Chủ nhật, 24/11/2024, 14:18[GMT+7]

Hội LHPN tỉnh Thái Bình Không ngừng đấu tranh cho quyền bình đẳng giới của chị em

Thứ 5, 19/04/2012 | 16:04:19
1,295 lượt xem
Nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ “Phụ nữ phải tự mình phấn đấu giữ gìn quyền bình đẳng với đàn ông” và cũng chính là để tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền bình đẳng cho hội viên, thời gian qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát thực hiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, trở thành chỗ dựa vững chắc của hội viên trên con đường khẳng định, nâng cao địa vị của mình trong gia đình và xã hội, đóng góp sức và tài xây dựng quê hương,

Phần thi tài năng của gia đình hội viên phụ nữ xã Thụy An (Thái Thụy) tại Hội thi do Ban ATGT tỉnh và Hội LHPN tỉnh phối hợp tổ chức. Ảnh: Hiền Trâm

Phụ nữ thời nay so với thời xưa đã được giải phóng rất nhiều. Ai cũng được học hành, được tham gia công tác xã hội, nhiều chị còn giữ cương vị lãnh đạo trong các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh xuống cơ sở, chấm dứt nỗi khổ, nhục của bao đời: thiếu chữ, không trình độ, suốt đời quanh quẩn từ nhà xuống bếp, từ bếp lên nhà, không bước chân ra khỏi lũy tre làng. Để đạt được điều đó, bên cạnh sự tự nỗ lực phấn đấu của bản thân, sự tạo điều kiện của Đảng, Nhà nước, chị em còn được tổ chức Hội phụ nữ kề vai, sát cánh, cùng đấu tranh để “nam- nữ bình quyền”.

Nhưng muốn được hưởng quyền lợi theo luật định thì chị em phải hiểu rõ về nội dung của luật để có thể theo dõi, giám sát xem việc thực hiện đã đúng chưa, nếu quyền lợi còn chưa thỏa đáng thì tiếp tục đóng góp ý kiến để cấp trên xem xét, bổ sung, sửa đổi luật. Chính vì thế, Hội LHPN tỉnh năm qua đã tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho toàn thể cán bộ, hội viên. Tổ chức cho chị em tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo báo cáo Đại hội Đảng, các văn kiện trình Đại hội đại biểu phụ nữ các cấp, Đề án xây dựng nông thôn mới của tỉnh, Đề án và chương trình đào tạo nghề cho phụ nữ nông thôn giai đoạn 2010- 2015, dự thảo Luật Lao động, Luật tố cáo, khiếu nại… Đóng góp ý kiến xây dựng các chương trình phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, đề xuất những chính sách liên quan đến hoạt động của Hội.

Triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền nội dung Nghị quyết Đại hội Đảng, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp tới cán bộ, hội viên. Góp phần vào thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011- 2016 và cũng là để tìm ra những nữ đại biểu đủ đức, tài đại diện cho ý chí, nguyện vọng của chị em, Tỉnh Hội mở lớp tập huấn, cung cấp tài liệu và đẩy mạnh tuyên truyền cho cuộc bầu cử trong hệ thống Hội từ tỉnh xuống cơ sở. Với mục đích là giúp 654 nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND, Tỉnh Hội đã mở lớp tập huấn trang bị kiến thức cơ bản về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của người đại biểu, xây dựng chương trình hành động, kỹ năng tiếp xúc, vận động bầu cử… 98,5% cử tri nữ đi bầu cử, hoàn tất ngay trong buổi sáng. Có 2 người trúng cử đại biểu Quốc hội, 1.443 người trúng cử đại biểu HĐND các cấp là nữ.

Hiện nay, tình trạng bạo lực trong gia đình, mà phụ nữ thường là người bị bạo hành đang có chiều hướng gia tăng; nhiều vấn đề liên quan đến pháp luật, chị em không rõ nên phải chịu thiệt thòi. Chị em rất cần sự giúp đỡ, vào cuộc, đặc biệt là mong được tư vấn về chính sách, pháp luật để quyền lợi của mình và các con được bảo đảm. Với vai trò là tổ chức bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của hội viên, đáp lại niềm mong mỏi và cũng là để chị em có điểm tựa vững chắc, trong năm 2011, các cấp Hội phụ nữ đã phối hợp chặt chẽ với ngành Tư pháp, các ngành trong khối nội chính làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, triển khai mạng lưới tư vấn, trợ giúp pháp lý cho chị em, chú trọng đến phụ nữ nghèo, phụ nữ vùng sâu, vùng xa. Đã tổ chức được 76 đợt trợ giúp pháp lý cho gần 10.000 lượt chị em, trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cho trên 350 đối tượng có nhu cầu. Các Luật: Hôn nhân gia đình, Bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em… cũng được tập huấn thường xuyên. Bên cạnh đó, Hội phụ nữ phối hợp với MTTQ các cấp tham gia giám sát việc tiếp xúc cử tri của ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, kiểm tra thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, khám, chữa bệnh trong các chiến dịch Dân số- KHHGĐ.

Để hoạt động giám sát thực hiện luật pháp, chính sách có hiệu quả, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của phụ nữ và trẻ em khi tham gia tố tụng, các cấp hội đã chọn cử 102 chị em tham gia Hội thẩm tòa án nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2011- 2016; phối hợp tăng cường giám sát, thẩm tra, xác minh giải quyết 56 đơn thư, khiếu nại  và hòa giải thành 1.041/1.162 vụ mâu thuẫn, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương, xây dựng khu dân cư văn hóa. 

Trung Hiếu
 

 

 


  • Từ khóa