Thứ 7, 30/11/2024, 00:49[GMT+7]

Ngành Y tế Thái Bình với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Thứ 2, 24/02/2020 | 09:49:37
4,071 lượt xem
Chủ động tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là giải pháp được các ngành, đơn vị lựa chọn, trong đó có ngành Y tế. Với nhiệm vụ cao cả là chăm sóc sức khỏe nhân dân, đội ngũ cán bộ, y bác sĩ trong tỉnh đã tích cực nghiên cứu, sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động chuyên môn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Hồi sức cho bệnh nhân sinh non tại Bệnh viện Nhi Thái Bình.

Nhiều nghiên cứu mới, sáng tạo có hiệu quả thực tiễn cao

Song hành cùng công tác giảng dạy, khám chữa bệnh, nghiên cứu khoa học kỹ thuật là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Trường Đại học Y Dược Thái Bình thực hiện hiệu quả nhiều năm qua. Nhiều đề tài nghiên cứu, sáng tạo của cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường đã đạt giải cao tại các hội thi, cuộc thi sáng tạo khoa khọc kỹ thuật cấp tỉnh, cấp bộ. Năm 2019, Trường đã thực hiện 5 đề tài cấp tỉnh, 67 đề tài cấp cơ sở, 2 sáng kiến cải tiến kỹ thuật, 3 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học; đã có 5 đề tài đạt giải tại hội thi sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật Thái Bình lần thứ VIII, trong đó đề tài nghiên cứu chế tạo dung dịch nano bạc - chitosan dùng gắn lên sợi vải định hướng ứng dụng sản xuất sản phẩm vô trùng trong lĩnh vực y tế của tác giả Nguyễn Tiến An đạt giải nhất; đề tài nghiên cứu cải tiến kỹ thuật nạo VA sử dụng hệ thống cắt hút tại Bệnh viện Đại học Y Thái Bình đạt giải ba và 3 đề tài đạt giải khuyến khích. Bên cạnh đó, Trường còn có đề tài đạt giải khuyến khích giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc.

PGS, TS Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng Quản lý khoa học, Trường Đại học Y Dược Thái Bình cho biết: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, nhà trường luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho cán bộ, giảng viên, sinh viên thực hiện đề tài đồng thời tổ chức các lớp tập huấn, mời nói chuyện chuyên đề về phương pháp nghiên cứu khoa học cho cán bộ trẻ và sinh viên. Lấy nghiên cứu khoa học là một trong những yếu tố bắt buộc để đánh giá thi đua, bình xét hàng năm. Ngoài ra, Trường còn thành lập ban cố vấn để giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên thực hiện các đề tài nghiên cứu sao cho đạt hiệu quả cao nhất và khuyến khích cán bộ gửi bài cho các tờ báo quốc tế. Hiện nay Trường đang triển khai 2 đề tài thử nghiệm lâm sàng cấp bộ, 22 đề tài cấp cơ sở và 7 đề tài sinh viên nghiên cứu khoa học. Chuẩn bị cho hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ ngành Y tế lần thứ XX diễn ra tại Hà Nội vào tháng 6/2020, Trường Đại học Y Dược Thái Bình đã lựa chọn 7 đề tài có giá trị thực tiễn, giá trị khoa học và tính sáng tạo để đăng ký tham gia.

Không riêng Trường Đại học Y Dược Thái Bình, năm 2019, toàn ngành Y tế có 418 đề tài đăng ký đề tài khoa học cấp cơ sở; 40 đề tài, sáng kiến dự thi hội thi sáng tạo khoa học, công nghệ và kỹ thuật Thái Bình lần thứ VIII và có 14 đề tài, sáng kiến đạt giải.

Chủ động ứng dụng kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh

Năm 2019, với sự trợ giúp của các trang thiết bị công nghệ hiện đại, nhiều kỹ thuật mới đã được ứng dụng vào chẩn đoán và điều trị, góp phần nâng cao chất lượng khám, điều trị tại các bệnh viện trong tỉnh, giảm số bệnh nhân phải chuyển lên tuyến trên.

Là một trong những đơn vị tích cực ứng dụng, triển khai nhiều kỹ thuật mới, dưới sự chuyển giao và giám sát của Bệnh viện Nhi Trung ương, năm 2019, Bệnh viện Nhi Thái Bình đã triển khai, ứng dụng, phát triển 25 kỹ thuật lâm sàng và 38 kỹ thuật cận lâm sàng mới tại các khoa như: hồi sức tim mạch, hồi sức ngoại, hồi sức sơ sinh, thở máy, bơm sunrfactance, đặt ống thông khí hòm tai, nạo VA/cắt amidan bằng coblator, phẫu thuật nội soi một trocar hỗ trợ cắt ruột thừa qua rốn ở trẻ em... Ở các phòng của Bệnh viện, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, xây dựng phần mềm báo cáo sự cố y khoa, khảo sát sự hài lòng của người bệnh cũng được thực hiện hiệu quả. 

Bác sĩ chuyên khoa I Hoàng Tiến Thành, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi Thái Bình cho biết: Năm 2019, trong các phương pháp, kỹ thuật mới được triển khai tại Bệnh viện có kỹ thuật hồi sức tim mạch. Đây là kỹ thuật được phát triển từ lĩnh vực hồi sức cấp cứu điều trị bệnh nhân. Nếu trước kia chỉ là hồi sức chung thì nay việc hồi sức được chia theo nhóm bệnh nhân. Từ khi triển khai, Bệnh viện đã tiến hành hồi sức tim mạch cho hơn 30 bệnh nhân, trong đó tiến hành hồi sức tim mạch thành công cho nhiều bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh phức tạp thông qua việc thở máy, sử dụng thuốc tim mạch và các ca can thiệp như: đặt tĩnh mạch trung tâm, theo dõi... Các trang thiết bị sử dụng hỗ trợ điều trị rất hiện đại như: máy thở, máy siêu âm tim, moniter. Sau điều trị, sức khỏe nhiều bệnh nhân ổn định, không phải chuyển lên tuyến trên.

Cùng với Bệnh viện Nhi Thái Bình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật cao như: phẫu thuật tim hở (thay van 2 lá), can thiệp mạch chi, can thiệp tim mạch nâng cao, phẫu thuật điều trị lõm ngực bẩm sinh, triển khai thường quy kỹ thuật xạ trị điều trị ung thư... Tại tuyến huyện, nhiều kỹ thuật cao của tuyến tỉnh cũng đã được các bệnh viện triển khai, đưa vào chăm sóc, điều trị đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ, từng bước nâng tầm cho y tế cơ sở.

Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật mới trong khám, điều trị là hướng đi đúng của các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện được điều này, ngoài việc đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, các đơn vị, cơ sở khám chữa bệnh sẽ quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ bởi đó là những người làm chủ công nghệ, đưa công nghệ vào phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Hoàng Lanh