Thứ 7, 23/11/2024, 10:09[GMT+7]

Nhiều kết quả tích cực từ Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương

Thứ 2, 08/07/2024 | 23:30:33
4,025 lượt xem
Rác thải nhựa đại dương là một trong những vấn đề môi trường nghiêm trọng, cấp bách và mang tính toàn cầu. Rác thải nhựa đại dương để lại nhiều hệ lụy đến kinh tế - xã hội và môi trường.

Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa đang trở thành một trong những vấn đề bức thiết hàng đầu mà các quốc gia trên thế giới phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

Theo số liệu của Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF - Việt Nam) cho biết, kết quả phối hợp nghiên cứu với Bộ tài nguyên môi trường cho thấy, bình quân Việt Nam mỗi năm thải ra đại dương 1,8 triệu tấn rác thải nhựa. Phần lớn trong số đó là có túi nylon. Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần…Với số lượng rác thải đó đã biến Việt Nam trở thành một trong năm Quốc gia thải rác ra đại dương nhiều nhất Thế giới.

Với sự tư vấn và hỗ trợ kỹ thuật, tài chính từ WWF, Chính phủ Việt Nam đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Sau gần 5 năm thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đã có nhiều kết quả tích cực.

Mục tiêu & giải pháp của Kế hoạch hành động quốc gia quản lý rác thải nhựa đại dương. 

Cùng nhau nhìn lại, đánh giá 5 nhiệm vụ, giải pháp đã đạt được trong những năm qua 

Nhận thấy sự nguy hiểm của ô nhiễm rác thải nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng. Nhiều địa phương trên khắp cả nước cũng như các doanh nghiệp đã có những hành động, hoạt động tích cực trong việc tuyên truyền, nâng cao ý thức và thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa. Hiện nay các siêu thị bán lẻ như Aeon, GO! & BigC, Winmart, Pico,... đã sử dụng các túi ni lông dễ phân hủy thay thế cho các túi ni lông truyền thống, ngoài ra nếu bạn sử dụng túi eco khi mua sắm tại Aeon sẽ được giảm trực tiếp 1000 đồng trên hóa đơn thanh toán. Điều đó đã tạo thói quen mang túi đựng khi đi mua sắm tại các siêu thị của rất nhiều người dân. Gần đây, TH true mart, Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, AEON Việt Nam, LOTTE Mart Việt Nam triển khai chương trình “Ngày không túi ni lông” vào các ngày thứ 4 trong tuần, các đơn vị sẽ vận động khách hàng không sử dụng túi ni lông tại hệ thống các cửa hàng, khách hàng mua sắm sẽ được đóng hàng bằng những thùng các tông tái sử dụng hoặc mang túi đựng nhiều lần đi để đựng đồ. Các ngày trong tuần cũng được nhân viên siêu thị truyền thông, gợi ý hạn chế dùng túi nilong mà thay bằng các thùng các tông đựng hàng hóa.

Rất nhiều phong trào được tổ chức thực hiện ở các địa phương, tùy từng địa phương cụ thể mà có những hoạt động nhằm mang lại mục đích chung của Kế hoạch hành động quốc gia như “Nói không với túi nilon và sản phẩm nhựa sử dụng một lần” tại chợ Đông Ba- tỉnh thừa Thiên Huế; “Chủ Nhật Không Rác Thải Nhựa” tại Huyện Thanh Chương – Nghệ An, “Chủ nhật xanh” trên nhiều tỉnh thành đã được rất nhiều bạn trẻ hưởng ứng, lan tỏa đến cả các bạn học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường. Các phong trào này được tổ chức thực hiện, duyy trì đều đặn hàng tháng, thể hiện quyết tâm, thay đổi hành vi trong bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, các cuộc thi, giải báo chí “Giảm ô nhiễm nhựa đại dương”; cuộc thi ảnh “Ô nhiễm trắng và những tác động đến hệ sinh thái biển” hay cuộc thi “Đại sứ giảm nhựa” đã được phát động và đem lại hiệu quả cao trong công tác tuyên truyền về nhận thức của người dân đối với ảnh hưởng của rác thải nhựa.

Thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải, rác thải nhựa ở khu vực ven biển và trên biển

Trong khuôn khổ hợp tác, hỗ trợ của WWF-Việt Nam hoạt động giám sát rác thải tại các bãi biển ở Việt Nam đạt hiệu quả tích cực, nhiều tỉnh thành có biển đã có những phương thức thu gom rác thải khác nhau nhưng đều mang lại hiệu quả nhằm giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trên biển.

Hành động nhỏ, thay đổi lớn. (Hình ảnh: Xuân Lộc) 

Tại TP Phú Quốc (Kiên Giang): thực hiện phong trào “Ngày vì môi trường Phú Quốc”, mỗi sáng thứ 7 tại Phú Quốc đèu tích cực hơn với sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, cư dân và du khách trên đảo, thu gom bình quân mỗi ngày 558kg rác ven bờ biển. Với kế hoạch “Nói không với rác thải nhựa và xóa điểm nóng về rác thải nhựa”, nhóm Phú Quốc Sạch và Xanh triển khai hoạt động thu gom rác nhựa tại các điểm nóng của Phú Quốc mỗi tháng 1 lần, đặc biệt tại các đảo nhỏ nơi tập trung các hoạt động du lịch lặn ngắm san hô.

Tại Bà Rịa – Vũng tàu: Để giảm áp lực rác thải, chính quyền Bà Rịa - Vũng Tàu và huyện Côn Đảo đã ban hành và triển khai nhiều biện pháp, trong đó, để giải quyết rác tồn động tại Bãi Nhát, huyện đã đưa lò đốt rác thải sinh hoạt vào hoạt động với công suất 150-500 kg rác mỗi giờ. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã chấp thuận chủ trương đầu tư nhà máy xử lý rác thải với quy mô công suất giai đoạn đến năm 2030 là 36 tấn mỗi ngày, đến năm 2040 là 50 tấn mỗi ngày và đến năm 2045 là hơn 66 tấn.

