Thứ 5, 14/11/2024, 10:59[GMT+7]

Tiếp tục xác lập trên thực địa diện tích rừng ngập mặn kết hợp phát triển không gian kinh tế biển

Thứ 5, 31/08/2023 | 08:25:20
6,847 lượt xem
Với trên 52km bờ biển, Thái Bình chịu tác động trực tiếp của thiên tai, biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, đây cũng là lợi thế trong phát triển công nghiệp. Đặc biệt, phát triển kinh tế hướng biển là một trong năm trọng tâm Thái Bình đang tập trung thực hiện, tạo bước đột phá tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Chủ trương nhất quán, xuyên suốt mà Thái Bình thực hiện là phát triển kinh tế - xã hội bền vững đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.

Rừng ngập mặn xã Nam Thịnh (Tiền Hải).

Những năm qua, Thái Bình luôn kiên trì mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, sẵn sàng từ chối các dự án lớn nếu không bảo đảm yếu tố bền vững, xâm hại môi trường. Tỉnh luôn xác định phát triển kinh tế biển phải trên cơ sở tài nguyên biển được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị của hệ sinh thái biển.

Là vùng đất ven biển, được hình thành bởi bãi bồi của sông Hồng, sông Thái Bình với truyền thống quai đê lấn biển, mỗi tấc đất ven biển Thái Thụy, Tiền Hải đều là mồ hôi, công sức của bao thế hệ quai đê, lấn biển mà có. Do đó, công tác trồng, bảo vệ, phát triển rừng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đặc biệt coi trọng. Để phát triển rừng, những năm qua tỉnh đã có chủ trương và nhiều cơ chế, chính sách phát triển rừng, trong đó huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, nguồn vốn của các tổ chức nước ngoài, các nguồn vốn khác và huy động sự vào cuộc của người dân. Đến nay, tỉnh Thái Bình có gần 4.248ha rừng ở ven biển, tăng trên 539ha so với năm 2015. Tỉnh phấn đấu đến năm 2030 trồng mới thêm 1.000ha và trồng bổ sung thêm 500ha. Bên cạnh đó, diện tích rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khi chuyển mục đích sử dụng đều phải trồng rừng thay thế. Vậy nên, diện tích và chất lượng rừng ven biển của tỉnh Thái Bình không ngừng được mở rộng và nâng cao, từ đó phát huy hiệu quả phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ sản xuất, đời sống nhân dân, tạo môi trường sinh thái, môi trường sống cho các loài động vật, thực vật.

Từ năm 2019 đến năm 2022, diện tích rừng ngập mặn của Thái Bình tăng 539ha.

Thực hiện Quyết định số 1486/QĐ-TTg, ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1486), tỉnh Thái Bình rà soát điều chỉnh các quy hoạch có liên quan bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ với Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế. Trong đó, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 731/QĐ-UBND, ngày 17/4/2023 về việc xác định vị trí, quy mô diện tích, ranh giới khu rừng đặc dụng tại 3 xã ven biển Nam Thịnh, Nam Phú, Nam Hưng (Tiền Hải) đã được UBND tỉnh xác lập tại Quyết định số 2159/QĐ-UBND, ngày 26/9/2014. Theo đó, ranh giới được xác định bằng 38 điểm tọa độ, quy mô diện tích 1.320ha. 

Ông Đinh Vĩnh Thụy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc xác định vị trí, quy mô ranh giới cho khu rừng đặc dụng tại 3 xã Nam Phú, Nam Hưng, Nam Thịnh (Tiền Hải) theo Quyết định số 731 vừa bảo đảm các khu rừng được xác lập đều có ranh giới để quản lý vừa tránh chồng lấn với Khu kinh tế Thái Bình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để giải quyết tình trạng một phần diện tích rừng, đất chưa có rừng thuộc quy hoạch lâm nghiệp bị đưa ra khỏi quy hoạch lâm nghiệp, tỉnh đã bố trí quỹ đất ven biển phù hợp để đưa vào quy hoạch lâm nghiệp trong quy hoạch tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, đến năm 2030, Thái Bình trồng mới 1.000ha, trồng bổ sung 500ha rừng ven biển. Đối với diện tích rừng vẫn được tiếp tục quản lý, bảo vệ để phát huy vai trò phòng hộ ven biển. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng rừng phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Lâm nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan, đồng thời tiến hành trồng rừng thay thế. Kết quả của các công việc trên mới chỉ dừng lại ở việc hoàn thiện các quy hoạch, hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp vẫn không có gì thay đổi. Tỉnh chưa phê duyệt chủ trương đầu tư cho một dự án nào.

Liên quan đến việc triển khai Quyết định số 1486 gây ra một số dư luận trái chiều, đồng chí Lại Văn Hoàn, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp, thảo luận các nội dung liên quan; giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, đơn vị có liên quan. Đến nay, một số vấn đề đã được làm rõ. Thời gian tới, tỉnh sẽ chủ động làm việc, đề nghị các bộ, ngành Trung ương giúp Thái Bình làm rõ các sở cứ gắn với thực tiễn tại Thái Bình, đồng thời xác định rõ những vấn đề pháp lý cũng như áp dụng trong điều kiện thực tiễn nhằm bảo đảm các mục tiêu: bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường; thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt thực hiện được Quyết định số 1486 với quan điểm xuyên suốt là phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường.

Ngân Huyền