Thứ 6, 29/11/2024, 05:30[GMT+7]

Phòng, chống xâm hại trẻ em: Cộng đồng cùng lên tiếng

Thứ 4, 25/09/2019 | 09:08:56
1,915 lượt xem
Vài năm trở lại đây, tình trạng trẻ em bị xâm hại trên địa bàn tỉnh có chiều hướng gia tăng, mỗi năm xảy ra từ 8 - 10 vụ trẻ em bị xâm hại, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, cuộc sống của trẻ và gia đình có trẻ bị xâm hại. Vì vậy, nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em là một trong những việc cần quan tâm thực hiện.

Phát tờ rơi cung cấp kiến thức phòng, chống tệ nạn xã hội cho học sinh Trường THPT Nguyễn Trãi.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2011 - 2014, trên địa bàn tỉnh có 58 trẻ em bị xâm hại (41 trẻ bị xâm hại tình dục, 17 trẻ bị bạo lực). Giai đoạn từ năm 2015 đến tháng 6/2019 có 74 trẻ bị xâm hại ( 52 trẻ bị xâm hại tình dục, 21 trẻ bị bạo lực, 1 trẻ bị mua bán). Hầu hết trẻ em bị xâm hại tình dục đều là nữ và ở độ tuổi chủ yếu từ 13 - 16. 

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số vụ xâm hại trẻ em, trong đó công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em mặc dù đã triển khai nhưng hiệu quả chưa cao. Trẻ em chưa được hướng dẫn đầy đủ những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại tình dục đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti nên không dám chia sẻ, không dám tố giác kẻ phạm tội. Cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ và đôi khi vì e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác kẻ phạm tội. Việc cha mẹ sao nhãng, bỏ mặc con cái ở một số gia đình cũng góp phần làm nảy sinh hành vi xâm hại tình dục đối với trẻ em. Một số gia đình có hoàn cảnh kinh tế khó khăn; cha mẹ ly hôn, ly thân; cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật... cũng là nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em bỏ học, lang thang kiếm sống và bị bạo lực, xâm hại. Chưa kể, sự xuất hiện của những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng internet, phim ảnh có tính chất bạo lực, khiêu dâm cũng góp phần làm tăng các nguy cơ trẻ bị xâm hại. Ngoài ra, sự hạn chế về số lượng cán bộ và mạng lưới cộng tác viên làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục gia tăng.

Những năm qua, việc đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống xâm hại trẻ em được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm thông qua các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng như các biện pháp phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em cho mọi tầng lớp nhân dân. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đều phối hợp với các địa phương, các trường học tổ chức tập huấn công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em và phòng, chống xâm hại trẻ em. Trong 5 năm (2015 - 2019), các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã tổ chức 240 chiến dịch truyền thông về công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em; in ấn, treo trên 10.000 pa nô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu, biển báo; in và phát trên 738.000 tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp về phòng, chống bạo lực gia đình. Từ đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân trong công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. 

Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em cũng được các sở, ban, ngành và các địa phương coi trọng. Từ năm 2015 đến tháng 6/2019, toàn tỉnh đã tổ chức 110 lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng thực hiện Luật Trẻ em; công tác phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước, xâm hại, bạo lực trẻ em; nâng cao hiệu quả các hoạt động hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại, bạo lực cho trên 37.300 lượt cán bộ làm công tác trẻ em của các cấp, các ngành. 

Công tác xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh thông qua việc triển khai các mô hình, các phong trào được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia như: mô hình “Ngôi nhà an toàn”, “Phòng ngừa trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục”, phong trào “Toàn dân tham gia tố giác tội phạm”... đã góp phần hỗ trợ công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. Nhiều vụ việc trẻ em bị xâm hại được thông tin, tố giác kịp thời, điều đó cho thấy nhận thức của nhân dân về vấn đề xâm hại trẻ em đã được nâng lên, người dân nhận diện được các hành vi xâm hại trẻ em, dám lên tiếng, dám tố cáo hành vi này. Theo số liệu tổng hợp của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 đến tháng 6/2019, các cơ quan chức năng đã khởi tố 73 vụ xâm hại trẻ em, các đối tượng xâm hại trẻ em đều bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Để tăng cường phòng ngừa và giảm thiểu tình trạng trẻ em bị xâm hại, theo ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, thời gian tới, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em qua đó nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các địa phương; đồng thời, tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng và bản thân trẻ em trong việc chủ động phòng ngừa các hành vi xâm hại trẻ em. Ngành cũng triển khai mạnh mẽ chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016 - 2020; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật liên quan đến công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn tỉnh để công tác phòng, chống xâm hại trẻ em đạt hiệu quả cao hơn.

Nguyễn Cường 

  • Từ khóa