Thứ 7, 23/11/2024, 20:17[GMT+7]

Đông Hưng: Lò đốt rác chưa giải quyết triệt để rác thải nông thôn

Thứ 2, 19/06/2023 | 22:54:23
3,024 lượt xem
Hiện nay, tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu đang được các địa phương trên địa bàn huyện Đông Hưng nỗ lực thực hiện. Tuy nhiên, bên cạnh những chuyển biến đáng ghi nhận, lĩnh vực bảo vệ môi trường nông thôn vẫn còn nhiều bất cập, trong đó việc xử lý rác thải bằng lò đốt rác chưa giải quyết triệt để vấn đề rác thải nông thôn.

Khu xử lý rác thải xã Đông La (Đông Hưng) lò đốt rác luôn đỏ lửa, song lượng rác thải vẫn chất đầy.

Có mặt tại khu xử lý rác thải bằng lò đốt rác quy mô nhỏ của xã Đông La, chúng tôi thấy các thành viên của tổ vận hành và lò đốt rác đang phải hoạt động hết công suất để xử lý lượng rác thải lớn đang được tổ thu gom rác vận chuyển vào. 

Ông Mai Quý Kỉnh, công chức tài nguyên - môi trường xã cho biết: Đông La có dân số đông 12.000 người, lượng rác thải cần xử lý ngày càng tăng. Xã đã được tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng lò đốt rác thay thế 3 bãi chôn lấp không bảo đảm môi trường. Mỗi ngày lò đốt rác phải xử lý từ 5 - 6 tấn rác, thường xuyên trong trạng thái đỏ lửa nhưng có thời điểm lượng rác thải sinh hoạt vẫn bị ùn ứ. Đáng nói là lò đốt rác tuy đã đầu tư từ lâu, sửa chữa lớn vài lần, sửa chữa nhỏ thường xuyên nhưng việc xử lý rác thải vẫn không triệt để, lượng rác phải chôn lấp còn nhiều; những ngày có gió, khu xử lý rác vẫn phát tán mùi ảnh hưởng đến khu dân cư. Hiện nay, khu chôn lấp lộ thiên của địa phương đã sử dụng 60 - 70% quỹ đất trong quy hoạch. 

Ông Nguyễn Mạnh Hoài, tổ trưởng tổ vận hành lò đốt rác xã Đông La chia sẻ: Nếu vào ngày hanh khô thì lò xử lý được 90 - 100% lượng rác thải, còn hôm nào mưa rác ướt thì không thể đốt hết trong ngày được. So với xử lý rác bằng chôn lấp thì lò đốt xử lý được nhiều rác hơn, không tốn nhiều diện tích, tuy nhiên đây vẫn chưa phải giải pháp ưu việt. Tôi mong tỉnh, huyện sớm triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao để giải bài toán rác thải nông thôn hiện nay nhằm bảo vệ môi trường.  

Với Đông Hợp, lò đốt rác của xã có công suất 3 tấn rác/ngày sau 10 năm hoạt động nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi năm địa phương phải đầu tư hàng trăm triệu đồng nâng cấp, sửa chữa nhưng hiệu quả không như mong đợi. 

Ông Nguyễn Đức Khiêm, công chức tài nguyên - môi trường xã cho biết: Do nhu cầu, mức độ đô thị hóa của Đông Hợp, lượng rác thải công nghiệp, đặc biệt là rác thải sinh hoạt tăng lên. Lò đốt rác thì hư hỏng, xuống cấp, bãi chôn lấp thì quá đầy, xã đã xin bổ sung quy hoạch mở rộng nhưng chưa được phê duyệt và cũng chưa có kinh phí để thực hiện dẫn đến lượng rác quá đầy, gây ô nhiễm môi trường. Nhân lực thu gom và vận hành lò đốt rác thiếu bởi cơ chế, chính sách chưa xứng với công việc độc hại này.

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, hiện nay trên địa bàn huyện có 11 khu xử lý rác thải sinh hoạt theo công nghệ lò đốt của 11 xã; hầu hết đã xuống cấp, năng lực xử lý rác không còn đáp ứng với nhu cầu thực tế của địa phương. Các xã còn lại xử lý rác theo phương pháp chôn lấp với quy mô nhỏ từ 0,3ha đến 1ha. Các bãi rác đã lấp đầy khoảng 60 - 70% diện tích. Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện luôn chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. Nhiều mô hình, cách làm hay trong thu gom, phân loại rác thải đã được các đoàn thể triển khai hiệu quả như: mô hình thu gom, phân loại rác tại nguồn; mô hình tiết kiệm gây quỹ từ thu gom phế liệu; mô hình làn nhựa; bể đựng bao bì thuốc bảo vệ thực vật... đã góp phần xử lý rác thải nông thôn. 

Ông Nguyễn Thế Trì, Trưởng thôn Khuốc Tây, xã Phong Châu thông tin: Trên 95% cán bộ, nhân dân trong thôn đã thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Vì vậy, trong khu dân cư không còn bãi rác tự phát, trong nhà, ngoài ngõ, nơi công cộng đều sạch, đẹp. Bà Nguyễn Thị Bông, thôn Khuốc Tây cho biết: Hàng ngày, chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế tôi gom lại mang tặng chi hội phụ nữ thôn bán lấy tiền giúp đỡ phụ nữ khó khăn, trẻ mồ côi; rác hữu cơ thì đào hố trong vườn đổ xuống, lấp đất trồng cây. Lượng rác còn lại chúng tôi bỏ vào thùng để tổ thu gom rác thu. Mong các địa phương khác cũng tổ chức thu gom, phân loại rác thải tại nguồn nhằm giảm lượng rác thải thải ra môi trường.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn còn một số nơi xảy ra tình trạng xả rác bừa bãi, nhiều bãi rác tự phát hình thành trong khu dân cư, cụm công nghiệp, ven đường giao thông... gây mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường. Ngoài ra, tình trạng xả rác ra sông, ao hồ dù đã giảm so với trước nhưng vẫn còn. Hiện nay, phương pháp xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Đông Hưng nói riêng chủ yếu là đốt thủ công kết hợp chôn lấp, phương pháp này không triệt để dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường nước và môi trường đất. Cần thiết phải áp dụng công nghệ xử lý rác thải tiên tiến để giảm tối đa tác động tiêu cực đến môi trường. Chủ trương quy hoạch, đầu tư xây dựng nhà máy rác thải công nghệ đốt rác phát điện sẽ mang lại nhiều lợi ích, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững của địa phương. 

Ông Lê Công Hưng, xã Đông Cường chia sẻ: Chủ trương xây dựng nhà máy xử lý rác thải phát điện của tỉnh là đúng, trúng. Tôi thấy các nước trên thế giới và một số tỉnh, thành ở nước ta đã áp dụng, tỉnh ta thì chưa có, trong khi rác thải ngày càng nhiều, công nghệ xử lý hiện lạc hậu, chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường. Tôi mong tỉnh sớm nghiên cứu triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao song phải bảo đảm quy chuẩn chung.

Để môi trường sống thực sự xanh, sạch, đẹp cần sự chung tay của mỗi người trong việc nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành việc thu gom, phân loại rác thải tại nguồn và đồng thuận với việc triển khai xử lý rác bằng công nghệ tiên tiến. Tỉnh, huyện đẩy mạnh kêu gọi xã hội hóa huy động các nguồn lực đầu tư cho việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt triệt để.

Lò đốt rác thải xã Đông Hợp sau 10 năm hoạt động đã xuống cấp nghiêm trọng.

Trung Hiếu