Thứ 6, 15/11/2024, 17:50[GMT+7]

Ô nhiễm môi trường từ đốt rơm rạ

Thứ 2, 27/06/2022 | 14:25:56
3,304 lượt xem
Trong những ngày qua, ở khắp các vùng quê trên địa bàn tỉnh nông dân đang vào vụ gặt lúa xuân. Tuy nhiên, sau khi thu hoạch bà con thường đốt rơm rạ ngay tại ruộng hoặc trên đường giao thông, khói bốc lên mù mịt gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông và ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Rất nhiều hộ dân sau khi thu hoạch lúa xuân đã đốt rơm rạ ngay tại ruộng.

Trong thời gian gần đây, tình trạng đốt rơm rạ ở đồng ruộng và trên đường giao thông; phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa trên đường giao thông vào mùa thu hoạch đã gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của nhân dân và là nguyên nhân của nhiều vụ tai nạn giao thông. Để có biện pháp ngăn chặn tình trạng này, UBND tỉnh đã có công văn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn thông báo, yêu cầu các hộ dân không đốt rơm rạ, đặc biệt ở những khu vực giáp đường giao thông, khu dân cư... 

Tại nhiều địa phương, trong các buổi tuyên truyền về giữ gìn vệ sinh môi trường, đặc biệt là vào đầu vụ thu hoạch, các đoàn thể như phụ nữ, thanh niên, nông dân và công an xã đã vào cuộc tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ tại ruộng và trên đường, hưởng ứng vì môi trường trong sạch. Tuy nhiên, tình trạng người dân đốt rơm rạ vẫn diễn ra phổ biến. Với lý do sử dụng máy gặt lúa trong quá trình thu hoạch khiến rơm rạ được thải ngay ra ngoài đồng, khó thu gom. Hơn nữa, đa phần bà con nông dân không có nhu cầu sử dụng rơm rạ trong đun nấu hàng ngày. Chỉ một số hộ dân cần rơm cho chăn nuôi mới thu gom tại các chân ruộng thuận tiện đi lại.  Ngoài ra, thời gian làm đất cho gieo cấy vụ mùa ngắn, rơm rạ để lại trên đồng ruộng khó phân hủy được ngay, tận dụng những ngày nắng nóng kéo dài, những ngày qua, nhiều nông dân đã tranh thủ đốt rơm rạ, với quan điểm đốt lấy tro bón cho đất cũng như giảm thiểu được chi phí, nhân công xử lý rơm rạ, đồng thời tiêu diệt được mầm mống dịch hại...

Nhưng trên thực tế, việc này lợi ít, hại nhiều khi mà khói rơm khuếch tán bay mù mịt gây ô nhiễm môi trường, ngoài ra còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Thậm chí, đốt rơm rạ còn làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa. 

Bà Hoàng Thị Oanh, xã Minh Khai (Hưng Hà) cho biết: Thu hoạch lúa rồi, rơm rạ phát sinh phải xử lý chứ biết làm sao. Trâu, bò giờ không ai nuôi, cũng không ai dùng để đun nấu như xưa. Nói không đốt thì chắc rơm rạ cũng chất đống ở ngoài đồng sẽ làm ổ cho chuột sinh sôi nảy nở gây hại cho mùa màng. Cấm đốt là việc nên làm nhưng chính quyền cũng cần có biện pháp phù hợp để hướng dẫn người dân cách xử lý khác hợp lý hơn. 

Bà Nguyễn Thị Hoa, xã Phú Xuân (thành phố Thái Bình) cho biết: Cứ vào chính vụ gặt thì cả làng phải sống chung với khói rơm rạ, mặc dù ý thức được việc đốt rơm sau thu hoạch sẽ không tốt cho môi trường, tuy nhiên nông dân chúng tôi không có giải pháp nào khác để xử lý số rơm sau mỗi mùa vụ. 

Chị Nguyễn Thu Thủy, phường Tiền Phong (thành phố Thái Bình) bày tỏ: Vào mùa thu hoạch người dân đốt rơm rạ ngoài đồng, ai cũng khó chịu vì nóng bức, thậm chí cay mắt vì khói. Thế nhưng vì thói quen, sự cảm thông cho nhau, ai cũng tặc lưỡi cho qua vì ngày mùa nên thông cảm. Không ai ý kiến gì cả, thậm chí có ý kiến thì chắc cũng không có cách nào khắc phục triệt để. 

Bà Trần Thị Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Hưng Hà cho biết: Để hạn chế tình trạng nông dân đốt rơm rạ sau thu hoạch, Phòng đã chủ động phối hợp với các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường sống. Phối hợp triển khai phổ biến và hướng dẫn, khuyến khích các hộ nông dân sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý rơm rạ tạo nguồn phân bón hữu cơ, phục vụ tái sản xuất bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai chế phẩm này mới dừng lại ở các mô hình thí điểm, chưa được nhân rộng nên nhiều nông dân vẫn chưa biết và chưa mặn mà với việc sử dụng chế phẩm sinh học trong xử lý rơm rạ sau thu hoạch.

Để xử lý vấn đề này, cùng với việc nâng cao ý thức của người dân, các ngành chức năng cần sớm vào cuộc, nhất là xây dựng cơ chế hỗ trợ kinh phí cho nông dân sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cũng như có chế tài xử phạt với những hành vi đốt rơm rạ, vứt bỏ rơm rạ xuống mương máng, gây ô nhiễm môi trường và tắc nghẽn dòng chảy.

Đức Dũng