Thứ 6, 15/11/2024, 05:34[GMT+7]

Đông Hưng: Cần xử lý triệt để rác thải sinh hoạt

Thứ 2, 17/04/2023 | 08:08:16
10,643 lượt xem
Những năm gần đây, đời sống của người dân nông thôn được nâng cao, tuy nhiên cùng với đó nhiều vấn đề xã hội cũng phát sinh, nhất là việc xử lý rác thải. Câu chuyện tưởng nhỏ nhưng đang là vấn đề lớn đối với nhiều địa phương.

Người dân xả rác bừa bãi bên đường 39 ngay khu vực bãi rác xã Đông Hoàng (Đông Hưng).

Những bãi rác thải lộ thiên nằm ngay cạnh trục đường giao thông gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân ngày càng xuất hiện nhiều trên địa bàn huyện Đông Hưng. Bãi rác xã Đông Hoàng, bên cạnh là điểm tập kết rác thải sinh hoạt xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình từ nhiều năm nay là điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Cả 2 bãi rác này nằm sát đường 39, nhiều người thường xuyên mang rác ra khu vực này vất bừa bãi, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường. Tận mắt chứng kiến bãi rác thải sinh hoạt xã Đông Hoàng lộ thiên với hàng tấn rác nằm ngay cạnh đường, đủ các loại rác bốc mùi hôi thối mới thấy được thực trạng môi trường tại nhiều địa phương đang là vấn đề bức xúc, nan giải. 

Bà Nguyễn Thị Hạnh, thôn Thái Hòa 1, xã Đông Hoàng cho biết: Bãi rác thải sinh hoạt này tồn tại đã lâu, người dân đã nhiều lần kiến nghị lên xã về tình trạng bãi rác lộ thiên, thường xuyên đốt nhưng cháy không hết, gây ô nhiễm môi trường. Rất mong chính quyền có giải pháp di chuyển bãi rác hoặc rác sau khi đưa về bãi rác phải được xử lý, không để lộ thiên như hiện nay.

Ông Nhâm Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Hoàng cho biết: Toàn xã có 5 tổ thu gom rác thải sinh hoạt, cơ bản thu gom triệt để rác thải trong khu dân cư. Tuy nhiên, bãi tập kết rác thải tập trung với diện tích 3.000m2 nằm gần quốc lộ 39, người dân đi qua đây thường xuyên vứt rác ngay đầu đường, cạnh bãi rác. Hơn nữa, bãi rác lộ thiên với tỷ lệ lấp đầy đạt 70 - 80% nên gây ô nhiễm, bức xúc trong nhân dân. Xã đã chủ động thuê máy xúc và huy động lực lượng thu gom, tráng lấp khu vực đường vào bãi rác nhưng chỉ được một thời gian rác lại ùn ứ do sự thiếu ý thức của một số người dân.

Năm 2014, xã Đông Xuân (Đông Hưng) là địa phương đầu tiên triển khai mô hình điểm đầu tư khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt để các địa phương khác trong tỉnh về học tập, nhân rộng. Lò đốt rác đã từng giúp địa phương giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, với quy mô lò đốt 2,5 tấn/ngày, phù hợp với thời điểm cách đây 10 năm. Nhưng thực tế hiện nay lượng rác phát sinh trên 6 tấn/ngày, gấp gần 3 lần công suất thiết kế của lò đốt. Hơn nữa, sau một thời gian dài hoạt động, lò đốt rác đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng nên không xử lý triệt để lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trong ngày. 

Theo ông Phạm Văn Lâm, tổ xử lý rác thải sinh hoạt xã Đông Xuân, do lò đốt thường xuyên hư hỏng trong khi lượng rác nhiều nên công việc rất vất vả. Rác không được đốt triệt để mà phải vận chuyển ra khu chôn lấp lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường.

Chủ tịch UBND xã Đông Xuân Vũ Hải Đăng cho biết: Kinh phí thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn được ngân sách nhà nước hỗ trợ 140 triệu đồng/năm nhưng thực tế phát sinh trên 200 triệu đồng, ngân sách xã phải bù trên 60 triệu đồng để sửa chữa, trong khi lò đốt ngày càng xuống cấp, hư hỏng. Đây là áp lực cho địa phương cả về ngân sách lẫn bài toán xử lý rác thải sinh hoạt. Rất mong tỉnh, huyện có những chủ trương lớn hơn để có những khu vực xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, công nghệ hiện đại, xử lý triệt để rác thải.

Hiện nay, huyện Đông Hưng có 11 xã đầu tư xây dựng 11 khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt. Sau thời gian dài hoạt động, các lò đốt đã xuống cấp, không bảo đảm về môi trường. Các địa phương còn lại thực hiện theo mô hình chôn lấp với quy mô nhỏ từ 0,3 - 1ha. Hầu hết các bãi rác đã lấp đầy khoảng 60 - 70% diện tích, chỉ khoảng 5 - 7 năm nữa sẽ không còn diện tích để chôn lấp. 

Theo ông Phạm Minh Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Hưng, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, rác thải sinh hoạt phát sinh nhiều, thành phần càng phức tạp. Đối với bãi rác theo công nghệ lò đốt đã được đầu tư từ lâu, xuống cấp thì hiệu quả, hiệu suất xử lý giảm, nhiều địa phương có tình trạng ùn ứ rác. Còn các bãi rác theo mô hình chôn lấp cũng đã đầu tư từ lâu, quy mô nhỏ nên việc xử lý rác chưa bảo đảm, gây ô nhiễm không khí, nước ngầm, gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, việc xây dựng khu xử lý rác tập trung, công nghệ cao theo quy mô của huyện, của tỉnh rất cần thiết.

 Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đông Xuân sau 10 năm đi vào hoạt động đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng.

Minh Nguyệt