Thứ 7, 23/11/2024, 09:43[GMT+7]

Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội

Thứ 3, 04/06/2024 | 22:05:36
4,642 lượt xem
Ngày Môi trường thế giới năm 2024 được Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa”, kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu cùng chung tay hướng tới mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu, bảo vệ tự nhiên, tăng cường sinh kế và an ninh lương thực cho hàng tỷ người trên toàn thế giới.

Trồng rừng ngập mặn góp phần phòng chống, giảm nhẹ hậu quả do thiên tai gây ra và bảo tồn đa dạng sinh học. Trong ảnh: Rừng ngập mặn tại huyện Thái Thụy.

Nhằm khẳng định quyết tâm của tỉnh đối với công tác bảo vệ môi trường (BVMT), hưởng ứng ngày Quốc tế đa dạng sinh học 22/5, ngày Môi trường thế giới 5/6, tháng hành động vì môi trường năm 2024, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành Công văn số 1792 yêu cầu các sở, ngành, các địa phương nâng cao nhận thức, coi nội dung phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa là một phần không thể tách rời của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, là nhiệm vụ quan trọng của quá trình phát triển bền vững gắn với các chương trình, dự án, sáng kiến có liên quan tới biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiên tai và phát triển sinh kế bền vững. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải từ hoạt động xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp (đặc biệt là hoạt động chăn nuôi và canh tác nông nghiệp) và quy định về phân loại rác thải tại nguồn (theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường tại khoản 1 Điều 79 và khoản 1 Điều 75 phải được thực hiện chậm nhất là ngày 31/12/2024), bảo đảm chất thải phát sinh phải được xử lý đáp ứng các yêu cầu về BVMT và quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia về chất thải tương ứng trước khi thải ra môi trường, đặc biệt nghiêm cấm việc xả thải không đúng quy định ra môi trường đất. Tăng cường triển khai nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc phục hồi đất, chống hạn hán và sa mạc hóa, đặc biệt là những khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp của hiện tượng hạn hán, sa mạc hóa; phát hiện, biểu dương, khen thưởng tổ chức, cá nhân và cộng đồng, doanh nghiệp có thành tích, sáng kiến tiêu biểu trong hoạt động BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên của đất nước. Đẩy mạnh tổ chức các hoạt động cộng đồng như mít tinh hưởng ứng, ra quân vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom, xử lý chất thải; đẩy mạnh tuyên truyền việc không sử dụng túi nilon khó phân hủy và các sản phẩm nhựa dùng một lần; sản xuất, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Tăng cường phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí tuyên truyền về chủ đề BVMT, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Phát hiện, biểu dương và khen thưởng những tổ chức, cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp có đóng góp hiệu quả, thiết thực trong việc sử dụng hợp lý tài nguyên, BVMT, bảo tồn đa dạng sinh học, sản xuất, tiêu dùng bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu. 

Xác định rõ công tác BVMT là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, đặc biệt là việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh, văn minh, thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, bất cập song hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều chủ động thực hiện hiệu quả việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt. 

Đoàn viên thanh niên tham gia dọn vệ sinh môi trường. 

Huyện Quỳnh Phụ có 33 xã, thị trấn, mỗi năm hơn 43.000 tấn rác thải sinh hoạt thải ra môi trường được thu gom, xử lý bằng lò đốt và chôn lấp thủ công đạt trên 98%. Ngoài 5/6 lò đốt rác thải sinh hoạt tại 5 xã vẫn đang hoạt động tương đối ổn định. Quỳnh Phụ có 15 xã, thị trấn ký kết hợp đồng với nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi thuộc Công ty Cổ phần Thương mại Thành Đạt để xử lý rác thải sinh hoạt hàng ngày với tổng lượng rác ước khoảng 60 tấn. 13 xã còn lại xử lý rác thải sinh hoạt bằng phương pháp chôn lấp. 

Ông Phạm Hồng Vương, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: Những năm qua, Quỳnh Phụ đã triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong cộng đồng dân cư. Để hưởng ứng ngày Môi trường thế giới và tháng hành động vì môi trường, ngay từ cuối tháng 5/2024, Phòng đã tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai với các hoạt động thiết thực, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức, cộng đồng và người dân, qua đó lan tỏa nhanh, trên diện rộng góp phần nâng cao nhận thức về BVMT. Tổ chức treo băng rôn tại các tuyến đường, cơ quan, đơn vị, địa điểm công cộng để đẩy mạnh tuyên truyền trực quan. Ra quân tổng vệ sinh môi trường, thu dọn các bãi rác tạm, phát quang bờ rào, bụi rậm, giải tỏa hành lang lề đường, quét dọn các tuyến đường, ngõ xóm... 

Với những hoạt động thiết thực, hy vọng đây sẽ là cơ hội để mỗi người dân trên địa bàn tỉnh tích cực tham gia hưởng ứng, chung tay hướng tới những mục tiêu phục hồi đất đai, chống sa mạc hóa và khả năng chống hạn, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. 

Mô hình thu gom phế liệu gây quỹ ủng hộ phụ nữ, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn xã Duyên Hải (Hưng Hà). 

Minh Nguyệt