Thứ 7, 23/11/2024, 10:24[GMT+7]

Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường

Thứ 6, 23/08/2024 | 08:13:36
23,445 lượt xem
Ngày 29/12/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1735/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050, trong đó việc xác định cụ thể vị trí, ranh giới của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là một nhiệm vụ được đưa vào kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh. Được sự đồng thuận từ các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia và các nhà khoa học và nhân dân địa phương, Thái Bình đã xác lập cụ thể vị trí, ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải trên cơ sở đó tiếp tục trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo tồn phát triển đa dạng sinh học, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội và phát triển không gian kinh tế biển đa dạng.

Tỉnh đã thực hiện các trình tự, thủ tục bảo đảm theo quy định của pháp luật trong xác lập vị trí, ranh giới và diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải.

Nhu cầu phát triển hài hoà hướng biển

Thái Bình là tỉnh ven biển thuộc đồng bằng sông Hồng, diện tích tự nhiên 1.584,61km2, có khoảng 52km bờ biển và 5 cửa sông lớn đổ ra biển tạo vùng bãi triều trên 16.000ha, qua đó tạo ra nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế biển. Do 3 mặt giáp sông và các tỉnh, phát triển hướng về phía Đông, quai đê lấn biển là giải pháp để tỉnh Thái Bình mở rộng quỹ đất, tạo không gian phát triển kinh tế - xã hội, đây cũng là hướng đi đã được thực hiện từ bao đời nay ở Thái Bình. 

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định cụ thể và thống nhất mục tiêu tập trung xây dựng kinh tế biển trở thành trọng điểm kinh tế của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển, an ninh biên giới quốc gia.

Tuy nhiên, người dân Thái Bình luôn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của thiên nhiên, biến đổi khí hậu từ biển. Bão biển, nước dâng, triều cường, mặn xâm nhập sâu… hàng ngày tác động đến mọi mặt đời sống, kinh tế - xã hội. Hơn ai hết, người dân Thái Bình luôn có ý thức bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, rừng ngập mặn, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ biển, tạo sinh kế ổn định lâu dài… để con người luôn luôn sống hòa mình với thiên nhiên, luôn luôn được che chở bảo vệ từ thiên nhiên. Đây là một chủ trương nhất quán của tỉnh Thái Bình trong quá trình phát triển hướng Đông. 

Tại Quyết định 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 cũng xác định “phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường và giữ vững cân bằng sinh thái; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới một nền kinh tế xanh, tuần hoàn và thân thiện với môi trường”. Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác lập là một bước cụ thể thực hiện định hướng này.

Xác lập quy mô, diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải

Do có tầm quan trọng trong công tác bảo tồn các loài chim di trú nên năm 2002, vùng đất ngập nước Tiền Hải được ghi nhận là một trong các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng của Việt Nam. Đến ngày 2/12/2004, UNESCO đã công nhận “Khu dự trữ sinh quyển ven biển liên tỉnh châu thổ sông Hồng” gồm các vùng đất ngập nước phía Nam vùng duyên hải Bắc Bộ nằm ở các cửa sông Thái Bình, sông Hồng và sông Đáy thuộc 3 tỉnh châu thổ sông Hồng: Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình là một khu dự trữ sinh quyển thế giới tại Việt Nam. 

Năm 2014, với mong muốn tập trung phát triển rừng trên các diện tích bãi triều nhằm giữ đất, chống biến đổi khí hậu, tạo sinh kế cho người dân, hướng tới hình thành khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, tỉnh Thái Bình đã ban hành Quyết định số 2159/QĐ-UBND, ngày 26/9/2014 phê duyệt đề án xác lập khu rừng đặc dụng với diện tích 12.500ha lấy tên gọi là “Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải”. Phạm vi, ranh giới, quy mô của khu bảo tồn được kế thừa từ Quyết định số 660/KH, ngày 4/10/1995 của Bộ Lâm nghiệp; số liệu chỉ định tính, nhằm định hướng xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát triển rừng. 

Việc xác lập vị trí, ranh giới, diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có ý nghĩa quan trọng, bảo đảm đúng các quy hoạch đã được phê duyệt như Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung Khu kinh tế Thái Bình…

Để thực hiện nhiệm vụ đó, tỉnh đã thực hiện các trình tự, thủ tục bảo đảm theo quy định của pháp luật. Việc phát triển kinh tế biển, tạo không gian kinh tế mới hướng biển bảo đảm thực hiện theo Quyết định số 1735/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 1486/QĐ-TTg, ngày 28/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tỉnh Thái Bình đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là căn cứ quan trọng, cùng sự tham vấn của các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia và các nhà khoa học và nhân dân địa phương để Thái Bình xác lập cụ thể vị trí, ranh giới khu bảo tồn thiên nhân đất ngập nước Tiền Hải.

Ngày 20/8, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1357/QĐ-UBND về việc xác lập vị trí, ranh giới và diện tích khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó xác định:

- Vị trí: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có vị trí nằm ở vùng ngoài đê số 5, số 6 của huyện Tiền Hải, phía Bắc giáp với vùng cửa Trà Lý và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ, phía Nam giáp cửa Ba Lạt và quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ, phía Tây giáp với khu quy hoạch nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, quy hoạch khu đô thị dịch vụ Cồn Vành - Cồn Thủ, khu lấn biển và khu quy hoạch phố biển Đồng Châu, phía Đông giáp với Biển Đông.

- Ranh giới: Ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được xác định bằng 33 điểm tọa độ.

- Diện tích: Tổng diện tích khu bảo tồn là: 12.500ha, gồm:

+ Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 2.726ha;

+ Phân khu phục hồi sinh thái: 9.774ha;

+ Vùng đệm của khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải là khu vực liền kề, bao quanh ranh giới khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với diện tích 3.446,5ha.


Cam kết thực hiện đúng quy định, công ước quốc tế về bảo vệ môi trường

Ông Nguyễn Văn Chiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Những năm qua, tỉnh Thái Bình luôn tuân thủ mục đích, tôn chỉ và các quy định của Công ước Ramsar, khu dự trữ sinh quyển đồng bằng sông Hồng được UNESCO công nhận năm 2004. Quan điểm xuyên suốt, thống nhất của tỉnh trong thực hiện các mục tiêu phát triển là kết hợp hài hòa phát triển kinh tế gắn với bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường; không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Hiện nay, Thái Bình có hai khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước với tổng diện tích 19.060ha, chiếm tỷ lệ rất lớn diện tích vùng ven biển của tỉnh, cụ thể: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy với quy mô 6.560ha, khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải với quy mô 12.500ha. Hoạt động quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải được thực hiện theo Quy chế quản lý khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Bình tại Quyết định số 12/QĐ-UBND, ngày 5/1/2021 của UBND tỉnh; việc xác lập và quản lý các hoạt động trong phân khu chức năng theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 66/2019/NĐ-CP, ngày 29/7/2019 của Chỉnh phủ.

Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có 590,7ha rừng ngập mặn.

Tại khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải có 590,7ha rừng ngập mặn, đây toàn bộ là rừng đặc dụng với đa dạng các loài cây ngập mặn. Với mục tiêu quản lý, bảo tồn, sử dụng và phát triển bền vững khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Tiền Hải, hàng năm, tiến hành rà soát quỹ đất để trồng rừng mới, Thái Bình phấn đấu trong những năm tiếp theo tổng diện tích trồng mới khoảng 500ha đồng thời đẩy mạnh giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng - chủ thể trong công tác bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước, bảo đảm sự tham gia của cộng đồng địa phương trong thực hiện các biện pháp bảo tồn nhằm tăng cường trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường của người dân.

Ngân Huyền