Thứ 6, 15/11/2024, 08:30[GMT+7]

Bất cập trong xử lý rác thải sinh hoạt ở xã Tây Sơn

Thứ 5, 23/02/2023 | 08:54:12
6,032 lượt xem
Thời gian gần đây, nhiều hộ dân ở xóm 8, thôn Đại Hải, xã Tây Sơn (Kiến Xương) phản ánh phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do khu xử lý rác thải sinh hoạt của xã gây ra. Mặc dù chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp khắc phục nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Người dân xóm 8, thôn Đại Hải, xã Tây Sơn (Kiến Xương) bức xúc về tình trạng ô nhiễm do khu xử lý rác thải sinh hoạt.

Xóm “ruồi”

Nói về nguồn gốc của cái tên xóm “ruồi”, chị Nguyễn Thị Mai, xóm 8, thôn Đại Hải cho biết: Vào những ngày nắng nóng, có rất nhiều ruồi, nhặng từ bãi rác bay về nhà chúng tôi. Tình trạng này ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của gia đình tôi và nhiều hộ dân sinh sống gần khu xử lý rác thải. Trước đây, xóm chúng tôi vốn được gọi là xóm 8 hay xóm mới. Thế nhưng, việc phải sống chung với ruồi, nhặng trong thời gian dài nên nhiều người gọi là xóm “ruồi”.

Cũng chung tình cảnh như gia đình chị Nguyễn Thị Mai, gia đình ông Nhâm Văn Vang sinh sống gần với khu xử lý rác này nhất. Sau 5 năm, gia đình ông Vang đã buộc phải chuyển đến sinh sống ở khu vực khác. Ông Vang cho biết: Mỗi khi đốt rác, đám cháy âm ỉ kéo dài trong nhiều ngày. Khói bụi cùng mùi khét cuộn vào nhà rất khó chịu. Chúng tôi đã dùng nhiều biện pháp như: treo màn khi ăn cơm để tránh ruồi, nhặng, đeo khẩu trang và đóng cửa cả ngày. Thế nhưng việc làm này cũng chỉ mang tính tạm thời. Nếu chúng tôi tiếp tục sinh sống lâu dài chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng về sức khỏe nên buộc phải chuyển đi. Hiện tại, căn nhà cũ đang bỏ hoang vì không ai dám ở.

Theo ghi nhận của phóng viên, ngay phía ngoài khu xử lý rác thải của xã, đủ các loại rác được đổ và đốt ngay bên mặt đường đê gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Còn phía trong khu xử lý rác thải, lượng rác tồn đọng chưa được xử lý thì ùn ứ, chất thành “núi”. Đối với lò đốt rác, nhiều hạng mục đã bị hoen rỉ, xuống cấp, mái che mục nát. Theo các hộ dân, họ đã nhiều lần làm đơn kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm tình trạng này.

Những vướng mắc

Được biết, khu xử lý rác thải của xã Tây Sơn có diện tích khoảng 2ha với tổng mức đầu tư trên 800 triệu đồng và được xây dựng vào năm 2008. Theo thiết kế, quy trình xử lý rác thải được kết hợp giữa đốt và chôn lấp. Ông Tạ Xuân Khiết, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết: Toàn xã hiện có 13.000 nhân khẩu. Lượng rác sinh hoạt hàng ngày phát sinh rất lớn. Xã đã thành lập tổ vệ sinh môi trường với 10 thành viên để duy trì việc thu gom, xử lý rác thải cho người dân. Trong 3 ngày có khoảng 17 chuyến xe liên tục chở rác đến khu vực xử lý, tương đương với khoảng 17 tấn rác/ngày. Trong khi đó, lò đốt rác khi đưa vào sử dụng chỉ đạt công suất 5 - 6 tấn/ngày đêm. Điều này khiến cho lò đốt bị quá tải dẫn đến kết cấu của lò bị hư hỏng rất nhiều. Lò đốt rác xuống cấp, kinh phí bảo dưỡng lớn nhưng thu không đủ chi. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân chưa cao khiến cho việc xử lý rác thải gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, để duy trì việc thu gom, xử lý rác thải, chính quyền địa phương đã thống nhất thực hiện việc thu phí vệ sinh môi trường với mức phí là 6.000 đồng/khẩu/tháng. Tuy nhiên, một số người dân không chấp hành và không chịu đóng phí. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã nhiều lần phải tiến hành phun nước dập lửa tại khu xử lý rác. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do một số người dân đã tự ý đốt vật dụng của người đã khuất khiến đám cháy bùng lên. Cùng với đó, nhiều đối tượng từ địa bàn khác đến xả rác bừa bãi vào nhiều khung giờ khác nhau khiến việc kiểm soát, xử lý gặp không ít khó khăn.

“Trong thời gian tới, chính quyền địa phương sẽ tăng cường quản lý, giám sát và xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi đổ và đốt rác bừa bãi; quan tâm nhiều hơn nữa tới công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân đối với việc giữ gìn vệ sinh môi trường; tăng cường huy động nguồn xã hội hóa để giải quyết các vấn đề bức xúc, tồn tại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân” - Chủ tịch UBND xã Tây Sơn cho biết thêm.

Những khó khăn, bất cập trong xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Tây Sơn cũng là tình trạng chung ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh vì hầu hết các khu xử lý rác thải, lò đốt rác được đầu tư từ lâu, công nghệ lạc hậu và đã xuống cấp không đáp ứng được các tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, thu gom và xử lý rác thải, cải thiện môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, trước mắt các địa phương phải cấp thiết nâng cao năng lực quản lý, xử lý rác thải và tổ chức lại mô hình quản lý rác thải cấp xã, bảo đảm lực lượng thu gom, xử lý rác thải nắm vững những kiến thức cơ bản về thành phần rác thải, cách phân loại, tái sử dụng, tái chế và quản lý chất thải một cách bền vững góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu xử lý rác thải của xã, giúp người dân ổn định cuộc sống. Về giải pháp lâu dài, ngành chức năng, các huyện, thành phố cần khẩn trương tham mưu với tỉnh có các giải pháp quy hoạch, huy động các nguồn lực xã hội hóa đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung công nghệ hiện đại để giải quyết bài toán xử lý rác thải sinh hoạt hiện nay.

Rác được đổ và đốt ngay trên thân đê.

Nguyễn Triệu