Thứ 7, 16/11/2024, 01:24[GMT+7]

Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế về bảo vệ môi trường qua thực hiện kinh tế tuần hoàn

Thứ 5, 03/06/2021 | 08:47:08
1,630 lượt xem
Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà: Chuyển dịch kinh tế theo kinh tế tuần hoàn (KTTH), kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại. Thực hiện KTTH là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường biến đổi khí hậu.

Hội thảo trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Tiềm năng phục hồi xanh tại khu vực Châu Á đang phát triển”. Ảnh: TL

Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa phối hợp với Viện Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADBI) và Quỹ Phát triển Đổi mới sáng tạo Phần Lan (SITRA) tổ chức Hội thảo trực tuyến “Kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi: Tiềm năng phục hồi xanh tại khu vực Châu Á đang phát triển”.

Đây là Hội thảo cấp khu vực của Diễn đàn Kinh tế tuần hoàn thế giới, giới thiệu các tài liệu chính sách, xem xét các nghiên cứu điển hình về việc thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn.

Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà khẳng định: Chuyển dịch kinh tế theo KTTH, kinh tế xanh, kinh tế phát thải các-bon thấp là xu thế tất yếu của thời đại. Thực hiện KTTH là cách thức để Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc tế trong việc thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường biến đổi khí hậu.

Để chuyển đổi thành công sang mô hình KTTH, cần có sự tham gia của tất cả các bên liên quan từ các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp khai thác khoáng sản và nguyên liệu thô, các nhà chế biến, sản xuất, phân phối, bán lẻ, người tiêu dùng, người thu gom rác...

Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay mô hình sản xuất công nghiệp khai thác hiện tại là “khai thác-sản xuất-tạo rác thải” đã gây ra ảnh hưởng tiêu cực cho khí hậu toàn cầu, làm khan hiếm tài nguyên và tác động tới đa dạng sinh học. Bởi vậy, trong nền KTTH sản xuất và tiêu dùng bao gồm chia sẻ, cho thuê, tái sử dụng, sửa chữa, tân trang và tái chế các vật liệu và sản phẩm càng lâu càng tốt và cần kéo dài vòng đời sản phẩm và lưu giữ nguyên liệu, vật liệu trong nền kinh tế ở bất cứ đâu có thể.

Tại hội thảo, nhiều giải pháp về phát triển kinh tế tuần hoàn tại các thị trường mới nổi và tiềm năng phục hồi xanh tại khu vực Châu Á đang phát triển đã được nêu ra như: Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, trong đó dẫn chứng các sáng kiến chính sách và kinh nghiệm về KTTH tại Philippines; các vấn đề Tài chính cho KTTH lấy dẫn chứng là các trường hợp đầu tư ở Thổ Nhĩ Kỳ...

Ngoài ra, các diễn giả còn đưa ra định hướng chính sách và lộ trình của toàn khu vực cho ASEAN và Đông Á và đặt vấn đề về đổi mới sáng tạo trong KTTH cho các thành phố lấy dẫn chứng phát triển điện từ rác thải (WtE) tại Bangladesh.

Theo dangcongsan.vn