Thứ 7, 23/11/2024, 13:56[GMT+7]

Chất thải rắn sinh hoạt: Cần giải pháp xử lý bền vững Kỳ 1: Ô nhiễm từ rác

Thứ 2, 03/07/2023 | 08:37:57
4,172 lượt xem
Những năm gần đây, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn ngày càng đáng ngại, làm “đau đầu” cơ quan chức năng. Đâu là nguyên nhân, khó khăn, bất cập và giải pháp nào để tháo gỡ vấn đề này?

Lò đốt rác xã Đông Xuân (Đông Hưng) sau 10 năm hoạt động đã xuống cấp.

So với các tiêu chí khác trong xây dựng nông thôn mới (NTM), NTM nâng cao, nhiều địa phương trong tỉnh đang gặp khó trong việc hoàn thiện tiêu chí môi trường. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) khiến người dân nhiều nơi phải chấp nhận “sống chung với rác”.

Thu gom triệt để

Tình trạng ô nhiễm ngày càng đáng ngại một phần là bởi kinh phí đầu tư cho việc xử lý CTRSH còn thấp, công nghệ xử lý chưa đạt tiêu chuẩn. Hiện mỗi ngày toàn tỉnh thải ra trên 1.000 tấn CTRSH, gây ra mối nguy lớn cho môi trường và cuộc sống người dân. Trước áp lực đó, công tác thu gom, xử lý CTRSH luôn được tỉnh quan tâm chỉ đạo. Hàng năm, UBND tỉnh đều có kế hoạch chỉ đạo thu gom, xử lý CTRSH, cân đối, phân bổ ngân sách sự nghiệp môi trường cho các cấp, góp phần thực hiện nhiệm vụ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. 100% địa phương thành lập tổ, đội thu gom CTRSH, nòng cốt là hội phụ nữ và lao động nhàn rỗi, giải quyết tạm thời những bức xúc do CTRSH gây ra tại địa phương. 2 - 3 lần mỗi tuần, công nhân vệ sinh các xã, thị trấn tổ chức thu gom CTRSH bằng các phương tiện như xe đẩy tay, xe lôi, xe gắn máy, một số ít xã có ô tô chuyên dùng vận chuyển CTRSH về khu xử lý. Tỷ lệ CTRSH được thu gom đạt 96,37%.

Ông Mai Thế Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Hiện nay, CTRSH trên địa bàn tỉnh chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp hoặc đốt theo công nghệ lò đốt quy mô nhỏ. Việc đầu tư các bãi chôn lấp và lò đốt rác từ gần 10 năm trước đã cơ bản xử lý được lượng rác phát sinh. Tuy nhiên, sau thời gian dài hoạt động, các bãi chôn lấp rác, lò đốt công suất nhỏ đã quá tải và không còn phù hợp. Vì vậy, không xử lý được chất thải thứ cấp phát sinh như nước rỉ rác, khí thải từ quá trình đốt. Cùng với đó, tại một số địa phương, tỷ lệ người dân đóng phí còn thấp (70 - 80%), trong khi các xã, thị trấn không có kinh phí hỗ trợ nên kinh phí chi cho công nhân thu gom CTRSH rất thấp, chưa tương xứng và chưa có các chế độ đi kèm nên công nhân không gắn bó với công việc, hay bỏ việc giữa chừng, khó tìm người thay thế, do đó công tác thu gom CTRSH thường xuyên bị gián đoạn.

Bất cập khu xử lý

Toàn tỉnh hiện có 104 khu xử lý CTRSH bằng công nghệ lò đốt kết hợp chôn lấp và 127 bãi chôn lấp. Các khu xử lý bằng công nghệ lò đốt cỡ nhỏ, tuổi thọ lò thấp, nhanh xuống cấp (chỉ vận hành tốt ở 2 năm đầu), một số chi tiết hay bị hỏng như ống khói, ghi lò, gạch chịu lửa kém, vách lò dễ han, thủng... Trong khi đó, ngân sách của các địa phương hạn hẹp, không bố trí được kinh phí sửa chữa, thay thế. Đã có 13 lò đốt dừng hoạt động, các lò đốt còn lại hầu hết đều đã xuống cấp nhưng vẫn duy trì hoạt động. Tỷ lệ đốt chỉ đạt 40 - 60%. 

Ông Phạm Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Minh Tân (Kiến Xương) cho biết: Lò đốt CTRSH đi vào hoạt động từ cuối năm 2015, thời gian đầu hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương. Nhưng lò đốt chỉ hoạt động tốt 2 - 3 năm đầu, sau đó mỗi năm ngân sách địa phương phải chi 20 - 30 triệu đồng để sửa chữa, thay thế các thiết bị để vận hành lò đốt. Nhưng từ tháng 7/2022, lò đốt hư hỏng hoàn toàn nên địa phương chuyển sang chôn lấp lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường và bức xúc trong nhân dân.

Lò đốt rác thải sinh hoạt xã Minh Tân (Kiến Xương) hư hỏng, dừng hoạt động.

Tại Hưng Hà, bà Trần Thị Hải, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Toàn huyện có 35/35 xã, thị trấn quy hoạch và đầu tư xây dựng khu xử lý CTRSH, trong đó 21 xã, thị trấn đã đầu tư xây dựng lò đốt, các xã còn lại xử lý bằng phương pháp chôn lấp. 100% các thôn thành lập tổ thu gom CTRSH với 288 tổ, 659 người tham gia thu gom, xử lý toàn bộ lượng CTRSH trên địa bàn huyện. Tần suất thu gom 2 - 3 lần/tuần hoặc theo các ngày chẵn, lẻ tùy từng địa phương, thực hiện thu gom CTRSH phát sinh từ các hộ dân, cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, cơ sở sản xuất, kinh doanh... đến khu xử lý tập trung của xã, thị trấn. Các khu xử lý CTRSH theo công nghệ lò đốt đã được đầu tư từ lâu, xuống cấp, hiệu quả, hiệu suất xử lý giảm, nhiều địa phương có tình trạng ùn ứ rác. Còn các khu xử lý CTRSH theo phương pháp chôn lấp cũng đã đầu tư từ lâu, quy mô nhỏ nên việc xử lý chưa bảo đảm, gây ô nhiễm không khí, nước ngầm, gây bức xúc trong nhân dân.



Ông Trần Văn Nhu, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thanh (Kiến Xương)

CTRSH trong khu dân cư cơ bản được thu gom triệt để, người dân có ý thức phân loại rác tại nguồn. Nhưng khu xử lý CTRSH đang gây ô nhiễm môi trường xung quanh bởi lò đốt đi vào hoạt động từ năm 2014 đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nặng, tỷ lệ đốt chỉ đạt 50%.

Ông Phạm Văn Lâm, tổ xử lý rác thải sinh hoạt xã Đông Xuân (Đông Hưng)

Sau gần 10 năm đi vào hoạt động, lò đốt CTRSH của địa phương đã xuống cấp, thường xuyên hư hỏng. Hơn nữa, lượng CTRSH ngày càng nhiều nên công việc của chúng tôi rất vất vả. CTRSH không được đốt triệt để mà phải vận chuyển ra khu chôn lấp lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường.


(còn nữa)
 Minh Nguyệt