Thứ 7, 23/11/2024, 18:07[GMT+7]

Chung tay giảm thiểu rác thải nhựa

Thứ 2, 11/09/2023 | 09:35:22
2,270 lượt xem
Trung bình mỗi ngày toàn tỉnh phát sinh khoảng trên 1.000 tấn rác thải sinh hoạt, trong đó rác thải nhựa (RTN) chiếm từ 5 - 10%. Vậy chúng ta đã, đang hành động như thế nào để chung tay giảm thiểu RTN ra môi trường.

Phụ nữ thành phố tích cực hưởng ứng phong trào dùng làn nhựa đi chợ.

Bà Nguyễn Thị Huệ, tổ 1, phường Trần Lãm (thành phố Thái Bình) cho rằng: Hiện nay, nhiều người dân đi chợ hay đi mua sắm gì cũng đều sử dụng túi nilon; rồi chai, lọ, hộp đựng đồ dùng, đồ uống, xà phòng, dầu gội đầu, sữa tắm... dùng xong thì cũng chỉ biết vứt ra sọt rác. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc xả RTN ra môi trường. 

Còn theo bà Trương Thị Liên, khu Hưng Long, thị trấn Kiến Xương (Kiến Xương): Bản thân tôi cũng biết túi nilon hay đồ nhựa rất khó phân hủy, gây hại cho môi trường nhưng vẫn phải sử dụng hàng ngày khi đi mua sắm hay đi chợ. Gia đình tôi mỗi ngày phải sử dụng ít nhất 7 - 10 túi nilon để đựng rau, củ, quả, thức ăn sống, thức ăn chín và rất nhiều các loại đồ nhựa khác được dùng trong gia đình...

Những ý kiến trên đã phản ánh đúng thực trạng hiện nay của hầu hết các gia đình Việt. Chỉ cần mua rau thơm 1.000 - 2.000 đồng thôi cũng phải mất một cái túi nilon để đựng mang về nhà và sẽ ngay lập tức được vứt vào thùng đựng rác. Vẫn biết xả thải RTN ra môi trường là hành động làm ảnh hưởng đến môi trường nhưng thực tế số đông các gia đình đang lạm dụng việc sử dụng túi nilon mỗi ngày. Bởi đồ nhựa dùng một lần đang được cung cấp miễn phí nên vô hình chung tạo cho chúng ta một thói quen khó bỏ.

Không thể phủ nhận sự tiện dụng mà đồ nhựa mang lại cho cuộc sống con người nên đã hiện diện ở mọi nơi xung quanh chúng ta. Thế nhưng, đằng sau sự tiện dụng đó là một mối nguy hại cho cả thế giới loài người. Chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh hiện nay chủ yếu nằm trong chất thải rắn (CTR). Việc quản lý chất thải nhựa không tách khỏi việc quản lý CTR, đây đều là vấn đề đáng báo động. Toàn tỉnh hiện có 104 khu xử lý CTR sinh hoạt bằng công nghệ lò đốt rác kết hợp chôn lấp và 127 bãi chôn lấp. Hầu như các khu xử lý CTR sinh hoạt theo công nghệ lò đốt đã được đầu tư từ lâu, xuống cấp, hiệu quả, hiệu suất xử lý giảm, nhiều địa phương có tình trạng ùn ứ rác. Còn các khu xử lý CTR sinh hoạt theo mô hình chôn lấp cũng đã đầu tư từ lâu, quy mô nhỏ nên việc xử lý rác chưa bảo đảm, gây ô nhiễm không khí, nước ngầm.

Với mục tiêu đến năm 2025 sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vu cho mục đích sinh hoạt thay thế túi nilon khó phân hủy; bảo đảm thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng RTN phát sinh..., thời gian qua, UBND tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa”. 

Ông Hoàng Văn Ngoạn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường phổ biến các văn bản thuộc lĩnh vực môi trường, tác hại của chất thải nhựa đến cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân; khuyến khích mọi người không sử dụng các sản phẩm nhựa khó phân hủy, sử dụng một lần trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, kêu gọi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hãy hành động và vận động người thân cùng thực hiện “Nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần”. Vận động mọi người xây dựng thói quen, hành vi sử dụng sản phẩm dễ phân hủy hoặc có thể tái chế, tái sử dụng để thay thế sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy; không sử dụng ly, cốc, bình nhựa sử dụng một lần để tiếp khách và trong sinh hoạt tại cơ quan, đơn vị.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường từ RTN hiện nay, các cấp, ngành, đoàn thể, các trường học và nhiều người dân đã, đang tích cực tham gia bảo vệ môi trường bằng những việc làm, hành động rất thiết thực. Hầu hết các trường mầm non trên địa bàn tỉnh đều làm rất tốt việc thu gom và tái sử dụng RTN, biến RTN thành những vật hữu ích mang giá trị nhân văn. Hay các cấp hội: nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, MTTQ cũng đã, đang có những mô hình thu gom, phân loại RTN tại nguồn để gây quỹ hội hoặc hỗ trợ hội viên, trẻ em nghèo. Đó còn là phong trào chị em phụ nữ dùng làn nhựa đi chợ hay chị em phụ nữ ở nhiều làng quê dùng lá dong, lá chuối để đựng thực phẩm thay vì đựng túi nilon... Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, cơ sở chuyên thu gom, phân loại RTN để tái sản xuất ra hạt nhựa hay bao bì, đem lại thu nhập cho gia đình và tạo việc làm cho người lao động. 

Cơ sở chuyên sản xuất bao bì của anh Phạm Văn Năm, xã Quốc Tuấn (Kiến Xương) trung bình mỗi tháng thu mua trên 600 tấn bao bì phế thải và các đồ thừa trong quá trình sản xuất bao bì của các nhà máy để tái chế cung cấp cho thị trường từ 180 - 250 tấn phôi nhựa và trên 400 tấn bột giấy tách từ các bao bì phế thải để sản xuất các loại bìa cát tông. Cơ sở tạo việc làm cho 50 lao động tại chỗ và khoảng 200 lao động vệ tinh. 

Hay như nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ) thuộc Công ty Cổ phần Thành Đạt mỗi ngày thu gom khoảng 60 tấn rác thải sinh hoạt từ 16 xã và thị trấn Quỳnh Côi. Sau khi được phân loại, RTN được đưa vào dây chuyền sản xuất hạt nhựa còn rác hữu cơ chế biến thành phân bón.

Những việc làm, những hành động dù là nhỏ nhất nhưng thiết thực của mỗi chúng ta sẽ hạn chế đáng kể lượng RTN thải ra môi trường, góp phần giữ gìn và bảo vệ môi trường sống xanh, sạch.

Rác thải nhựa được đưa vào dây chuyền sản xuất hạt nhựa của Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt Quỳnh Côi (Quỳnh Phụ). 

Minh Nguyệt