Chủ nhật, 24/11/2024, 10:13[GMT+7]

Lên Điện Biên nghe “Nắng ấm quê hương”

Thứ 6, 06/07/2012 | 15:49:00
2,609 lượt xem
Chiếc xe của Trung tâm nuôi dưỡng người có công, đưa chúng tôi ngược lên Ðiện Biên. Qua Hòa Bình, theo quốc lộ 6 rồi lên Sơn La, chẳng mấy chốc đã chạm vào đất Ðiện Biên. Ðây rồi dốc Pha Ðin – nơi gần 60 năm trước, cha, ông chúng tôi đã thồ hàng, kéo pháo và hành quân qua đây. Câu thơ của Tố Hữu lại hiện lên trong trí nhớ: “Dốc Pha Din chị gánh, anh thồ/ Ðèo Lũng Lô anh hò, chị hát”.

Bên những người đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ Ðiện Biên Phủ

Những địa danh từng đi vào lịch sử, đi vào thơ ca, văn học đã “ăn sâu, bén rễ” trong tâm trí chúng tôi. Bây giờ mới có dịp đến, có dịp chiêm ngưỡng những huyền thoại, từng làm chấn động địa cầu. Vào đến Thành phố Ðiện Biên còn sớm, mới 15 giờ chiều. Hai anh bạn đồng nghiệp ở Ðài Phát thanh – Truyền hình không kịp nghỉ ngơi, vác máy đi quay ngay.

19 giờ, Thành phố đã rực sáng ánh đèn. Ðêm ấy, trong không gian ấm áp của vùng cao, các cô gái Thái diễn viên của Ðoàn Ca múa Ðiện Biên đến hát múa chào mừng Ðoàn Thái Bình. Nữ Bí thư Tỉnh ủy Lò Mai Chinh và nhiều đồng chí lãnh đạo khác của tỉnh Ðiện Biên đến dự và giao lưu với Ðoàn. Những khúc hát ca ngợi quê hương, đất nước và Bác Hồ cứ ngân vang trong không gian của lòng chảo Ðiện Biên. Bất ngờ, các cô gái Thái ngân lên âm hưởng của bài “Nắng ấm quê hương” bài hát quen thuộc của bất kỳ người con Thái Bình nào dù ở trong tỉnh hay ngoài tỉnh. Mới xa Thái Bình chưa đầy 12 tiếng mà nghe “Nắng ấm quê hương” vẫn thấy nao lòng đến như vậy. Ðiều đặc biệt là nó được hát lên từ trái tim, từ đôi môi của các cô gái Thái.

Sáng ngày hôm sau, Ðoàn đại biểu của tỉnh đến viếng các Anh hùng liệt sĩ ở nghĩa trang Ðiện Biên, nằm cạnh đồi A1. Sau khi làm lễ dâng hương, với nghi thức trang trọng và thấm đẫm truyền thống dân tộc, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình và Bí thư Tỉnh ủy Ðiện Biên cùng các đồng chí lãnh đạo hai tỉnh đi thắp hương các mộ liệt sĩ. Nằm đối diện hai bên của Ðài nghĩa trang liệt sĩ là mộ của các anh hùng Phan Ðình Giót, Bế Văn Ðàn, Trần Can và Tô Vĩnh Diện. Khói hương phủ kín toàn bộ không gian, mùi hương nghi ngút. Ngay lối cửa vào khắc tên danh sách liệt sĩ của các tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Ðiện Biên – Lò Mai Chinh đến thắp hương – nơi ghi danh các liệt sĩ Thái Bình, nhìn thấy có đĩa ổi đặt lễ thắp hương, bà nói: Ổi Bo đem từ quê nhà Thái Bình lên thắp hương các anh đây.

Rời nghĩa trang liệt sĩ Ðiện Biên hay là nghĩa trang đồi A1, Ðoàn đến nghĩa trang Him Lam: “Mường Thanh – Hồng Cúm – Him Lam/ Hoa mai lại trắng, vườn cam lại vàng”. Hôm nay là mùa hè, không phải mùa xuân nên không có hoa mai. Chỉ có những cô gái Thái sặc sỡ trong váy áo mới đón chào Ðoàn đến thắp hương. Từ đây, chúng tôi đến nghĩa trang Ðộc Lập rồi vượt ra khỏi thành phố Ðiện Biên để đến nghĩa trang liệt sĩ Tông Khao. Nghĩa trang này là nơi yên nghỉ của hơn 2400 liệt sĩ, hầu hết là quân tình nguyện Việt Nam chiến đấu và hy sinh ở Bắc Lào.

