Thứ 7, 23/11/2024, 22:45[GMT+7]

Lò đốt rác cỡ nhỏ hoạt động kém hiệu quả

Thứ 2, 05/06/2023 | 09:12:04
3,523 lượt xem
Mô hình lò đốt rác thải trên địa bàn tỉnh từng được xem là những mô hình hay trong việc giải quyết những bất cập về rác thải ở khu vực nông thôn. Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, lò đốt quá tải, xuống cấp, hư hỏng, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.

Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Đông Xuân sau 10 năm hoạt động đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng.

Dân khổ vì ô nhiễm

Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) bằng công nghệ lò đốt của thị trấn Hưng Hà không chỉ xử lý gần 10 tấn rác thải sinh hoạt của thị trấn mà còn xử lý 5 - 7 tấn rác thải sinh hoạt của xã Tân Tiến (Hưng Hà). Tuy nhiên, hơn 1 năm nay lò đốt hỏng, dừng hoạt động. 

Theo ông Nguyễn Duy Hiền, Chủ tịch UBND thị trấn Hưng Hà, khó khăn lớn nhất đối với địa phương trong công tác bảo vệ môi trường hiện nay là khu xử lý CTRSH đã xuống cấp, cần nguồn vốn lớn để đầu tư nâng cấp, sửa chữa trong khi nguồn ngân sách địa phương hạn hẹp. Lò đốt rác thải sinh hoạt đi vào hoạt động từ năm 2016, đốt rác của thị trấn và xã Tân Tiến. Sau hơn 5 năm vận hành, lò đốt luôn trong tình trạng quá tải, thường xuyên hư hỏng, phải sửa chữa, đến đầu năm 2022 thì dừng hoạt động. Vì vậy, toàn bộ CTRSH của thị trấn và xã Tân Tiến đang phải chôn lấp lộ thiên nên gây ô nhiễm môi trường xung quanh khu vực. Để rác thải sinh hoạt được xử lý triệt để, địa phương rất mong tỉnh, huyện sớm triển khai đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung quy mô cấp huyện, liên huyện. 

Bà Nguyễn Thị Nga, thị trấn Hưng Hà bức xúc: Những ngày thời tiết nắng nóng này người dân chúng tôi không ngủ ngon vì mùi hôi thối từ bãi rác. Rác lộ thiên ngày một nhiều trong khi chính quyền địa phương chưa có giải pháp triệt để nên người dân vẫn phải sống trong môi trường ô nhiễm.

Sau gần 10 năm hoạt động, đến nay lò đốt rác thải sinh hoạt của xã Minh Khai (Hưng Hà) đã xuống cấp nghiêm trọng, địa phương nhiều lần đầu tư sửa chữa nhưng cũng chỉ đốt được khoảng 50% tổng lượng rác thải sinh hoạt. 

Ông Bùi Ngọc Sấn, tổ xử lý CTRSH xã Minh Khai cho biết: Bãi rác giờ đã quá tải, gần hết diện tích, ngay cả khu vực để chôn lấp tro xỉ cũng không còn diện tích nên tro xỉ của rác sau khi đốt cũng đành đánh đống.

Có mặt tại lò đốt rác thải sinh hoạt công suất 2,5 tấn/ngày của xã Đông Xuân (Đông Hưng), qua quan sát chúng tôi thấy trong khu vực lò rác thải được tập kết ngổn ngang, phía sau một khối lượng xỉ đốt lò được đổ thẳng ra bãi đất bên cạnh. Tại khu vực xử lý rác thải sinh hoạt này có 2 người vừa phân loại vừa đưa rác vào đốt. Nói là phân loại nhưng thực chất là nhặt những thứ phế liệu, vật liệu xây dựng hoặc những thứ không thể cháy được đưa ra ngoài. Còn đa số rác thải ở đây được đưa thẳng vào lò. Tuy nhiên, lượng rác đốt chỉ đạt khoảng 40 - 50%. 

Theo ông Phạm Văn Lâm, tổ xử lý CTRSH xã Đông Xuân, do lò đốt thường xuyên hư hỏng trong khi lượng rác nhiều nên công việc rất vất vả. Rác không được đốt triệt để mà phải vận chuyển ra khu chôn lấp lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường.

