Chủ nhật, 24/11/2024, 14:41[GMT+7]

Kỷ niệm Ngày quốc tế Chữ thập đỏ 8/5 Hoạt động nhân đạo, từ thiện ở vùng quê biển

Thứ 5, 03/05/2012 | 08:43:22
1,240 lượt xem
Hơn 2 tỷ đồng là tổng số tiền mà Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Thái Thụy đã vận động, quyên góp được trong giai đoạn 2006 – 2011 để phục vụ cho công tác cứu trợ xã hội. Từ nguồn kinh phí này, 25.653 lượt người nghèo, gia đình chính sách khó khăn, học sinh nghèo, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam… đã được hỗ trợ, giúp đỡ, làm vơi bớt khó khăn, tăng thêm niềm vui trong cuộc sống.

Cán bộ, hội viên, người tình nguyện CTĐ giúp nông dân Thái Thụy thu hoạch lúa tránh cơn bão số 5 năm 2011

Xác định công tác cứu trợ xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, Ban Chấp hành Hội CTĐ Thái Thụy (khóa V) đã ban hành một nghị quyết chuyên đề về công tác này nhằm phát huy mạnh mẽ truyền thống “Tương thân, tương ái” của dân tộc trong các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân. Qua đây không chỉ huy động được sức mạnh tổng hợp cho hoạt động nhân đạo, từ thiện mà còn góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân.

Từ năm 2006 đến năm 2011, Hội CTĐ Thái Thụy là nhà tài trợ chính với số tiền hơn 300 triệu đồng cùng với các nguồn kinh phí hỗ trợ khác đã xây dựng được 23 ngôi nhà CTĐ khang trang cho các gia đình chính sách, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đó là chưa kể đến số tiền 270 triệu đồng từ Quỹ Nhân đạo mà Hội đã chuyển sang Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện góp phần cùng cán bộ và nhân dân trong huyện xóa hơn chục ngôi nhà dột nát. Ngoài ra, Hội còn trích quỹ 250 triệu đồng giúp đỡ hơn 1.600 gia đình chính sách, nạn nhân chất độc da cam, giúp đỡ học sinh nghèo vươn lên trong học tập. So với giai đoạn trước đó, toàn huyện đã tăng hơn 2.500 lượt người được cứu trợ.

Truyền thống “Tương thân, tương ái” của người Thái Thụy còn được chứng minh qua các đợt vận động, quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước và nhân dân một số nước trên thế giới bị thiên tai, bão lụt. Thông qua hoạt động này, người dân quê biển có dịp thể hiện nghĩa cử cao đẹp, tình đoàn kết, tinh thần quốc tế cao cả.

Là địa phương ven biển, Thái Thụy phải thường xuyên đối diện với những nguy cơ và hậu quả mà thiên tai, bão lụt có thể gây ra. Những năm qua, hoạt động phòng ngừa thảm họa đã được các cấp hội CTĐ trong huyện thường xuyên quan tâm, đi vào chiều sâu, đạt kết quả tích cực. Trên cơ sở kết hợp ba khâu: phòng ngừa, ứng phó và phục hồi sau thiên tai, Hội đã kiện toàn 158 đội thanh niên xung kích CTĐ; đồng thời phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật sơ cấp cứu trước mùa mưa bão; duy trì việc chăm sóc, bảo vệ 3.305 ha rừng ngập mặn đã trồng trong giai đoạn 1994 – 2005 và 200 ha cây bần trồng năm 2008 tại 5 xã ven biển. Những cánh rừng ngập mặn ven biển Thái Thụy phát triển xanh tốt tạo thành bức tường xanh vững chắc, chắn sóng, chắn gió, che chở, bảo vệ cho toàn bộ tuyến đê biển dài 26,5 km của huyện, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn góp phần cải tạo môi trường sinh thái, mở rộng đất liền ra biển, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm người dân các xã ven biển và khu vực lân cận.

Đóng góp vào những khởi sắc của phong trào CTĐ ở Thái Thụy thời gian qua là đội ngũ 35.000 hội viên và trên 40.000 thanh thiếu niên CTĐ. Không chỉ chăm lo phát triển hội viên (5 năm tăng thêm 4.500 người), Hội CTĐ Thái Thụy còn chú ý xây dựng, củng cố tổ chức hội ở cơ sở theo địa bàn dân cư đi đôi với nâng cao chất lượng hoạt động. Đến cuối năm 2011, huyện đã kiện toàn được 270/270 chi hội CTĐ ở các thôn, khu dân cư, 153/153 hội CTĐ các xã, thị trấn, trường học. Qua bình xét có khoảng 50% tổ chức hội đạt danh hiệu tiên tiến và tiên tiến xuất sắc.

Để chủ động về tài chính cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện, Hội CTĐ Thái Thụy luôn chú ý xây dựng quỹ bằng nhiều cách như huy động toàn thể cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên, người tình nguyện CTĐ, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân cùng tham gia đóng góp, ủng hộ. Nhờ đó đến nay 98% hội CTĐ xã, thị trấn, trường học trên địa bàn huyện có quỹ nhân đạo, trong đó cơ sở có số dư quỹ cao nhất lên đến 70 triệu đồng. Quỹ của huyện Hội có số dư trên 1 tỷ đồng. Công tác quản lý, sử dụng quỹ được coi trọng bảo đảm đúng nguyên tắc, đúng đối tượng quy định. Nguồn kinh phí từ quỹ giúp hoạt động hội mang ý nghĩa thiết thực hơn, giúp đỡ kịp thời những trường hợp khó khăn, hoạn nạn. Đó cũng chính là mục tiêu mà những người làm công tác CTĐ ở Thái Thụy hướng tới, góp phần nhỏ bé xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn.

Bài, ảnh: Minh Sơn

  • Từ khóa