Thứ 7, 23/11/2024, 18:14[GMT+7]

Quỳnh Phụ: Quá tải xử lý rác thải nông thôn

Thứ 2, 31/07/2023 | 08:30:41
8,491 lượt xem
Hiện nay, tình trạng rác thải chất đống, ùn ứ ở cánh đồng, trong các lò đốt diễn ra phổ biến tại một số địa phương của huyện Quỳnh Phụ. Nguyên nhân chủ yếu do lượng rác thải quá lớn, không kịp xử lý dẫn đến quá tải. Đây cũng là băn khoăn, trăn trở của chính quyền và nhân dân địa phương.

Rác thải chất đống tại cánh đồng thôn Vọng Lỗ, xã An Vũ (Quỳnh Phụ) chưa được xử lý.

Rác chất đống tại cánh đồng, lò đốt
Những ngày cuối tháng 7, có mặt tại cánh đồng thôn Vọng Lỗ, xã An Vũ, rất dễ nhận ra hàng tấn rác thải chất đống ngay tại cánh đồng đang bốc mùi hôi thối. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Ngọn, Trưởng thôn Vọng Lỗ chia sẻ: Nhiều năm trở lại đây do không có chỗ chôn lấp nên toàn bộ lượng rác thải của 4.000 nhân khẩu trong thôn đều mang ra cánh đồng tập kết. Do không được đốt nên rác chất thành đống, dài hàng chục mét gần ngay đường liên xã làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền địa phương song việc xử lý rác bằng biện pháp san lấp vẫn đang quá tải nên địa phương cũng chưa có phương án xử lý triệt để.

Xã An Vũ có 3 thôn: Đại Điền, Vũ Hạ, Vọng Lỗ, dân số 7.450 người. Trước đây, việc xử lý rác thải của địa phương cũng đã gặp nhiều khó khăn khi không có khu chôn lấp riêng. Để xử lý rác, chính quyền địa phương đã liên hệ với nhà máy xử lý rác Thành Đạt đóng trên địa bàn thị trấn Quỳnh Côi song được một thời gian cũng phải tạm dừng do chi phí xử lý rác cao, bình quân mỗi thôn chi trả khoảng 130 triệu đồng/năm cho nhà máy. Số tiền lớn, địa phương không đủ khả năng chi trả nên quay lại hình thức chôn lấp. 

Ông Phạm Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã An Vũ cho biết: Hiện nay, ngoài thôn Vọng Lỗ rác thải tập kết ở cánh đồng, 2 thôn còn lại chúng tôi thực hiện theo hình thức chôn lấp. Dự định trong thời gian tới địa phương sẽ liên hệ lại với nhà máy xử lý rác Thành Đạt để có phương án xử lý triệt để.

Rác không chỉ chất đống tại các cánh đồng mà ngay tại các lò đốt rác ở các địa phương lượng rác cũng chất đống với khối lượng lớn. Tại lò đốt rác của xã An Vinh, trung bình mỗi ngày có khoảng 4 tấn rác được thu gom về để xử lý, trong khi công suất xử lý của lò đốt khoảng 3 tấn/ngày nên lượng rác dư thừa lưu từ ngày này qua ngày khác tồn lại chất cao, không được xử lý kịp thời gây ô nhiễm. 

Ông Trịnh Quang Lập, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh cho biết: Lượng rác nhiều, lò đốt qua nhiều năm sử dụng thường xuyên hỏng nên vẫn có tình trạng rác chất đống chờ ngày tiêu hủy.

Nhiều lò đốt rác “đắp chiếu”

Hiện tại, ngoài nhà máy xử lý rác Thành Đạt đảm nhận xử lý rác cho 15 xã, thị trấn với công suất 50 tấn/ngày, huyện Quỳnh Phụ có 6 lò đốt rác được đầu tư theo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tại các xã: Quỳnh Hoàng, An Quý, An Vinh, An Thanh, An Dục, An Hiệp. Tuy nhiên, hiện 5 lò đốt dù đang hoạt động nhưng đều trong tình trạng hôm được hôm không, riêng lò đốt tại xã An Hiệp đang trong tình trạng “đắp chiếu”. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch UBND xã An Hiệp chia sẻ: Lò đốt rác của xã được đầu tư xây dựng từ năm 2015 với kinh phí ban đầu tỉnh hỗ trợ 500 triệu đồng. Tuy nhiên, để lò đốt hoạt động được, địa phương phải đầu tư làm đường, hệ thống điện... hết khoảng 700 triệu đồng. Song chỉ được 2 năm đầu hoạt động hiệu quả, từ năm 2017 - 2019 địa phương phải bỏ ra gần 150 triệu đồng để tu sửa, bảo dưỡng. Đến năm 2020 địa phương xin tỉnh dừng hoạt động do không đủ kinh phí sửa chữa và quay lại hình thức chôn lấp truyền thống.

