Thứ 6, 15/11/2024, 11:02[GMT+7]

Cơ hội bảo vệ Trái đất trước khủng hoảng đa dạng sinh học

Thứ 7, 17/12/2022 | 08:49:29
5,087 lượt xem
Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước về đa dạng sinh học (COP15) giai đoạn 2 đang diễn ra tại Montreal, Canada, với sự tham dự của đại diện gần 200 quốc gia. Giới quan sát hy vọng, COP15 sẽ đạt được một thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu mang tính lịch sử, tạo dấu ấn quan trọng trong nỗ lực bảo vệ hệ sinh thái và tương lai của “hành tinh xanh”.

Voi ở Tây Nguyên. (Ảnh: TTXVN)

Vấn đề huy động tài chính để bảo vệ đa dạng sinh học đang là tâm điểm của Hội nghị COP15 tại Canada. Trước đó, các chuyên gia cũng dự báo đây sẽ là thách thức lớn của COP15, khi các nước giàu phải chịu áp lực về hỗ trợ cho các nước đang phát triển trong công tác bảo tồn tự nhiên. Brazil và 69 quốc gia khác đã công bố ý định đưa tài trợ quốc tế cho đa dạng sinh học trở thành một điều kiện để thông qua khuôn khổ đa dạng sinh học toàn cầu. Các nhà đàm phán hiện đang thảo luận về con số hỗ trợ khoảng 200 tỷ USD/năm, song tiến độ của các cuộc đàm phán về tài chính tại COP15 được đánh giá là còn chậm.

Bài toán huy động tài chính để chống lại cuộc khủng hoảng đa dạng sinh học không dễ gì được giải quyết khi số liệu thống kê cho thấy, khoảng cách giữa số tiền cần có và số tiền đang thật sự được chi tiêu lên tới khoảng 700 tỷ USD mỗi năm, một khoảng cách khó để lấp đầy. Tại COP15, các quan chức cho rằng khu vực tư nhân có thể là một phần giải pháp và nhấn mạnh, cần có nguồn tiền từ khu vực tư nhân cũng như từ hoạt động từ thiện để gây quỹ cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học.

Sau nhiều tranh cãi, Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) hồi tháng 11 năm 2022 đã khép lại với một bước tiến mang tính lịch sử, đó là các nước nhất trí thành lập quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” để bù đắp cho các nước đang phát triển phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Trên cơ sở thành công của COP27, ông Basile van Havre, đồng Chủ tịch một trong những nhóm công tác của COP15, không loại trừ khả năng một quyết định tương tự về đa dạng sinh học sẽ được đưa ra tại COP15. Các nhà quan sát hy vọng rằng, sự kiện này sẽ đem đến một thỏa thuận lịch sử nhằm bảo vệ tự nhiên và đảo ngược những tổn hại mà con người gây ra cho các khu rừng, đầm lầy… cùng các sinh vật đang sống tại đây. Thỏa thuận đa dạng sinh học toàn cầu, còn được gọi là Khung đa dạng sinh học toàn cầu hậu 2020, vốn đã bị trì hoãn trong 2 năm qua do đại dịch Covid-19.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng nhấn mạnh rằng: Ða dạng sinh học đang sụp đổ và chúng ta là những người thua cuộc. Con người phải chạy đua để chấm dứt tình trạng khủng hoảng đa dạng sinh học bằng những hành động mạnh mẽ, quyết liệt và khẩn cấp. Các nhà khoa học cảnh báo, Trái đất đang bên bờ vực của cuộc tuyệt chủng hàng loạt lần thứ sáu. Theo Báo cáo Sách đỏ về các loài động thực vật đang bị đe dọa, biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đang tàn phá môi trường sinh sống của các loài sinh vật biển, khiến gần 10% trong số này đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Tình trạng mất đa dạng sinh học quy mô lớn đến cuối thập kỷ này có thể gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng đến mức giảm hơn một nửa bậc xếp hạng tín dụng nhà nước của các quốc gia trên thế giới.

Chủ tịch Ủy ban Bảo tồn biển thuộc Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế Amanda Vincent nhận định, tình trạng nguy cấp của những loài sinh vật đang gióng lên hồi chuông cảnh báo và yêu cầu chúng ta phải mau chóng hành động để ngăn chặn nguy cơ tuyệt chủng của chúng. Cuộc chiến bảo vệ thiên nhiên chưa bao giờ khẩn cấp như lúc này, và Hội nghị COP15 sẽ là cơ hội tốt để các quốc gia phát huy tinh thần trách nhiệm, chung tay hợp tác nhằm ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học, bảo đảm con đường chung sống hòa hợp giữa con người và thiên nhiên.

Theo Nhân Dân