Không đầu tư mới lò đốt rác quy mô nhỏ

Trước thực trạng xuống cấp của lò đốt rác quy mô nhỏ, từ năm 2020 tỉnh Thái Bình không hỗ trợ, không khuyến khích đầu tư xử lý CTRSH theo công nghệ lò đốt quy mô nhỏ. Địa phương có lò đốt rác đầu tư công chỉ được duy trì ở mức độ hiện tại, không mở rộng quy mô. Đồng thời, chú trọng vận hành đúng quy trình thiết kế và thường xuyên duy tu để duy trì hoạt động hiệu quả. Các địa phương khẩn trương quy hoạch, mỗi huyện một điểm xử lý rác thải tập trung quy mô từ 7 - 10ha theo quy định để thu hút đầu tư xã hội hóa dự án xử lý rác thải quy mô toàn huyện, khuyến khích xử lý rác tập trung quy mô liên huyện. Hiện toàn tỉnh có 100 khu xử lý bằng công nghệ lò đốt rác kết hợp chôn lấp quy mô cấp xã, liên xã; các xã còn lại đầu tư xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp theo quy hoạch nông thôn mới. Nhiều khu xử lý CTRSH đã quá tải hoặc diện tích sử dụng không còn. 

Bà Vũ Thị Hồng, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tiền Hải cho biết: Toàn huyện có 25 khu xử lý CTRSH, trong đó 18 lò đốt kết hợp chôn lấp, 7 bãi chôn lấp. Hầu hết các bãi chôn lấp rác đều không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường, tỷ lệ lấp đầy đã đạt trung bình khoảng 70 - 80%. Lò đốt sau thời gian dài hoạt động đã xuống cấp nên tỷ lệ đốt không cao. Phòng đã phối hợp với các phòng, ban, địa phương tham mưu UBND huyện quy hoạch khu xử lý CTRSH tập trung tại xã Nam Chính.

Tại Kiến Xương, lượng CTRSH phát sinh khoảng 110 tấn/ngày, tỷ lệ thu gom đạt 93%. 100% xã, thị trấn đã thành lập tổ thu gom rác thải và vận chuyển về khu xử lý tập trung. Tuy nhiên, việc xử lý CTRSH gặp nhiều khó khăn. 

Theo bà Ngô Thị Bích Liên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, mô hình lò đốt rác quy mô nhỏ chỉ là giải pháp trước mắt nhằm giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực nông thôn những năm về trước. Vì vậy, từ năm 2020, thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc không hỗ trợ, không khuyến khích đầu tư xử lý CTRSH theo công nghệ lò đốt quy mô nhỏ, Phòng đã tham mưu UBND huyện quy hoạch 2 khu xử lý chất thải tập trung quy mô cấp huyện. Trong quá trình hoàn thiện các bước theo quy định của pháp luật, Phòng chủ động phối hợp tuyên truyền, vận động người dân phân loại rác thải tại nguồn; đồng thời, hỗ trợ các địa phương xử lý rác đúng quy định nhưng vẫn chưa triệt để. Vẫn còn tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu xử lý CTRSH.

Để giải quyết yêu cầu bức thiết về xử lý CTRSH, việc đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại phục vụ cho tất cả các xã là giải pháp tối ưu mà nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh mong muốn. Thực tế, từ năm 2021 tỉnh đã xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải rắn tập trung trên địa bàn tỉnh bằng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời, có cơ chế, chính sách hỗ trợ để UBND cấp xã nơi đặt nhà máy xử lý rác và UBND cấp xã nơi giáp ranh liền kề nhà máy xử lý rác được hỗ trợ một khoản kinh phí để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu của địa phương. Vì vậy, người dân trên địa bàn tỉnh mong muốn dự án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung công nghệ cao sớm được triển khai, vận hành và phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt.

Bãi rác lộ thiên tại thị trấn Hưng Hà gây ô nhiễm môi trường, bức xúc trong nhân dân.

Đức Dũng