Ở giai đoạn ngắn hạn, các phong trào về giảm thiểu rác thải nhựa và thực hiện phân loại rác thải tại nguồn trên toàn địa bàn huyện cũng đã được triển khai thường xuyênphong trào Ngày thứ bảy xanh - sạch - đẹp với 7-9 đợt ra quân mỗi năm, thu hút sự tham gia của các cơ quan đơn vị và cộng đồng dân cư trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó là phong trào đổi rác lấy quà được phát động từ đầu năm 2022 đến nay, qua 10 đợt triển khai, đã thu gom được gần 1 tấn rác nhựa tái chế.

Tại Quảng Ninh, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã triển khai lắp đặt các thùng rác nổi trên biển để người dân trên Vịnh có điểm tập kết rác trước khi vận chuyển lên bờ. Ban Quản lý vịnh cũng đôn đốc các tổ chức, cá nhân thay thế phao xốp trong các công trình nổi trên vịnh Hạ Long bằng các vật liệu nổi bền vững khác nhằm giảm thiểu rác thải xốp trôi nổi trên vịnh.

Tại Hải Phòng cũng đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo như: chợ Cát Bà nói không với túi ni lông khó phân hủy; Mô hình “Xã đảo không sử dụng túi ni lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần” tại xã Việt Hải. Mô hình Ngôi nhà xanh chống rác thải nhựa cũng là mô hình thu gom, tái chế rác thải nhựa do Quận đoàn Hải An triển khai thí điểm tại phường Đông Hải 1 phát huy sự hiệu quả suốt thời gian qua.

Tại Quảng Ngãi, mô hình Làng không rác được triển khai thí điểm tại làng Gò Cỏ (xã Phổ Thạnh). Mô hình “Làng không rác” được triển khai bao gồm hoạt động phân loại rác tại nguồn (69 hộ dân của làng sẽ được trang bị mỗi hộ một bộ ba thùng rác chứa rác vô cơ, hữu cơ và tái chế để phân loại rác tại nhà; được tập huấn, giám sát trong việc phân loại rác tại nguồn). Đối với hợp phần làm phân compost (phân hữu cơ), Dự án trang bị thiết bị và giúp người dân biết cách ủ rác hữu cơ thải ra hàng ngày để thành phân hữu cơ dùng cải tạo đất, hoặc bón cho cây trồng.

Tại Quảng Nam, tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch bãi biển; triển khai chiến dịch “Giám sát rác thải nhựa bãi biển và đáy biển kết hợp dọn vệ sinh, thu bắt sao biển gai trong Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm” tối thiểu 02 lần/năm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; Mô hình “Ngôi nhà đại dương”- ngư dân mang rác về bờ cũng là một trong những hoạt động được cộng đồng cư dân, doanh nghiệp ở Cù Lao Chàm nhiệt tình ủng hộ.

Kiểm soát rác thải nhựa từ nguồn

Tại các địa phương, Xây dựng hệ thống phân loại rác thải tại nguồn. Triển khai các chương trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng.

Yêu cầu các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh phân loại rác thải nhựa từ nguồn thành các nhóm như nhựa cứng, mềm, nilon, chai lọ, v.v.

Cung cấp các thùng/túi phân loại rác tại các khu dân cư, cơ sở kinh doanh.

Hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học, ứng dụng, phát triển, chuyển giao công nghệ về xử lý rác thải nhựa đại dương

Trong những năm qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, đơn vị, tổ chức liên quan xây dựng các đề tài, đề án và các dự án nhằm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Bên cạnh đó cũng tăng cường hợp tác quốc tế, nghiên cứu khoa học với các nước, cùng nhau giải quyết vấn đề chất thải nhựa đại dương; đẩy mạnh nghiên cứu, trao đổi chuyên sâu, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia trên thế giới về rác thải nhựa đại dương.

Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn do Australia khởi xướng, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc phát động trên phạm vi toàn cầu từ năm 1993 (tổ chức định kỳ vào tuần thứ 3 tháng 9 hằng năm). Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phát động Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn năm 2023 với chủ đề “Chung tay hành động cho thế giới sạch hơn”.

Dự án “Giảm thiểu Rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam” do Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân CHLB Đức thông qua Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên WWF - Việt Nam tài trợ cho Việt Nam.

Ngày 21/01/2021, Văn phòng Chính phủ ban hành Công văn số 510/VPCP-NN chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc xây dựng Đề án tham gia đàm phán Thỏa thuận toàn cầu về rác thải nhựa đại dương.

Rất nhiều các dự án đã và đang được triển khai trên toàn quốc. Nhiều dự án đã được cộng đồng quốc tế và các tổ chức đánh giá hiệu quả cao sau những đóng góp chung về cam kết giảm thải rác thải nhựa đại dương của Việt Nam.

Điều tra, khảo sát, rà soát, nghiên cứu, xây dựng cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương đảm bảo đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả

“Để Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 sớm về đích thì mỗi một người dân cần phải nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ, giữ gìn, đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn; phân loại chất thải tại nguồn, giảm thiểu phát sinh chất thải, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải; từ chối sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích phát triển, sử dụng các sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường. Có như vậy thì chúng ta mới có một môi trường trong, xanh, sạch, đẹp đáng sống.” ông Nguyễn Đức Toàn, Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam nhấn mạnh./.

Theo dangcongsan.vn

  • Từ khóa