đốn hạ các cây xanh tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khi có thiên tai xảy ra. Cắm bổ sung cọc tiêu, biển báo hiệu, dự phòng cọc tiêu để cắm cho các đoạn đường bị ngập nước.

Bên cạnh đó, các địa phương phải thường xuyên kiểm tra, yêu cầu chủ hoặc người điều khiển phương tiện thủy tuyệt đối không neo đậu tàu thuyền vào kết cấu cầu và phải có phương án phòng, chống va trôi các phương tiện thủy vào công trình cầu. Các huyện, thành phố, tăng cường kiểm tra các bến phà, bến khách ngang sông. Khi có mưa, bão phải tạm dừng mọi hoạt động của bến khách ngang sông...

* Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnhLãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp yêu cầu các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp chủ động các biện pháp ứng phó với bão số 2. 

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh về việc ứng phó với bão số 2, Ban Quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh đã triển khai ngay các biện pháp phòng, chống bão theo phương châm “4 tại chỗ” tới Trung tâm dịch vụ khu công nghiệp, các công ty kinh doanh hạ tầng, doanh nghiệp trong các khu công nghiệp.

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp bố trí lực lượng ứng trực 24/24h, kịp thời xử lý khi có sự cố xảy ra; chủ động di chuyển tài liệu, tài sản, hàng hóa, các trang thiết bị dễ bị hư hỏng lên các địa điểm không bị ngập lụt và không thấm nước. Thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến bão số 2 trên các phương tiện thông tin đại chúng; tự kiểm tra, rà soát, bổ sung vật tư, thiết bị, phương tiện và chuẩn bị lực lượng để sẵn sàng ứng phó. 

Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh yêu cầu các đơn vị, doanh  nghiệp không chủ quan trước diễn biến phức tạp của bão số 2, khẩn trương kiểm tra, đánh giá tình trạng an toàn của các hạng mục công trình xây dựng như: nhà làm việc, xưởng sản xuất, kho… để có phương án sửa chữa kịp thời hoặc gia cố vững chắc nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng con người và tài sản; đồng thời, tổ chức nạo vét, khơi thông cống, rãnh tránh tình trạng ngập lụt do mưa bão gây ra.

* Công ty Điện lực Thái Bình

Trước diễn biến của cơn bão số 2, Công ty Điện lực Thái Bình đã chủ động chỉ đạo điện lực các huyện, Thành phố tăng cường kiểm tra các đường dây và trạm biến áp; phát quang hành lang tuyến để phát hiện và kịp thời xử lý các khiếm khuyết nhằm ngăn ngừa sự cố khi bão đổ bộ vào đất liền.

Công nhân Công ty Điện lực Thái Bình kiểm tra hệ thống trạm biến áp chủ động phòng chống cơn bão số 2.

Yêu cầu các đơn vị thường xuyên theo dõi sát diễn biến về cơn bão trên các phương tiện thông tin truyền thông. Căn cứ tình hình thực tế của cơn bão số 2 để tổ chức trực phòng chống thiên tai 24/24 giờ; xử lý kịp thời các tình huống, bảo đảm cung cấp điện các đường truyền dẫn. 

Lập phương án cấp điện cho các trạm bơm tiêu úng khi có mưa lớn xảy ra. Chủ động sẵn sàng về vật tư thiết bị dự phòng, phương tiện, nhân lực để chủ động, nhanh chóng khắc phục khi có sự cố về lưới điện, có phương án cấp điện cho các phụ tải quan trọng như: Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cơ quan truyền thông, trạm bơm tiêu úng, bệnh viện….

Nhóm phóng viên

 

                                               


                                                        

  • Từ khóa