Thứ 6, 15/11/2024, 23:36[GMT+7]

Nhọc nhằn nghề thu gom rác

Thứ 2, 23/08/2021 | 09:29:09
2,785 lượt xem
Thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt là một trong những công việc vất vả, độc hại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Nhưng cũng vì môi trường sạch đẹp, vì cuộc sống mưu sinh mà những người làm công việc này luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm tròn nhiệm vụ.

Công nhân môi trường thu gom rác khi màn đêm buông xuống.

Ngày thường, bà Nguyễn Thị Hồng, tổ vệ sinh môi trường xã Phú Châu (Đông Hưng) bắt đầu công việc quen thuộc với chiếc nón lá, chiếc khẩu trang vải che đủ mặt và đôi găng tay cao su. Thế nhưng, trong những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, hành trang đi làm hàng ngày của bà Hồng có thêm vài thứ đồ. Một chiếc khẩu trang y tế ôm vừa mặt đeo bên trong khẩu trang vải, một chiếc găng tay nilon bọc ngoài găng tay cao su, một chai nước súc họng, chai nước rửa tay có cồn... 

Bà Hồng chia sẻ: Trước đây, nhìn thấy chiếc khẩu trang y tế lẫn trong đống rác thải thì thấy bình thường nhưng khi dịch Covid-19 bùng phát chúng tôi ai cũng ái ngại, lo lắng. Đó cũng là nỗi lo chung của những người tham gia thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Bởi hầu như ngày nào họ cũng phải đi thu gom hết lượng rác thải sinh hoạt của người dân và tất cả các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Đặc biệt, trong thời gian này họ còn phải thu gom rác thải sinh hoạt ở cả những điểm cách ly tập trung. Tại những điểm cách ly, mặc dù rác thải sinh hoạt đã được phun khử khuẩn nhưng nếu những công nhân trực tiếp đi thu gom rác không thận trọng trang bị đầy đủ bảo hộ lao động thì cũng ảnh hưởng đến sức khỏe.

Tại thành phố Thái Bình, hiện nay trung bình mỗi ngày công nhân Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình đô thị Thái Bình thu gom khoảng 145 tấn rác thải sinh hoạt. Toàn bộ lượng rác thải thu gom trong ngày đều phải chuyển đến xí nghiệp xử lý rác tập trung của thành phố để phân loại, khử khuẩn và đốt. 

Ông Vũ Đình Hành, Giám đốc Công ty cho biết: Công ty đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, đồng thời ban hành các thông báo để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch; phổ biến đến 100% cán bộ, nhân viên, người lao động. Yêu cầu các tổ, đội thu gom, xử lý rác thải bảo đảm vệ sinh môi trường; tổ chức thu gom, vận chuyển 100% rác thải sinh hoạt phát sinh trong ngày trên địa bàn phụ trách về nhà máy rác tập trung theo quy định. Tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát các xe vận chuyển rác bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, không để rơi vãi rác, rỉ nước ra đường. Tiếp nhận và xử lý an toàn tuyệt đối toàn bộ khối lượng chất thải sinh hoạt, tăng cường công tác phun thuốc diệt ruồi, muỗi phun khử khuẩn phòng, chống dịch tại nhà máy. Khối lượng công việc nhiều, nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe nhưng người lao động vẫn chấp hành nghiêm và hoàn thành công việc được giao.

Tại xã Đông Các (Đông Hưng), 6/6 thôn đều thành lập được tổ vệ sinh môi trường, mỗi tổ từ 2 - 3 người tham gia, tần suất thu gom 2 - 3 lần/tuần, tùy theo địa bàn của từng thôn để bố trí lịch thu gom cho phù hợp. Bình quân mỗi thôn phát sinh khoảng 1 tấn rác/lần thu gom. Lượng rác thải nhiều, đồng nghĩa mức độ nguy hại từ rác thải đối với sức khỏe của những người làm công việc thu gom, xử lý rác tăng cao. 

Dù ngày nắng hay mưa ông Hoàng Văn Tạo, Tổ thu gom rác thải thôn Nam Quán, xã Đông Các (Đông Hưng) vẫn cần mẫn với công việc.

Ông Hoàng Văn Tạo, tổ vệ sinh môi trường thôn Nam Quán chia sẻ: Dân số của thôn đông nên lượng rác thải nhiều. Một tuần tôi thu gom 2 buổi, mỗi buổi 4 chuyến xe. Công việc rất vất vả, ngày nắng hay mưa vẫn phải làm vì theo lịch quy định, nhân dân bỏ rác đúng ngày, đúng giờ. Nếu không thu gom rác sẽ tồn đọng, ô nhiễm môi trường đường làng ngõ xóm. 

Công việc của những người trực tiếp đi thu gom và vận chuyển rác thải sinh hoạt mặc dù vất vả, nguy hại đến sức khỏe nhưng mức thù lao của họ lại khá thấp. Từng bước khắc phục vấn đề này, thời gian qua, các địa phương đã triển khai nâng mức phí dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt theo Quyết định số 01/2021/QĐUBND quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tuy nhiên, việc thu phí dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là đối với cấp huyện còn gặp nhiều khó khăn. Đại đa số các địa phương mới chỉ thu phí được ở mức 70 - 90% số người dân. 

Ông Phạm Thế Chung, Chủ tịch UBND xã Phú Châu (Đông Hưng) cho biết: Ngân sách cho công tác môi trường chủ yếu dành để vận hành lò đốt rác thải tập trung. Thu nhập của các thành viên tổ thu gom rác thải sinh hoạt lấy từ nguồn thu của các gia đình, cá nhân phát sinh rác thải sinh hoạt. Dù mức thu đã tăng từ 5.000 đồng lên 6.000 đồng/người nhưng do tỷ lệ hộ dân đóng chỉ đạt khoảng 80% nên chưa tương xứng với sức lao động mà họ bỏ ra. 

Minh Nguyệt