Chủ nhật, 24/11/2024, 11:41[GMT+7]

Hết lòng với thương bệnh binh nặng

Thứ 6, 15/06/2012 | 08:54:14
1,170 lượt xem
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công (Sở Lao động – TBXH) cũng đều xác định và luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công, chăm sóc và giữ ổn định sức khỏe, giúp các thương bệnh binh nặng xoa dịu nỗi đau chiến tranh.

Đoàn công tác của Công đoàn Tập đoàn Bảo Việt thăm, tặng quà các thương bệnh binh tại Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công.

Thành lập năm 1970 với nhiệm vụ chính là tổ chức nuôi dưỡng, điều dưỡng tập trung, thực hiện chế độ, chính sách cho các đồng chí thương bệnh binh nặng (sau này bổ sung thêm nhiệm vụ sản xuất, sửa chữa chân tay giả, dụng cụ chỉnh hình và các phương tiện trợ giúp các cho thương bệnh binh và các đối tượng xã hội khác), hơn 40 năm qua Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công (Sở Lao động – TBXH) đã góp phần cùng ngành Lao động – TBXH thực hiện tốt các chế độ, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước giành cho những người đã cống hiến, hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, các thế hệ cán bộ, công nhân viên của Trung tâm cũng đều xác định và luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được phân công, chăm sóc và giữ ổn định sức khỏe, giúp các thương bệnh binh nặng xoa dịu nỗi đau chiến tranh.

Quả thực, có đến với Trung tâm mới hiểu hết những mất mát, hy sinh mà các đồng chí thương bệnh binh nặng đã phải trải qua. Trong số 29 thương bệnh binh mà đơn vị nuôi dưỡng, có 25 người là thương binh hạng 1/4, 4 người là bệnh binh hạng 1/3, 22 thương binh hạng đặc biệt, 15 người phải sử dụng xe lăn làm phương tiện đi lại trong sinh hoạt hàng ngày. Thương bệnh binh tuổi đời ngày càng cao, thương tật nặng, bệnh cũ và bệnh mới tái phát, phát sinh nhiều; có người bị bị liệt tủy cột sống, phải nằm bất động một chỗ và điều trị dài ngày trên giường bệnh, mọi sinh hoạt hàng ngày đều do hộ lý của Trung tâm chịu trách nhiệm phục vụ. Không cần nói thêm thì hẳn ai cũng hiểu công việc của cán bộ, nhân viên nơi đây khó khăn, vất vả thế nào – nhất là khi vết thương của các thương bệnh binh tái phát, phải nhập viện, điều trị dài ngày. Khi ấy, việc cán bộ của Trung tâm đi theo phục vụ đối tượng của mình cả tháng trời tại các bệnh viện là chuyện bình thường.

Thậm chí có đợt thương binh điều trị 8 tháng liền tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Trung tâm đã cắt cử, động viên cán bộ khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Giám đốc Trung tâm Bùi Đình Tư kể rằng, mỗi khi như vậy, các cán bộ được phân công đi theo phục vụ đối tượng phải “sống chung” với cảnh, ngày thì “cơm hàng, cháo chợ”, đêm thì tìm chỗ ngả lưng ngoài hiên bệnh viện… Mà như thế đâu đã phải hết khó khăn, với chế độ công tác phí hiện nay thì ngoài việc phục vụ họ còn phải suy nghĩ, tính toán làm sao để chi tiêu hợp lý bảo đảm cho “một chuyến công tác dài ngày trong bệnh viện”.

Dù tính chất công việc đặc thù, nhiều khó khăn, vất vả như vậy song nhiều năm qua Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công vẫn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Bí quyết” nằm ở nhân tố con người. Đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm phần lớn là bộ đội, từng công tác ở lĩnh vực quân y, chuyển ngành, không chỉ giàu kinh nghiệm chuyên môn mà còn có tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Các anh, các chị đều phục vụ đối tượng của mình như những người đồng chí, đồng đội, hiểu, cảm thông và chia sẻ với những vết thương mà các thương bệnh binh đang phải gánh chịu.

Sau này, khi thế hệ cán bộ cũ nghỉ hưu, đơn vị tuyển dụng được một lớp cán bộ mới là con, cháu các đồng chí thương bệnh binh đang ở tại Trung tâm. Đây là yếu tố giúp đội ngũ cán bộ trẻ hòa nhập nhanh hơn với nhiệm vụ. Một điểm mạnh nữa của đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Nuôi dưỡng và phục hồi chức năng người có công, đó là bản tính cần mẫn, không quản ngại khó khăn, vất vả. Cộng với quá trình gắn bó lâu năm với các thương bệnh binh, hiểu rõ bệnh tật, loại thuốc thường dùng, tính tình của từng người đã giúp anh chị em thực hiện tốt công việc được giao: kiên trì điều trị những vết thương lâu ngày, công khai, minh bạch mọi tiêu chuẩn, chế độ của thương bệnh binh, cấp phát thuốc, tổ chức tiêm bảo đảm an toàn, xử lý cấp cứu, chuyển viện kịp thời những trường hợp ốm đau, bệnh tái phát… Nhờ đó, sức khỏe của các thương bệnh binh ở Trung tâm tương đối ổn định.

Năm 2011, với việc chuyển về vị trí mới (xã Minh Quang, huyện Vũ Thư) đã ghi dấu thêm một bước phát triển trong quá trình xây dựng và hoạt động của Trung tâm. Thay cho những dãy nhà cũ kỹ là một cơ ngơi khang trang, sạch đẹp, được thiết kế phù hợp với đầy đủ trang thiết bị đã giúp cho cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày của các thương bệnh binh thuận lợi hơn rất nhiều. Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước giành cho những người đã không tiếc máu xương, chiến đấu vì nền độc lập, tự do của dân tộc, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm sẽ tiếp tục gắn bó với công việc của mình, hết lòng với các thương bệnh binh, giúp họ ổn định về sức khỏe, yên tâm trong cuộc sống.

Bài, ảnh: Minh Sơn

 

  • Từ khóa