Ðang trong thời kỳ xây dựng và liên tục có sự bổ sung hài cốt liệt sĩ từ nước bạn Lào chuyển về, nên còn ngổn ngang gạch đá, vôi vữa. Anh Ðàm Văn Vượng, Ủy viên BTV, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, nói nhỏ vào tai tôi. Anh lấy cảm xúc từ không khí này, viết một bài dự thi nhân năm đoàn kết hữu nghị Việt – Lào. Tôi hiểu tấm lòng anh, hiểu cảm giác của anh, khi đứng trước hàng nghìn mộ liệt sĩ – các anh đã ra đi vì tình hữu nghị hai nước, mà hy sinh cho độc lập tự do của các Bộ tộc Lào anh em. Còn tại sao lại gọi là Tông Khao, tác giả Nguyễn Thị Lâm Hảo viết trong cuốn: “Vài nét về khởi nghĩa Hoàng Công Chất” có ghi Tông Khao (cạnh đồi Ðộc Lập hiện nay) sở dĩ có tên đó vì xưa giặc tới bắt tất cả  trẻ con trong vùng vứt vào vùng trũng rồi tháo nước ngập cho chết hết, sau khi nước rút, xương trẻ em chết trắng xóa cánh đồng. Như vậy, nghĩa của Tông Khao là đồng trắng. Rời nghĩa trang đồi Ðộc Lập, chúng tôi vào Thành Bản Phủ nơi thờ Hoàng Công Chất. Theo lời của cô hướng dẫn viên và tại chiếc bia khắc đặt trong khuôn viên đền thờ có ghi: Nghĩa quân “Hoàng Công Chất 1739 - 1769 thế kỷ XVIII, tên thật Hoàng Công Thư, quê ở Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra năm 1739 ở vùng Sơn Namon> (Nam Ðịnh – Thái Bình – Hưng Yên). Năm 1748 nghĩa quân vào vùng thượng du Thanh Hóa hoạt động rồi theo đường rừng tiến lên Tây Bắc; ông cùng Tướng Ngái, Tướng Khanh là hai thủ lĩnh người Thái (Ðiện Biên) cùng nhân dân các dân tộc và nghĩa quân đánh đuổi giặc Phẻ (Pọng) giải phóng Mường Thanh (Ðiện Biên) vào tháng 5-1754. Ðể có căn cứ hoạt động lâu dài, năm 1758-1762 Hoàng Công Chất cho xây dựng Thành Bản Phủ, từ đó căn cứ hoạt động của nghĩa quân đã phát triển ra khắp 10 châu của Phủ An Tây; phía bắc giáp Trung Quốc, phía nam mở rộng xuống Hòa Bình – Ninh Bình – Thanh Hóa. Cuộc khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất lãnh đạo kéo dài 30 năm (1739 – 1769). Từ đồng bằng tiến lên vùng rừng núi Hoàng Công Chất tập hợp nhân dân các dân tộc thành một khối thống nhất, xây dựng được mối tình đoàn kết ngược, xuôi cùng đánh đuổi giặc ngoại xâm”. Năm 1992 Thành Bản Phủ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Tại đây có khắc hai câu thơ tưởng nhớ tướng quân Hoàng Công Chất: “Tài năng vang dội khắp non sông/ Ðức độ ghi sâu lòng dân tộc”.

Lịch sử đã có sự trùng lặp rất ngẫu nhiên: Tháng 5-1754 khởi nghĩa nông dân do Hoàng Công Chất cầm đầu đã thắng lợi và 200 năm sau, ngày 7-5-1954 dưới sự lãnh đạo của Ðảng đã giành thắng lợi giải phóng Ðiện Biên làm chấn động địa cầu. Trao đổi với anh em làm báo Thái Bình, đồng chí Phạm Xuân Côi, Ủy viên Ban Thường vụ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ðiện Biên (cũng là người con của Thái Bình) nói nhiều về sự đóng góp, sự hy sinh to lớn của tỉnh nhà vào thắng lợi của chiến thắng Ðiện Biên nói riêng và độc lập dân tộc nói chung. Ðã có 331 người con yêu quý của Thái Bình ngã xuống để “Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/ Hoa mơ lại trắng vườn cam lại vàng”. Trong đó, 273 liệt sĩ hy sinh cho chiến thắng Ðiện Biên; 56 liệt sĩ chống Mỹ và hai liệt sĩ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Trong công cuộc dựng xây Ðiện Biên hôm nay, nhiều người con của Thái Bình đã trưởng thành, được Ðảng bộ và nhân dân Ðiện Biên giao cho nhiều trọng trách quan trọng: Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; trưởng nhiều ngành, các huyện, thành phố. Nhiều doanh nhân làm ăn thành đạt, trở thành mô hình tốt trong phát triển kinh tế. Tôi có anh bạn đang làm Phó Bí thư thường trực Thành ủy Ðiện Biên, ngỏ lời mời đến một số doanh nghiệp thành đạt. Song vì lịch làm việc, nên không thực hiện được, tôi chỉ gặp một doanh nhân quê Hồng Việt (Ðông Hưng). Qua giới thiệu được biết anh thành công ở đất Ðiện Biên nhờ làm cây cảnh, xây dựng và ngành nghề khác. Anh nói, thỉnh thoảng cũng về quê vì còn bố, mẹ già ở nhà.

Ðêm ấy, ngủ lại Ðiện Biên; ngủ lại cái lòng chảo mà 58 năm trước đây, tướng NaVa và chính phủ Pháp muốn biến nơi đây thành cối xay thịt Việt Minh... không khí yên tĩnh, trời mát dịu như mùa thu dưới xuôi. Thành phố 58 năm giải phóng đã thay da, đổi thịt rất nhiều. Nghe văng vẳng đâu đây lời ca của bài: “Nắng ấm quê hương”... phải chăng là âm hưởng từ giọng ca ngọt ngào, da diết của cô gái Thái vừa hát tặng Ðoàn Thái Bình... vẫn còn đọng lại trong tôi.

Bài, ảnh: Phạm Viết Thanh

  • Từ khóa