Thứ 6, 15/11/2024, 22:39[GMT+7]

Việt Nam và các đối tác phát triển thắt chặt hợp tác hỗ trợ thực hiện những cam kết vì khí hậu mới

Thứ 4, 08/12/2021 | 09:02:27
2,106 lượt xem
Vương quốc Anh, UNDP cùng các đối tác phát triển cam kết thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại sự kiện.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Anh tại Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc vừa phối hợp tổ chức Hội thảo công bố kết quả Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (Hội nghị COP26) với sự tham gia của các đối tác phát triển, đại diện các cơ quan của Đảng, Quốc hội, các Bộ, các tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp và chuyên gia trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Hội nghị COP26 mới đây được tổ chức từ ngày 31/10 đến 13/11/2021 tại Glasgow, Vương quốc Anh.

Tại Hội thảo, Đại sứ Anh tại Việt Nam, Gareth Ward đã giới thiệu về những thành quả quan trọng của COP26, nổi bật nhất là Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow với sự tham gia của gần 200 quốc gia cam kết thúc đẩy mạnh mẽ hành động vì khí hậu nhằm hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1.5 độ C. Tất cả các quốc gia đã nhất trí xem xét nâng cao các mục tiêu giảm phát thải đến năm 2030 trong Đóng góp do Quốc gia quyết định (NDC).

Gói Thỏa thuận Khí hậu Glasgow được thông qua đã đánh dấu kết quả sau 6 năm đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc Thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi khí hậu, cho phép toàn thế giới thực hiện đầy đủ các quy định của Thỏa thuận Paris. Tại COP26, cam kết tăng đáng kể hỗ trợ tài chính qua Quỹ Thích ứng cũng đã được thông qua trong bối cảnh các nước đang phát triển đang thúc giục các nước phát triển tăng gấp đôi hỗ trợ vào năm 2025.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã nêu chi tiết hơn về các cam kết của Việt Nam đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính công bố tại COP26 và các hành động tiếp theo của Việt Nam để thực hiện các cam kết đó. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh của các Nhà lãnh đạo thế giới trong khuôn khổ COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố các cam kết mạnh mẽ để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, trong đó có nhấn mạnh bằng nguồn lực của chính mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải mạnh mẽ để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050. 

Việt Nam cũng đã tham gia các tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển dịch sang năng lượng sạch, hỗ trợ thích ứng cho cộng đồng địa phương và giảm phát thải khí mê-tan. Tất cả các tuyên bố này đã củng cố cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Anh Gareth Ward chia sẻ: "Việc Việt Nam công bố mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đã thể hiện một cách ấn tượng vai trò lãnh đạo về khí hậu của quốc gia, đồng thời gửi thông điệp quan trọng tới cộng đồng quốc tế về hướng phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam. Trong tương lai, Vương quốc Anh cùng các đối tác phát triển cam kết thúc đẩy và hỗ trợ Việt Nam thực hiện các mục tiêu mới thông qua tăng cường những đề xuất về hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Chúng tôi muốn hỗ trợ Chính phủ Việt Nam tìm ra phương thức kết hợp phù hợp giữa tăng cường đầu tư công, huy động vốn ODA và vốn vay ưu đãi để giảm chi phí cho quốc gia và đưa ra những biện pháp quản lý thích hợp, giúp Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những khoản đầu tư xanh trong 20 năm tới".

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam chúc mừng Việt Nam luôn là quốc gia tiên phong trong các hợp tác đa phương, đi đầu trong chủ trương lấy người dân làm trung tâm, tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững ở cả khu vực và trên toàn cầu. 

"Chúng tôi đặc biệt khen ngợi cam kết của Việt Nam trong việc nâng cao tham vọng và tham gia các nỗ lực toàn cầu để chống lại biến đổi khí hậu. Đã đến lúc phải điều chỉnh lại các chính sách, khung pháp lý, chiến lược, kế hoạch, đầu tư để đạt được những mục tiêu mới này. Mức phát thải carbon ròng bằng 0 vào năm 2050 là một mục tiêu đầy tham vọng nhưng có thể đạt được với sự lãnh đạo mạnh mẽ của Chính phủ. UNDP cam kết hợp tác chặt chẽ với Chính phủ, các đối tác phát triển, doanh nghiệp, nhà khoa học, phụ nữ, thanh niên và cộng đồng địa phương, để theo đuổi phương pháp tiếp cận toàn chính phủ và toàn xã hội nhằm hiện thực hóa các tham vọng mới này. Điều này sẽ được bổ sung bằng cách đơn giản hóa các quy định để cho phép khu vực doanh nghiệp đóng góp đầy đủ vào quá trình phục hồi kinh tế xanh với con người là trung tâm" - bà Caitlin Wiesen cho biết.

Theo vtv.vn