Thứ 7, 23/11/2024, 17:49[GMT+7]

Kiến Xương: Ô nhiễm từ những bãi rác giáp ranh

Thứ 4, 09/08/2023 | 08:49:44
5,047 lượt xem
Mặc dù các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở đã quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường song ở Kiến Xương vẫn còn tình trạng ô nhiễm từ những bãi rác giáp ranh, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sức khỏe của người dân, rất cần giải quyết triệt để.

Bãi rác xã Quang Minh ảnh hưởng tới cuộc sống người dân xã Quang Trung (Kiến Xương).

Rác xã này mùi bay xã khác

Nhiều năm nay, người dân thôn Trà Đoài, xã Quang Trung bức xúc vì 5 bãi rác vây quanh. Ông Nguyễn Văn Tô, Bí thư Chi bộ thôn cho biết: Ngoài bãi rác của xã Quang Trung, thôn chúng tôi còn chịu thêm 4 bãi rác giáp ranh của thị trấn Kiến Xương, xã Quang Minh và 2 bãi rác của xã Minh Quang. Với bãi rác của xã Quang Trung đã có nhiều chuyển biến, bởi các hộ dân đã thực hiện phân loại rác thải, rác hữu cơ, rác vô cơ riêng từ các hộ nên đã góp phần bảo đảm cho việc thu gom và xử lý. Tuy nhiên, đối với bãi rác giáp ranh ở xã Quang Minh mặc dù thu gom đến đâu đã chôn lấp, phơi, đốt đến đó nhưng vẫn ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân bởi khoảng cách quá gần, nhà gần nhất chỉ cách hố rác chưa đến 100m. Vì thế, hàng ngày người dân vẫn phải sống chung với khói, mùi hôi thối, mùi khét khó chịu. Thực trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay, chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần với huyện nhưng vẫn không chuyển biến.

Bà Nguyễn Thị Pha bức xúc: Khoảng cách từ khu vực chúng tôi ở đến bãi rác của xã Quang Minh rất gần nên nhiều năm nay cuộc sống của hàng trăm hộ dân chịu ảnh hưởng nặng nề bởi mùi hôi thối, các loại sinh vật gây hại như ruồi, chuột, gián và đặc biệt là khói bốc lên từ bãi rác khiến sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Bãi rác đó cũng trở thành nơi trú ngụ của chuột phá hoại mùa màng, ảnh hưởng tới năng suất lúa. Không những thế, mỗi lần lò đốt rác ở thị trấn Kiến Xương hoạt động lại càng khổ hơn bởi khói bốc lên nghi ngút, có mùi khét, nhất là khi gió mạnh khói và mùi ô nhiễm bay về bao phủ cả khu dân cư khiến chúng tôi rất khó chịu.

Không chỉ ở xã Quang Trung, tình trạng bãi rác giáp ranh gây ô nhiễm môi trường còn xảy ra ở một số xã khác. Ông Hoàng Xuân Ba, thôn Luật Ngoại 2, xã Quang Lịch cho biết: Nhà tôi ở gần bãi rác của xã Hòa Bình, đây là bãi rác xử lý theo hình thức chôn lấp và đốt lộ thiên nên ảnh hưởng rất lớn tới môi trường. Nhiều khi đốt rác không cháy hết cứ âm ỉ kéo dài nên khói cũng kéo dài nhiều ngày gây mùi khó chịu khiến người dân thường xuyên phải đóng cửa nhà cả ngày cả đêm. Gần 10 năm nay, cứ khi người dân làm đơn kiến nghị lên các cấp thì vấn đề ô nhiễm giảm bớt được một thời gian, nhưng rồi đâu lại vào đấy. Huyện cũng đã trực tiếp tới hiện trường và nói sẽ xây dựng nhà máy xử lý rác thải nhưng từ ngày đó đến nay vẫn chưa xây, hàng ngày người dân phải sống chung với mùi hôi thối.

Bà Trương Thị Yến cho biết: Do bãi rác rất gần với khu dân cư nên nhiều năm nay người dân đã viết đơn kiến nghị lên tỉnh, huyện nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề này. Nếu về mùa đông gió Bắc thổi chúng tôi còn đỡ nhưng gió Tây, Đông Nam thì ngửi trọn vẹn mùi của bãi rác. Trong xóm giờ có nhiều người già, trẻ con, chúng tôi đã chọn giải pháp đóng cửa nhà nhưng mùi hôi thối vẫn bay vào nhà ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe. Chưa kể tới tình trạng ruồi nhặng có đợt còn kéo tới đầy nhà. Vì thế, chúng tôi mong xã Hòa Bình sớm di chuyển bãi rác ra khu vực khác để trả lại môi trường sống trong lành cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Quang Lịch cho biết: Từ khi xã Hòa Bình đặt bãi rác ở đó thì toàn bộ 15 hộ dân của xóm 4, thôn Luật Ngoại 2 bị ảnh hưởng bởi mùi hôi thối và khói của bãi rác xã bạn. Trước đây rác còn đổ tràn lan ra ngoài đường nhưng nhiều lần xã kiến nghị nên đến nay đã thu gọn hơn. Mùa nắng nóng bà con chịu ảnh hưởng trực tiếp từ khói đốt, mùa đông ảnh hưởng trực tiếp về mùi mỗi khí gió Đông thổi về nên người dân rất bức xúc.

