Chủ nhật, 24/11/2024, 09:54[GMT+7]

Mục tiêu tăng trưởng kinh tế 12,2% năm 2012 của Thái Thụy Trực diện nhiều thách thức

Thứ 6, 06/07/2012 | 15:01:45
1,287 lượt xem
Thời gian qua, Thái Thụy phát triển kinh tế trong điều kiện khó khăn do chính sách thắt chặt tiền tệ, giảm chi tiêu, đầu tư công, lãi suất ngân hàng và giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng cao, nhiều vụ việc phức tạp phát sinh trên địa bàn. Tổng giá trị sản xuất 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 1.660,26 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2011. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 là 12,2%, chặng đường phía trước với Thái Thụy sẽ còn nhiều thách thức.

Nghề may ở Thái Thụy phát triển sôi động trong 2 năm (2010 - 2011) nhưng từ đầu năm đến nay cũng gặp nhiều khó khăn.

Đối với ngành nông - lâm - ngư nghiệp, tổng giá trị sản xuất ước đạt 605 tỷ đồng, đạt 51,71% kế hoạch, tăng 6,46%. Năm nay, lúa xuân được mùa lớn, năng suất bình quân khoảng 72 tạ/ha, diện tích cây màu-cây vụ đông gieo trồng đạt 6.896 ha, tăng 423 ha so với năm 2011. Tuy nhiên, chăn nuôi phát triển chưa thực sự bền vững, có dấu hiệu chững lại. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm xuất chuồng tăng 2,94%, sản lượng trứng tăng 10,62% so với cùng kỳ. Song, từ đầu năm đến nay giá bán các sản phẩm này liên tục giảm khiến nhiều chủ gia trại, trang trại chăn nuôi không có lãi, thậm chí thua lỗ. Một số hộ tạm thời để trống chuồng không tái đàn, tổng đàn gia súc, gia cầm hiện có trên địa bàn 138.0840 con, đạt 79,1% so với kế hoạch đặt ra.

Năm nay, Thái Thụy đưa vào nuôi thả 3.216,5 ha thủy sản, sản lượng thu hoạch 6 tháng đầu năm ước đạt 8.414 tấn, cho giá trị khoảng 78,937 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2011. Huyện đã triển khai đề án phát triển nuôi ngao, hoàn thành cắm mốc phân định ranh giới tạm thời khu vực bãi triều các xã ven biển, công bố quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết 5 tiểu vùng nuôi với diện tích 1.520 ha (giai đoạn 2011-2015). Nhưng hiện nay tại khu vực bãi triều thuộc địa phận xã Thái Thượng, Thái Đô, một số người dân tự ý ra chiếm đất, cắm vây nuôi ngao trái phép với diện tích khoảng 900 ha lấn hết cả lối ra vào, khu vực khai thác tự nhiên, khu vực bảo vệ rừng ngập mặn gây mất ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn. Mặc dù tỉnh, huyện và các địa phương đã vào cuộc tích cực chỉ đạo ổn định tình hình nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Vì vậy đến nay, Thái Thụy mới tổ chức đấu giá và giao đất nuôi ngao tại tiểu vùng 1.1, xã Thụy Trường với diện tích 323,28 ha. Khai thác hải sản trên địa bàn những tháng đầu năm dù sản lượng tăng 9,5% so với cùng kỳ nhưng ngư dân cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn. Hầu hết các tàu thuyền đều đã xuống cấp, không có kinh phí đầu tư sửa chữa, cộng thêm giá xăng dầu luôn ở mức cao, nguồn lợi hải sản giảm dần, nhiều chuyến ra khơi nguồn thu không đủ chi phí nên lượng cá tôm khai thác không đủ cung cấp nhu cầu các cơ sở chế biến hải sản.

Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư, các cơ sở sản xuất trên địa bàn, nhất là ở khu vực cảng cá Tân Sơn đang có những diễn biến phức tạp, chưa có biện pháp khắc phục, xử lý kịp thời. Từ tháng 8/2011 đến nay, lấy lý do Nhà máy bột cá Thụy Hải sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số người dân ở làng Quang Lang (Thụy Hải) đã lấp cổng buộc nhà máy phải ngừng hoạt động, không chỉ khiến công nhân nghỉ việc mà nhiều tàu thuyền với khoảng 800 ngư dân khai thác cá vụn, làm dịch vụ phụ trợ không bán được sản phẩm lâm vào cảnh thiếu việc làm, đời sống gặp nhiều khó khăn. Công tác quản lý đất đai ở một số địa phương chưa chặt chẽ, hiện tượng làm lấn, làm trái, sử dụng đất đai không đúng mục đích có chiều hướng gia tăng.

Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) của Thái Thụy 6 tháng đầu năm nay ước đạt 451 tỷ đồng, đạt 47,34% kế hoạch, giảm 4% so với cùng kỳ. Sau biến động thị trường thời gian trước, đến nay mới có nghề mây tre đan, móc sợi, mộc… phát triển ổn định trở lại, còn lại một số ngành phát triển rất khó khăn. Toàn huyện có 7 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận nhưng nay suy giảm hoặc ngừng hoạt động. Ngành đóng tàu là ngành công nghiệp tạo giá trị sản xuất cao nhưng từ đầu năm đến nay, 2 đơn vị đóng tàu trên địa bàn không triển khai đóng mới mà chỉ hoàn thành 30% tàu đóng dở dang từ năm 2011 và tập trung sử chữa nhỏ, đây cũng là yếu tố cơ bản làm giảm mạnh giá trị sản xuất công nghiệp của huyện. Ngành vận tải biển trước đây có hơn 200 doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá khắp trong và ngoài nước, nay chỉ còn gần 100 doanh nghiệp hoạt động cầm chừng.

May mặc cũng chịu ảnh hưởng của những khó khăn chung, từ 42 doanh nghiệp hoạt động sôi động năm 2011 nay giảm xuống còn 25 doanh nghiệp. Huyện đã quy hoạch, đầu tư xây dựng một số cụm công nghiệp nhưng chưa thu hút được nhiều dự án đầu tư. Còn đối với ngành thương mại - dịch vụ, tổng giá trị ước đạt 478 tỷ đồng, tăng 15,18% so với cùng kỳ năm 2011. Toàn huyện hiện có 40 doanh nghiệp và trên 4.200 hộ kinh doanh cá thể, 32 chợ nông thôn tham gia hoạt động thương mại dịch vụ đã giải quyết đầu ra một lượng lớn sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển. Các ngân hàng và quỹ tín dụng nhân dân trên địa bàn huyện hoạt động ổn định, cơ bản đáp ứng được nhu cầu vay vốn sản xuất - kinh doanh của các tổ chức, cá nhân. Công tác quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản được quan tâm, chỉ đạo, tổng giá trị ước đạt 126,2 tỷ đồng, tăng 0,96%. Tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án còn gặp nhiều khó khăn như cầu Diêm Điền, đường 39B, một số công trình đê biển…

Phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm trong điều kiện nhiều khó khăn như vậy, nhiệm vụ đặt ra đối với chặng đường còn lại của Thái Thụy sẽ rất nặng nề. Sau khi phân tích rõ nhưng nguyên nhân, tồn tại và hạn chế, trước mắt huyện sẽ tập trung ổn định tình hình, giải quyết dứt điểm các vụ việc: lấn chiếm đất bãi triều nuôi ngao ở Thái Thượng-Thái Đô, các vấn đề liên quan đến môi trường và tình hình an ninh trật tự tại xã Thụy Hải và Nhà máy Bột cá Thụy Hải. Chỉ đạo các xã hoàn thành công tác lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết giao thông thủy lợi nội đồng, khu trung tâm xã, điểm dân cư tập trung và đề án xây dựng nông thôn mới, hoàn thành công tác  dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp. Cùng với đó, các giải pháp khắc phục khó khăn, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, CN-TTCN-XDCB, TM - DV đã được Thái Thụy đưa ra rất cụ thể, rõ ràng. Tuy nhiên, khó khăn có được giải quyết, mục tiêu có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào sự quyết tâm và sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và chính bản thân những người dân nơi đây.

         Bài, ảnh: Nguyễn Hình

 

  • Từ khóa