Thứ 7, 30/11/2024, 04:58[GMT+7]

Tri ân người có công

Thứ 2, 23/03/2020 | 10:11:34
2,037 lượt xem
Bằng nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực, những năm qua, công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công luôn được các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh quan tâm. Qua đó thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, tri ân các anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh đã cống hiến, hy sinh xương máu vì độc lập, tự do của dân tộc.

Đông đảo tầng lớp nhân dân thả hoa đăng tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Đền thờ Liệt sĩ tỉnh.

Thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với người có công

Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, Thái Bình là một trong những địa phương đóng góp sức người, sức của lớn cho cả nước. Nhân dân Thái Bình đã tiễn đưa trên 50 vạn lượt người con ưu tú tham gia quân đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên khắp các chiến trường và làm nghĩa vụ quốc tế. Kết thúc chiến tranh, Thái Bình có trên 52.000 liệt sĩ, gần 33.000 thương binh, bệnh binh, hơn 34.000 người tham gia hoạt động kháng chiến, họ và con đẻ của họ bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong nhiều năm qua, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã thường xuyên thực hiện tốt chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thực hiện các pháp lệnh ưu đãi người có công, các nghị định của Chính phủ, công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công của tỉnh ngày càng được coi trọng. Các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng cơ bản đã bảo đảm đầy đủ, kịp thời như: thực hiện chi trả trợ cấp thường xuyên cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng… Hiện nay, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đang thực hiện chế độ trợ cấp hàng tháng đối với gần 67.000 người có công với cách mạng và thân nhân người có công với cách mạng với tổng số tiền gần 120 tỷ đồng; thực hiện chế độ điều dưỡng cho hơn 20.000 người có công và thân nhân liệt sĩ; trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho trên 2.000 người. Các phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” được triển khai rộng khắp. Hàng năm, vào dịp tết Nguyên đán và kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức trao tặng quà của Chủ tịch nước cho gần 83.000 người có công và thân nhân; tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh tặng quà của tỉnh cho trên 93.000 người có công, thân nhân, người thờ cúng liệt sĩ với tổng kinh phí hàng chục tỷ đồng. Ngoài quà của Chủ tịch nước, quà của tỉnh, UBND các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng huy động xã hội hóa và trích ngân sách hàng trăm tỷ đồng tặng quà cho người có công và thân nhân liệt sĩ.

Việc hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng theo Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm thực hiện. Đến hết năm 2019, toàn tỉnh đã phê duyệt hỗ trợ 17.774 hộ người có công khó khăn về nhà ở và đã hoàn thành giải ngân cho 17.114 hộ với kinh phí là 588.540 triệu đồng, đạt 96,29% số hộ đã phê duyệt, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần đối với người và gia đình người có công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Hà Thị Sim, vợ liệt sĩ ở xã Đông Hòa (thành phố Thái Bình) trong căn nhà mới khang trang.

Phát huy đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Cùng với các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước chăm lo cho người có công, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” cũng được các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh duy trì và phát triển rộng khắp. Tại các địa phương, quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đều duy trì để chăm lo, giúp đỡ cho các gia đình có công với cách mạng cải thiện nhà ở, tặng quà lễ, tết, thăm hỏi khi ốm đau… Riêng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” của tỉnh tính chung trong 8 năm (2011 - 2018) đã vận động từ các đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được 12,3 tỷ đồng. Từ số tiền vận động đã hỗ trợ xây 366 nhà cho người có công với số tiền 6,1 tỷ đồng; hỗ trợ 372 triệu đồng cho 162 lượt gia đình người có công có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 45 triệu đồng cho 9 gia đình thân nhân liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma; tặng 20 sổ tiết kiệm trị giá 100 triệu đồng cho gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công có hoàn cảnh khó khăn…

Bên cạnh đó, việc xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể quan tâm. Hiện toàn tỉnh có 206 công trình ghi công ơn liệt sĩ, trong đó có 100 nghĩa trang liệt sĩ là nơi an nghỉ trên 17.000 liệt sĩ. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ đã trở thành công trình lịch sử văn hóa như: Đền thờ Liệt sĩ tỉnh, Đền thờ Liệt sĩ các huyện Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương… Công tác quy tập hài cốt liệt sĩ cũng được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Mỗi năm có hàng trăm hài cốt liệt sĩ người Thái Bình được giám định, xác định danh tính và di chuyển về nghĩa trang liệt sĩ quê hương...

Ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Để thực hiện tốt chính sách đối với người có công, thời gian tới Sở sẽ tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm lo cho người có công với cách mạng; tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về sự hy sinh, đóng góp to lớn của các thế hệ người có công với cách mạng. Ðẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chính sách đối với người có công. Tiếp tục giải quyết hồ sơ người có công còn tồn đọng, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để sót theo đúng chỉ đạo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để bảo đảm mọi người có công đều được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước.

Nguyễn Cường