Lò đốt rác của xã An Vinh cũng như lò đốt rác ở các xã trong huyện, dù đang hoạt động song cũng chỉ là cầm chừng, hôm được hôm không. Ông Trịnh Quang Lập, Phó Chủ tịch UBND xã An Vinh cho biết thêm: Lượng rác thải mỗi ngày của 8.000 nhân khẩu trong xã khoảng 4 tấn nên công suất tiêu hủy đối với lò đốt rác sử dụng lâu năm không thể đáp ứng nổi. Chưa kể mấy năm gần đây năm nào cũng xảy ra tình trạng lò đốt gặp sự cố, địa phương không sửa được mà phải chờ người của phía nhà máy sản xuất nên rất mất thời gian, kinh phí bỏ ra không hề nhỏ.

Từ thực tế nhiều lò đốt rác thường xuyên hỏng, rác không kịp xử lý nên hiện nay vào buổi tối tại một số địa phương trong huyện vẫn xảy ra tình trạng đốt rác ngoài cánh đồng, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Bài toán đang chờ lời giải

Huyện Quỳnh Phụ hiện có trên 250.000 dân, ước tính trung bình mỗi ngày lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn khoảng 164 tấn, lượng rác được thu gom, xử lý khoảng 143 tấn. Những năm qua, việc xử lý rác luôn được huyện và các địa phương quan tâm. Hiện nay, ngoài nhà máy xử lý rác Thành Đạt đảm nhận việc xử lý rác cho 15 xã, thị trấn cùng với 5 xã có lò đốt hiện đang hoạt động, huyện còn 17 xã vẫn đang thu gom, vận chuyển và sử dụng biện pháp chôn lấp. Dù các xã đã chỉ đạo các đoàn thể tổ chức phân loại rác thải tại nguồn để thuận tiện cho xử lý song với lượng rác thải quá lớn nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn.

Sau 5 năm hoạt động, lò đốt rác xã An Hiệp (Quỳnh Phụ) ngừng hoạt động do không có kinh phí sửa chữa. 

Lò đốt rác của xã An Vinh (Quỳnh Phụ) rác thải ùn ứ không kịp xử lý do hệ thống máy móc sử dụng lâu năm thường xuyên trục trặc. 

Ông Phạm Hồng Vương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳnh Phụ cho biết: Các bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt đang sử dụng hiện đã quá tải, chưa bảo đảm tiêu chuẩn xử lý rác thải theo quy định, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cần phải đóng cửa trám lấp. Chưa kể kinh phí cho việc mua hóa chất, chế phẩm khử mùi, tăng độ phân hủy rác thải tại các lò đốt, khu chôn lấp cũng lớn là khó khăn, trở ngại với địa phương.

Hiện nay, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, rác thải sinh hoạt phát sinh nhiều, thành phần ngày càng phức tạp. Theo ông Phạm Hồng Vương, các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt ở các địa phương trong tỉnh quy mô nhỏ không còn phù hợp nên việc xử lý rác chưa bảo đảm, gây ô nhiễm không khí, nước ngầm, gây bức xúc trong nhân dân. Chính vì vậy, việc xây dựng khu xử lý rác thải công nghệ cao theo quy mô huyện hoặc liên huyện là rất cần thiết trong thời gian này để giải quyết triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt. Để bảo đảm xử lý rác triệt để, Quỳnh Phụ đã có chủ trương đầu tư quy hoạch điểm xử lý rác tập trung theo nghị quyết của HĐND tỉnh và lựa chọn bãi xử lý rác hiện có của xã Quỳnh Minh làm điểm xử lý rác; đã lựa chọn được nhà đầu tư, giải phóng mặt bằng và đánh giá tác động môi trường, chờ triển khai xây dựng. Hy vọng, bài toán xử lý triệt để rác thải nông thôn sẽ sớm có lời giải.

Nguyễn Cường