Thứ 7, 23/11/2024, 10:08[GMT+7]

Tiền Hải: Khắc phục khó khăn trong xử lý rác thải sinh hoạt

Thứ 4, 31/07/2024 | 17:55:07
2,690 lượt xem
Nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn trong công tác xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH), huyện Tiền Hải đã và đang tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn duy trì thực hiện tốt công tác thu gom, xử lý RTSH trên địa bàn. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải và duy tu, sửa chữa lò đốt rác. Đặc biệt là tiếp thu xử lý kịp thời những phản ánh, kiến nghị của người dân liên quan đến hoạt động của các khu xử lý RTSH hiện nay.

Thu gom rác thải tại xã Tây Giang.

Những năm qua, công tác thu gom, xử lý RTSH đã được các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Tiền Hải quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang duy trì 29 khu xử lý RTSH, trong đó có 18 lò đốt rác tại 26 xã, thị trấn và 11 khu chôn lấp rác tại 8 xã. Các xã, thị trấn thành lập 105 tổ thu gom, xử lý rác thải. Tần suất thu gom rác ở địa phương trung bình từ 2 - 3 ngày/lần; công tác thu gom, vận chuyển bảo đảm theo đúng quy định. Tuy nhiên do các lò đốt rác hiện đã xuống cấp, lượng RTSH ngày một tăng nên công suất xử lý của các lò đốt không đáp ứng được. Diện tích đất để chôn lấp tại các bãi rác cũng không còn nhiều. 

Theo báo cáo của UBND huyện: tính đến tháng 5/2024, toàn huyện có 13 lò đốt rác thải của các xã, đơn vị đang hoạt động; 5 lò đang tạm dừng hoạt động; có 7/29 khu xử lý RTSH đã lấp đầy hết diện tích, cần phải mở rộng diện tích các hố chôn. Trong số các lò đốt rác đang hoạt động nhiều, có lò đốt có tình trạng hoạt động trung bình và kém do đã xuống cấp, chưa đáp ứng với thực tế.

Nhằm khắc phục những tồn tại, khó khăn trong công tác thu gom, xử lý RTSH, thời gian qua, huyện Tiền Hải đã chỉ đạo các xã, thị trấn phối hợp với các ngành chức năng huyện kiểm tra, rà soát tình trạng hoạt động của các khu xử lý rác thải tập trung và lò đốt rác để có phương án khắc phục bảo đảm duy trì vận hành có hiệu quả; chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động thu gom, xử lý rác thải, nhất là việc duy tu, sửa chữa lò đốt rác; thực hiện việc san gạt, phun chế phẩm các hố chôn lấp rác thải nhằm hạn chế bốc mùi ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân khu vực lân cận. Bên cạnh đó, UBND huyện đã chỉ đạo xử lý kịp thời sự cố môi trường tại khu lò đốt rác xã Nam Trung; tổ chức họp, đối thoại với công dân thôn Phú Lâm (Nam Hồng) chấp hành các quy định của pháp luật, không gây cản trở đến hoạt động xử lý rác tại khu xử lý RTSH tập trung xã Nam Trung. 

Ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch UBND xã Nam Trung cho biết: Trước sự cố lò đốt RTSH tập trung của xã xuống cấp nên trong quá trình đốt rác gây ảnh hưởng tới môi trường vào đầu tháng 5/2025, UBND xã đã chủ động bố trí kinh phí, lực lượng, vật tư để khắc phục sửa chữa khu xử lý rác thải và lò đốt rác. Trong đó, đã bố trí gần 300 triệu đồng để sửa chữa lò đốt rác, làm hệ thống ống khói, lợp mái tôn khu vực nhà xử lý rác thải… Đến cuối tháng 5/2024, xã đã đưa vào vận hành lò đốt và khu xử lý rác thải tập trung để bảo đảm công tác xử lý rác trên địa bàn cũng như không gây ảnh hưởng tới sinh hoạt của người dân khu vực lân cận.

 Khu lò đốt rác xã Đông Quý (Tiền Hải). 

Để công tác thu gom, xử lý rác thải đạt hiệu quả, một số địa phương trên bàn huyện đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc vận động nhân dân nêu cao ý thức, trách nhiệm chung tay thực hiện phân loại rác thải tại nguồn, giảm lượng rác thải tại các khu xử lý rác tập trung. Hiện nay, có 4 xã gồm: Đông Minh, Vân trường, Đông Long và Nam Cường triển khai thực hiện phân loại rác thải tại nguồn với tỷ lệ đạt hơn 30% tổng lượng rác thải tại địa phương. 

Ông Trần Văn Thuận, Chủ tịch UBND xã Đông Minh cho biết: Là địa phương ven biển, có nhiều khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng nên lượng rác thải trung bình hàng ngày của xã trên 6 tấn. Nhằm nâng cao hiệu quả xử lý cũng như giảm tải lượng rác đốt cho hoạt động của lò đốt rác, UBND xã đã triển khai tới các ban, ngành, đoàn thể, trong đó lấy chi hội phụ nữ làm nòng cốt, vận động, tuyên truyền cho chị em hội viên cùng toàn thể nhân dân trong xã thực hiện phân loại rác ngay từ nguồn để thuận tiện cho công tác vận chuyển, thu gom và xử lý. Thời gian tới, địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt việc phân loại rác thải tại nguồn, góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp.

Mặc dù, các ngành, địa phương trong huyện đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện về công tác thu gom, xử lý RTSH cơ bản đúng quy định. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc duy trì vận hành các khu xử lý rác tải tập trung và các lò đốt rác hiện nay còn rất nhiều tồn tại, khó khăn. Để các lò đốt rác hoạt động đáp ứng nhu cầu hiện nay thì hàng năm các xã phải thường xuyên duy tu, sửa chữa, nâng cấp, song nguồn kinh phí để thực hiện cho công tác xử lý môi trường không đủ. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn của các tổ chức, hộ gia đình tại các địa phương còn ở mức thấp nên chưa hỗ trợ nhiều trong việc giảm tải lượng rác của các lò đốt. Vì vậy, để giải quyết một cách triệt để vấn đề về môi trường, xử lý RTSH, việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải hiện đại, công nghệ cao, phục vụ tất cả các xã là giải pháp tối ưu nhất mà tỉnh, huyện đang rất quan tâm. Đây cũng là giải pháp mà các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai.

Trần Tuấn