Rác đốt lộ thiên ở bãi rác Lộ Vọng, xã Hòa Bình (Kiến Xương).

Ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết: Toàn xã hiện có 2 bãi rác, trong đó bãi rác Lộ Vọng giáp ranh với xã Quang Lịch được quy hoạch từ năm 2012 theo hình thức chôn lấp có diện tích trên 4.200m2, là nơi tập kết khoảng 2,5 tấn rác/ngày. Mặc dù biết là không bảo đảm khoảng cách với khu dân cư xã Quang Lịch song khó khăn do không có quỹ đất để quy hoạch nên nhiều năm qua người dân đã có kiến nghị nhưng địa phương vẫn chưa giải quyết triệt để được tình trạng này. Địa phương đang nghiên cứu quy hoạch bãi rác ra khu mới.

Khó nhiều bề

Theo số liệu của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương, toàn huyện hiện có 21 bãi rác được xử lý theo phương pháp chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Hầu hết các bãi chôn lấp được hình thành từ lâu, bản chất là các hố chôn được địa phương quy hoạch, đào để chứa rác, sau một thời gian lấp đầy sẽ đào thêm các hố ở khu đất bên cạnh để tiếp tục chôn lấp. Cùng với đó, huyện Kiến Xương có 12 lò đốt rác kết hợp chôn lấp đặt tại 12 xã, thị trấn, mỗi khu xử lý có diện tích từ 2.500 - 10.000m2; khoảng cách gần nhất đến khu dân cư cơ bản bảo đảm lớn hơn 300m với kinh phí đầu tư trung bình từ 3 - 4 tỷ đồng. Về quy mô công suất thiết kế, các lò đốt từ 300 - 1.000kg/giờ, tuy nhiên qua thực tế hoạt động, các lò chỉ đạt được 50 - 70% công suất đốt. Hiện tại, các lò đốt đã xuống cấp, hiệu quả đốt giảm từ 60 - 70% công suất thiết kế, trong khi đòi hỏi chi phí sửa chữa lớn, các địa phương không có tiền để đầu tư nên đến nay đã có 2 lò đốt dừng hoạt động. Về quy trình vận hành, hiện các khu xử lý đều vận hành với quy trình công nghệ đơn giản. CTRSH được thu gom, tập kết tại khu xử lý; công nhân vận hành tổ chức phân loại sơ bộ, các loại CTRSH được đưa vào lò đốt bằng biện pháp thủ công, số CTRSH không đốt được và tro xỉ phát sinh từ lò đốt được đưa đi chôn lấp tại các hố chôn lấp trong khuôn viên khu xử lý rác. Theo thực tế đánh giá, tỷ lệ rác phải chôn lấp chiếm 50 - 60% tổng lượng CTRSH tập kết tại bãi chôn lấp.

Bà Ngô Thị Bích Liên, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Kiến Xương cho biết: Phòng đã cung cấp số điện thoại theo đường dây nóng công khai để khi có vấn đề về ô nhiễm môi trường người dân trực tiếp thông báo để huyện vào cuộc xử lý kịp thời. Do đó, hiện tượng xã nọ kêu xã kia đã giảm hẳn, nhiều xã đến nay người dân không còn kiến nghị về bãi rác của xã bên cạnh cũng như tình trạng ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư. 

Tuy nhiên, còn một số khó khăn nên việc xử lý tình trạng này chưa được triệt để bởi ý thức của người dân chưa cao, vẫn còn tình trạng người dân ở xã này vất rác ra bãi rác của xã khác, việc không xã nào nhận rác do người dân bên mình đổ hay người ở một xã nhưng sử dụng đất hành chính lại ở xã cạnh... Ngoài ra, huyện cũng yêu cầu những xã có bãi rác giáp ranh không bảo đảm khoảng cách tập trung xử lý bảo đảm môi trường sống người dân xung quanh. Đặc biệt, huyện sẽ tập trung kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại như đã quy hoạch để bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Đường vào bãi rác Lộ Vọng, xã Hòa Bình.

 Thu Thủy