Chủ nhật, 24/11/2024, 14:33[GMT+7]

Trung tâm Chữa bệnh - Lao động xã hội Thành phố Thái Bình Nơi mang lại niềm tin cho những mảnh đời lầm lỗi

Thứ 3, 17/04/2012 | 15:50:54
1,210 lượt xem
Trong 6 năm qua, Trung tâm đã đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, giáo dục, chữa bệnh, dạy nghề cho hàng nghìn học viên vì nhiều lý do trót mắc vào “cái chết trắng”, không ít người trong số đó đã từ bỏ được ma tuý trở về cuộc sống đời thường có ích cho gia đình và xã hội.

Giờ học nghề của các học viên tại Trung tâm.

Ngày 27 tháng 12 năm 2005, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định 3893/2005/QĐ thành lập Trung tâm Chữa bệnh - Lao động xã hội thành phố Thái Bình với chức năng, tiếp nhận cai nghiện, phục hồi sức khoẻ, quản lý, giáo dục hành vi nhân cách cho người nghiện ma tuý trên địa bàn Thành phố.

Anh Nguyễn Văn Nam- Giám đốc Trung tâm dẫn chúng tôi đi thăm các xưởng dạy nghề, với trên 300 học viên, đang say sưa lao động, nghe anh tâm sự tôi phần nào hiểu được những khó khăn vất vả mà anh và các đồng nghiệp đã nỗ lực để mang lại niềm tin, nghị lực cho những mảnh đời lầm lỗi. Những ngày đầu mới thành lập, Trung tâm gặp muôn vàn khó khăn: Hệ thống cơ sở hạ tầng tuy đã được xây dựng và đi vào hoạt động, nhưng các điều kiện bảo đảm cho sinh hoạt, công tác, học tập của cán bộ và học viên vẫn còn thiếu thốn. Đội ngũ cán bộ đa số mới được tuyển dụng, tuổi đời còn trẻ, trình độ học vấn không đồng đều, kinh nghiệm chuyên môn hạn chế, môi trường công tác mới mẻ, tính chất công việc hết sức phức tạp, căng thẳng, và nguy hiểm, nhiều cán bộ đã không trụ nổi, xin chuyển công tác. Đứng trước khó khăn đó lãnh đạo, cán bộ Trung tâm đã đoàn kết, ổn định tổ chức vượt qua mọi khó khăn, thách thức, bỡ ngỡ ban đầu, quyết tâm phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thành phố tin tưởng, giao phó.

Sau 6 tháng thành lập, trung tâm vừa tiếp nhận cơ sở vật chất, vừa tuyển dụng cán bộ, tổ chức bộ máy, học tập, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, xây dựng quy chế quản lý và kế hoạch hoạt động. Tập thể cán bộ viên chức trung tâm đã sẵn sàng bắt tay thực hiện nhiệm vụ, bằng cả ý chí và lòng quyết tâm cao. Tháng 06 năm 2006, Trung tâm tiếp nhận 22 học viên tự nguyện đầu tiên trên địa bàn Thành phố điều trị, cắt cơn phục hồi sức khoẻ. Đến tháng 12 năm 2006 đã tiếp nhận và quản lý trên 100 học viên, (tăng gần 5 lần) so với ngày đầu, trong đó có 71 học viên bắt buộc, 30 học viên tự nguyện. Sau 6 năm đi vào hoạt động, Trung tâm đã tiếp nhận 1.950 lượt người nghiện ma tuý. Bình quân hàng năm tiếp nhận từ 270 đến 300 lượt học viên. Trong 6 năm qua đã bàn giao về gia đình và tái hoà nhập cộng đồng 1.575 lượt học viên, không ít người trong số đó đã từ bỏ được ma tuý trở về cuộc sống đời thường có ích cho gia đình và xã hội.

Những thành quả đó là cả một sự nỗ lực của tập thể lãnh đạo cán bộ Trung tâm, họ là những người tiên phong, không ngại nguy hiểm, với một mục đích cao đẹp, “ quyết tâm ngăn chặn đẩy lùi hiểm hoạ ma tuý ra khỏi đời sống xã hội”, nó đang từng ngày, từng giờ huỷ hoại, tàn phá sức khoẻ, tiền bạc, tương lai, đạo đức lối sống của người mắc nghiện và để lại nỗi đau không chỉ của gia đình, người thân mà còn của toàn xã hội. Ma tuý còn là con đường nhanh nhất dẫn đến vi phạm pháp luật, gây mất ANTT xã hội và nguy cơ của đại dịch HIV - AIDS. Qua thống kê, hàng năm ở Trung tâm, trung bình có từ 60 đến 70% học viên mang tiền án, tiền sự; 15 đến 30% bị nhiễm HIV /AIDS và các bệnh truyền nhiễm khác. Phần lớn học viên trước khi vào Trung tâm  mắc nghiện đã lâu, tình trạng sức khoẻ suy kiệt; mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có lối sống tự do buông thả, hành xử với nhau phi văn hoá, phi đạo đức. Tư tưởng, nhận thức không ổn định, thường hay tiêu cực, mặc cảm về quá khứ; suy nghĩ và hành động bột phát như: sẵn sàng huỷ hoại bản thân, bỏ trốn, đe doạ, kích động, lôi kéo các học viên khác gây rối mất ANTT, vi phạm nội quy, quy chế, thậm chí chống đối cán bộ, coi thường kỷ luật, kỷ cương....Đứng trước những khó khăn đó, Chi bộ, Ban giám đốc và đội ngũ cán bộ của Trung tâm luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm, không ngừng nghiên cứu, học hỏi, đúc kết kinh nghiệm, phát huy tính sáng tạo, trí tuệ tập thể để tìm ra những giải pháp hữu hiệu nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, tạo ra môi trường học tập tốt nhất cho học viên.

Chia tay Giám đốc Nguyễn Văn Nam, người đã gắn bó với Trung tâm từ những ngày đầu thành lập, nhìn những chàng trai khoẻ mạnh đang hăng say lao động- học tập, tôi thầm mong, những ngày tháng được chữa bệnh và lao động- học tập ở đây sẽ là động lực cho họ đủ dũng khí từ dã  ma tuý, để làm lại cuộc đời.

Bài, ảnh:  Nguyễn Tùng

  • Từ khóa